Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (chủ sở hữu chuỗi cửa hàng điện máy Trần Anh) mới đây đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh từ 1/4/2018 đến 31/12/2018 với khoản lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng.
Chỉ còn doanh thu từ công ty mẹ
Sau khi sáp nhập vào hệ thống của Công ty cổ phần Tập đoàn Thế giới Di động - MWG, doanh thu thuần 9 tháng cuối năm của Trần Anh chỉ đạt 2.273 tỷ đồng, giảm tới 35% so với doanh thu thực hiện cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, hơn một nửa nguồn thu này (hơn 1.023 tỷ đồng) đến từ giao dịch bán hàng với công ty mẹ MWG.
Riêng trong 3 tháng cuối năm 2018, doanh thu bán hàng của chuỗi điện máy này giảm mạnh từ 1.699 tỷ đồng về 37,5 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tương ứng giảm từ mức trăm tỷ chỉ còn vỏn vẹn 589 triệu đồng.
Tuy nhiên cũng việc sáp nhập vào hệ thống của MWG giúp các chi phí vận hành của Trần Anh được cắt giảm đáng kể giúp công ty chỉ còn lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng năm vừa qua. Trong khi số lỗ ghi nhận vào năm 2017 của chuỗi điện máy này lên tới gần 63 tỷ đồng.
|
Toàn bộ cửa hàng của Trần Anh hiện nay đều đã được chuyển đổi thành cửa hàng Điện Máy Xanh. Ảnh: Hồng Phúc. |
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo của Trần Anh, do năm 2017 công ty thực hiện quá trình mua bán và sáp nhập (M&A) với MWG nên nhiều nhà cung cấp có sự thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa. Bên cạnh đó, tầm lý của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng đã tác động đến việc tiêu thụ sản phẩm làm doanh thu sụt giảm.
Từ năm 2018, hoạt động của công ty bắt đầu dần khôi phục và đến quý IV cùng năm đã chính thức ổn định.
Hiện tại, Trần Anh đã bán toàn bộ hàng hóa tồn kho và tài sản sở hữu cho Công ty cổ phần Thế giới Di động (công ty con của MWG vận hành chuỗi Thegioididong.com và Dienmayxanh.com).
Hiện tại, chuỗi điện máy nổi tiếng một thời tại Hà Nội chỉ còn hoạt động và phát sinh doanh thu trong lĩnh vực cho thuê mặt bằng, văn phòng và thương hiệu với chính công ty mẹ Thế giới Di động.
Báo cáo tài chính năm 2018 của Trần Anh cũng cho biết hoạt động cho thuê mặt bằng, văn phòng và thương hiệu năm vừa qua mang về cho công ty gần 36 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên công ty phát sinh doanh thu từ hoạt động cho thuê này.
Sau khi hợp nhất với Thế giới Di động, hầu hết giao dịch của Trần Anh chỉ còn liên quan tới công ty mẹ này từ việc thanh lý tài sản, bán hàng hóa, vay mượn…
Chi gần 1.000 tỷ đồng thuê cửa hàng kinh doanh
Báo cáo của Trần Anh cũng tiết lộ số tiền doanh nghiệp này phải chi trả để thuê hàng chục cửa hàng kinh doanh quy mô lớn hiện nay.
Cụ thể, Trần Anh đang thuê hàng chục cửa hàng theo các hợp đồng thuê thời hạn khác nhau. Tính đến cuối năm 2018, số tiền công ty phải trả cho các hợp đồng thuê này lên tới 984 tỷ đồng kéo dài từ 1 năm đến trên 5 năm.
Tuy nhiên, gần như toàn bộ cửa hàng này lại đang được Trần Anh cho thuê lại và bên thuê lại chính là Thế giới Di động.
Thực tế, từ giữa năm 2018, tất cả cửa hàng điện máy Trần Anh đều đã thay đổi nhận diện thương hiệu thành các cửa hàng Điện Máy Xanh. Hiện tại, hàng hóa bày bán tại đây cũng được hạch toán là hàng hóa của chuỗi Điện Máy Xanh này.
Về phía Trần Anh, sau khi bán lại toàn bộ tài sản cho Thế giới Di động, fanpage của chuỗi điện máy đã ngừng hoạt động quảng bá sản phẩm mang thương hiệu của mình.
Thay vào đó, sẽ chia sẻ các nội dung về công thức nấu ăn, mẹo vặt nhà bếp, hướng dẫn sử dụng đồ gia dụng trong gia đình...
Website chính thức của công ty cũng đã chuyển đổi sang Điện Máy Xanh, và chuỗi điện máy nổi tiếng một thời đã chính thức vị xóa tên trên thị trường.
Trần Anh từng là chuỗi siêu thị điện máy có quy mô lớn nhất tại Hà Nội. Giai đoạn 2005-2006, đây là nhà phân phối lớn nhất trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy tại thị trường miền Bắc, lợi nhuận hàng năm tăng trưởng đáng kể.
Tuy nhiên, việc mở rộng cửa hàng một cách nhanh chóng cùng sự xuất hiện của nhiều đối thủ lớn đã khiến lợi nhuận của chuỗi điện máy này dần giảm sút. Và đến cuối năm 2017 (trước thời điểm bị bán lại cho Thế giới Di động), Trần Anh đã lỗ ròng hàng chục tỷ đồng.
Hiện tại, Thế giới Di động đang sở hữu tới 99,33% vốn cổ phần tại Trần Anh. Ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất của Thế giới Di động, giá trị lợi thế thương mại từ thương vụ sáp nhập này đạt hơn 613 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ Trần Anh chuyển sang công ty mẹ cũng lên tới gần 1.000 tỷ đồng do các khoản đầu tư lớn mà công ty đã chi trước đó.