Nhiều hộ dân ở ĐBSCL cho biết, khi những vườn cam bị vàng lá, tức là có dấu hiệu của bệnh vàng lá gân xanh. Lúc này, có thể sử dụng cách chích thuốc để cứu chữa thay vì là đốn bỏ như nhiều năm trước đây.
|
Người dân chích thuốc cho cam. |
Để bơm thuốc vào cây cam, người dân sẽ khoan một lỗ khoảng 2cm trên thân (cách mặt đất khoảng 10cm) và sử dụng ống bơm (loại chích thuốc cho vật nuôi) để chích thuốc vào lỗ đã khoan sẵn trước đó. Đối với những cây nhỏ chỉ chích 1 mũi, còn cây lớn sẽ chích 2 mũi. Dung dịch để chích có vài loại, được cho là nông dược.
|
Ống chích được bơm thuốc và gắn vào lỗ khoan trong 24 giờ. |
Theo phóng viên tìm hiểu, bệnh vàng lá gân xanh trên cây cam ở ĐBSCL đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Bệnh thường xuất hiện ở những vườn được 2 năm tuổi trở lên và lây lan nhanh. Người dân bắt buộc phải đốn bỏ cả vườn sau đó vì loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Trước đây, năm 2014, tỉnh Hậu Giang từng công bố dịch bệnh vàng lá gân xanh trên toàn tỉnh vì có đến 7.000/9.798ha cam sành nhiễm bệnh trên.
Lãnh đạo phòng nông nghiệp một số địa phương cho biết, việc chích thuốc vào cây cam là cách cưỡng bức điều hòa phân bón, tạo dinh dưỡng. Đây là hình thức cuối cùng, khi cây đã hư rễ và lá (không hấp thu được dinh dưỡng) do bị bệnh vàng lá gân xanh gây ra.
“Cây cam mà bị bệnh vàng lá coi như không trị được rồi nên người dân làm đại theo cách chích thuốc. Nếu cây sống được thì tiếp tục đầu tư, còn chết thì thôi” - ông Trần Văn On, người dân trồng cam ở ấp Hòa Bình, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết.