Đại gia người tình tin đồn Mỹ Tâm hết thời huy hoàng, phải bán "con" trả nợ?

Google News

(Kiến Thức) - Từng được gọi là "vua cá tra" khiến nhiều người ngưỡng mộ, giờ đây người tình tin đồn của Mỹ Tâm - ông Dương Ngọc Minh phải oằn mình gánh nợ.
 

Ông Dương Ngọc Minh sinh ngày 20/10/1956, là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thuỷ sản Hùng Vương (HoSE: HVG) có trụ sở chính tại khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang.

Những ngày đầu năm 2012, cư dân mạng xôn xao trước thông tin Mỹ Tâm chuẩn bị lên xe hoa cùng ‘vua cá tra’ Dương Ngọc Minh. Từ đây ông được nhớ đến là người tình tin đồn của Mỹ Tâm.

Trong thời gian đó, trong tay ông Dương Ngọc Minh có tới 12 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang; 2 nhà máy chế biến thức ăn có công suất 600.000 tấn/năm; kho lạnh có sức chứa 42.000 tấn; vùng nuôi cá tra nguyên liệu diện tích 250 ha, đáp ứng được 150.000 tấn cá mỗi năm.

Thời huy hoàng vung tiền thâu tóm hàng loạt công ty

Việc kinh doanh của Hùng Vương lúc bấy giờ vô cùng khởi sắc, ông Dương Ngọc Minh quyết tâm đi thêm nhiều nước cờ để mở rộng thị trường.

Đầu năm 2013, Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh đã làm nóng thị trường Mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam sau khi công bố loạt thương vụ với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Trong đó có kế hoạch mua hàng triệu cổ phiếu VTF của CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, một doanh nghiệp rất nổi tiếng trong mảng thức ăn chăn nuôi thủy sản tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nhằm thâu tóm 3 nhà máy lớn tại Sa Đéc và Lai Vung.

Tiếp đó, Hùng Vương mua lại Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản Việt Đan với công suất cả trăm ngàn tấn/năm; mua cổ phần của Thực phẩm Sao Ta (FMC) để trở thành cổ đông chiến lược; mua cổ phần Thủy sản Bến Tre (ABT) từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); đồng thời tăng sở hữu tại Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agrifish, AGF) lên 51%, biến công ty này thành công ty con của mình nhằm đẩy mặt xuất khẩu sang Âu và Mỹ.

Bên cạnh đó, Hùng Vương còn góp vốn mua cổ phần của CTCP Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Tắc Vân, một doanh nghiệp chuyên về chế biến tôm mực xuất khẩu tại Cà Mau.

Với hơn chục công ty con và liên kết, Hùng Vương có trong tay hàng chục nhà máy chế biến thủy sản, vài nhà máy chế biến thức ăn, ao nuôi trồng thủy sản cùng vời nhiều kho lạnh và các bộ phận hỗ trợ khác.

Không những thế, Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh còn lấn sân sang bất động sản và mở rộng các kênh phân phối sang cả nước ngoài, trong đó có Nga, với kế hoạch mua lại 50% hệ thống phân phối của Russian Fish - một công ty phân phối cá đứng đầu thị trường này.

Có thịnh tất có suy

Trước những chiến lược mở rộng quy mô nhanh chóng, nhiều chuyên gia và các nhà đầu tư không khỏi lo lắng về nước cờ trên của ông Dương Ngọc Minh.

Chưa đầy một năm, đến cuối 2013, công ty mẹ Hùng Vương lần đầu báo lỗ bất chấp doanh thu tăng mạnh. Thị phần được giữ vững nhưng chi phí quá cao, đặc biệt chi phí tài chính, bán hàng và vận chuyển đã khiến công ty của 'vua cá tra' gặp khó.

Sang 2015, Công ty thu về doanh thu tăng nhưng lãi vỏn vẹn hơn chục tỷ đồng. Vị trí của Hùng Vương trong ngành ngày càng sụt giảm.

Từ vị trí top 10 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, người tình tin đồn của ca sỹ Mỹ Tâm rớt dài, ra khỏi top 100 và oằn mình gánh nặng nợ nần.

Đang trên bờ vực tụt dốc thì Hùng Vương lần nữa mở rộng hoạt động kinh doanh, chuyển hướng chăn nuôi heo với dự án 2.000 tỷ đồng, từ thức ăn gia súc gia cầm cho tới trang trại, sản xuất thuốc, logistics,...

Dai gia nguoi tinh tin don My Tam het thoi huy hoang, phai ban
 Ông Dương Ngọc Minh và ca sỹ Mỹ Tâm từng dính nghi án hẹn hò. 

Vỡ mộng POR 14, kết quả kinh doanh ngày càng đi lùi

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vào tháng 2, Chủ tịch Dương Ngọc Minh khẳng định chắc nịch rằng “nếu POR 14 thành công thì định hướng lâu dài, đến cuối 2020 Hùng Vương sẽ quay về mục tiêu doanh số 20.000 tỷ đồng/năm, còn năm 2019 là từ 8.000-10.000 tỷ đồng. Theo đó, HVG sẽ mua lại cổ phần đã bán cho Vingroup (VIC), tương ứng 38% vốn (520 tỷ đồng) để có định hướng lâu dài cho Công ty”.

Thế nhưng, những hy vọng của Hùng Vương tại thị trường Mỹ trong đợt rà soát này đã bị dập tắt. Theo đó, mức thuế cuối cùng của POR14 đối với Hùng Vương là 3.87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).

Việc bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong nhóm các doanh nghiệp thủy sản sau đợt xem xét hành chính lần thứ 14 của Mỹ đã tạo ra 'cú sốc' với Hùng Vương.

Có thể thấy, 'cú sốc' POR 14 trong bối cảnh nợ vay bủa vây khiến Hùng Vương đã khó càng thêm khó. Đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu HVG giảm sâu và khó có cơ hội hồi phục trong tương lai gần.

Kết thúc niên độ tài chính 2018 - 2019, Hùng Vương đạt tổng doanh thu hơn 3.966 tỷ đồng, giảm gần 52% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu nội địa chiếm gần 2.325 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu chiếm hơn 1.641 tỷ đồng. Giá vốn trong năm cũng ghi nhận giảm 52%. Theo đó, Công ty thu về hơn 263 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm 36% so cùng kỳ.

Tuy giảm, nhưng các khoản chi phí hoạt động của Hùng Vương vẫn lớn hơn lợi nhuận gộp. Cụ thể, chi phí tài chính ghi nhận hơn 264 tỷ đồng, giảm 23%; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận gần 469 tỷ đồng, giảm gần 9%. Theo đó, kết thúc niên độ 2018-2019, Hùng Vương lỗ ròng hơn 476 tỷ đồng.

Tại ngày cuối năm tài chính 2019, Hùng Vương ghi nhận lượng nợ phải trả gần 7.214 tỷ đồng, tăng 12% (tương ứng 773 tỷ đồng) so với đầu năm. Phần tăng lên chủ yếu là tiền phải trả người bán ngắn hạn, tăng từ 2.475 tỷ đồng lên đến 3.417 tỷ đồng.

Riêng tổng lượng nợ vay của Hùng Vương vào cuối năm tài chính 2019 là 3.062 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là chủ nợ lớn nhất của Hùng Vương, với tổng cho vay hơn 2.005 tỷ đồng, tiếp đến là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) với gần 601 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Hùng Vương đã quyết định thoái toàn bộ tại các công ty con. Theo đó, Công ty đã thoái 100% số vốn góp 180 tỷ đồng tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre, tương ứng 90% tổng số cổ phần công ty, và thoái phần vốn đang sở hữu tại Thủy sản An Giang (Agifish, AGF) xuống dưới 50%.

Đây không phải là lần đầu tiên Hùng Vương bán các khoản đầu tư của mình. Năm tài chính 2018, Công ty đã phải giải thể và bán đất tại CTCP Địa ốc An Lạc, chuyển nhượng cổ phần tại Thực phẩm Sao Ta, Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, chấp nhận bán Kho lạnh 2 Tân Tạo và mới đây nhất là thoái toàn bộ 51% vốn tại Hùng Vương Sông Đốc hồi tháng 5.

Anh Nhi

>> xem thêm

Bình luận(0)