Chỉ hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2020, thời điểm này, nhiều làng nghề đã cho ra mắt những sản phẩm độc đáo để trưng bày. Đáng chú ý, những sản phẩm thủ công hình con trâu với mẫu mã, kích thước đa dạng đang là mặt hàng được khá nhiều người ưa chuộng.
Chị Trần Thị Thường, chủ một xưởng chuyên sản xuất các loại tượng, con giáp bằng gỗ ở thôn Thượng Cung (Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, đã 20 năm gắn bó với nghề truyền thống, gia đình chị sản xuất mặt hàng này quanh năm chứ không theo mùa vụ. Song cứ vào dịp cuối năm, công việc lại bận bịu hơn cả, có khi sản phẩm làm ra không kịp bán.
|
Trâu gõ đang là mặt hàng hút khách dịp Tết Tân Sửu tới |
Chuẩn bị bước sang năm Tân Sửu nên những con trâu gỗ là mặt hàng khá hút khách, đặc biệt là tượng trâu nằm trên đế tiền vàng mang ý nghĩa nhiều tài lộc, may mắn trong năm mới được nhiều người chọn mua.
Từ tháng 8 âm lịch, xưởng nhà chị đã rục rịch sản xuất theo đơn đặt hàng của khách, mỗi đợt khoảng 50-100 con to nhỏ tùy nhu cầu. Hàng làm ra đến đâu đều được đóng gói chuyển đi luôn, khách lấy sỉ phải đặt trước tầm 1 tuần mới có.
Theo chị Thường, những con trâu này đều được làm từ gỗ hương có mùi thơm nhẹ, vân đẹp, có độ bóng, sắc nét. Trung bình cứ 8-10kg gỗ hương sẽ tạo ra được 1 chú trâu tùy kích thước.
Song, để tạo ra được một con trâu thì phải qua khá nhiều công đoạn như: chọn gỗ, cho vào máy tạo hình, gọt sạch lại, đánh giấy ráp, cuối cùng là khâu phun sơn hoàn thiện. Trong đó, khâu gọt tỉa tạo điểm nhấn phần khuôn mặt, hoa văn là quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ có tay nghề, khéo léo, tỉ mỉ và có sự sáng tạo mới đáp ứng được những khách hàng khó tính.
|
Giá trâu dao động từ 0,4-5 triệu đồng/con tùy loại |
|
Các xưởng sản xuất đang chạy đua để kịp hàng bán Tết |
Tùy theo từng mẫu thiết kế kích thước to hay nhỏ, trâu đứng hay nằm, nhiều họa tiết hay mẫu trâu trơn mà có giá khác nhau, dao động 450.000-1.000.000 đồng/con. Đặc biệt, với những con giá từ 1 triệu đồng trở lên thường có kích thước to, hoa văn cầu kỳ, nhiều chi tiết tiểu cảnh.
“Những tháng giáp Tết này, xưởng nhà tôi hoạt động không ngừng nghỉ, máy chạy cả ngày lẫn đêm. Nhiều hôm gia đình tôi phải thức khuya dậy sớm, làm đến 10 giờ đêm mới nghỉ, quên cả ăn trưa để làm hàng cho kịp tiến độ”, chị nói.
Dự kiến năm nay, nhà chị sản xuất khoảng 400-500 con trâu gỗ phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, ước tính doanh thu được khoảng 240-300 triệu đồng, trừ đi chi phí cũng lãi được một khoản dù không nhiều như sản xuất những mặt hàng khác.
Ngoài ra, chị còn có nhiều mẫu tượng Phật, tam đa, thần tài, tạo hình các con giáp, chậu hoa,... để bày biện, trang trí nhà cửa cho khách hàng lựa chọn, chị Thường cho hay.
|
Các xưởng dự kiến bán được khoảng 400-500 con trâu trong mùa Tết này |
Cách đó không xa, xưởng sản xuất trâu gỗ của chị Thái Thị Dự cũng tất bật không kém. Chị thừa nhận, năm nào trước Tết, vợ chồng chị cũng “đầu tắt mặt tối” làm hàng kịp giao cho các mối buôn quanh Hà Nội và trong TP.HCM. Bởi đến tầm 10/12 âm lịch, khách buôn đã dừng lấy hàng. Theo đó, chị phải thuê thêm 10 người nữa, mỗi người đảm nhận một công đoạn cho kịp tiến độ.
Chị Dự cho biết, để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, các dòng trâu gỗ có mẫu mã, kiểu dáng, kích thước, hoa văn rất đa dạng như hình chú tiểu đồng ngồi trên lưng trâu, trâu đứng, trâu nằm trên đế tiền vàng, trâu cõng tài lộc,... Ngoài bán theo cặp, chị còn bán lẻ tùy theo yêu cầu sử dụng và biếu tặng của khách.
Giá mẫu trâu này tùy vào kích thước và độ cầu kỳ, tỉ mỉ của họa tiết trên đó. Đơn cử, con có kích thước nhỏ, họa tiết trơn có giá 400.000 đồng/đôi; con to chiều dài khoảng 80cm, chiều rộng 25cm, chiều cao 35cm có giá khoảng 5 triệu đồng/con, song khách đặt đến đâu chị mới làm đến đó. Có người đặt vài chục đôi, khách đặt nhiều khoảng 100 đôi mỗi đợt.
Trung bình mỗi ngày xưởng nhà chị làm được một mẻ gồm 8 con trâu, tính riêng đơn hàng Tết này, cơ sở của chị sản xuất khoảng 400 con. Bên cạnh đó, heo gỗ cũng là măt hàng rất đắt khách, được nhiều người lựa chọn để trang trí trong nhà, có giá dao động 400.000-2.000.000 đồng/cặp tùy loại.