Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, PGB) vừa công bố đơn xin từ nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối xử lý và thu hồi nợ của ông Hoàng Xuân Hiệp.
Trong đơn, ông Hiệp cho biết do thay đổi định hướng công việc, ông đề nghị được PGBank cho thôi việc kể từ ngày 15/1/2024.
Ông Hoàng Xuân Hiệp tốt nghiệp Cử nhân Học viện Ngân hàng, Thạc sỹ Quản lý hành chính công - Học viện Hành chính quốc gia Việt Nam. Trước khi gia nhập PG Bank năm 2020, ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) như Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc Công ty quản lý và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Hàng Hải.
MSB và PGBank trong nhiều năm được biết đến là các thành viên mảng tài chính ngân hàng của TNG Holdings. Nhiều nhân sự cấp cao của Maritime Bank (MSB) cũng từng chuyển sang đảm trách các vị trí quan trọng trong hệ thống của PGBank, từ HĐQT, Ban điều hành cho tới Ban kiểm soát.
Các cựu lãnh đạo của MSB tại PGBank như ông Nguyễn Phi Hùng, ông Oliver Schwarzhaupt, ông Nilesh Ratilal, bà Dương Ánh Tuyết lần lượt nộp đơn từ nhiệm ở ngân hàng này.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Phi Hùng ngay sau khi được miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT PGBank ở ĐHĐCĐ bất thường ngày 23/10/2023, đã quay trở lại làm Phó Tổng giám đốc tại Ngân hàng MSB kể từ ngày 31/10/2023.
|
Ông Hoàng Xuân Hiệp xin từ nhiệm tại PGBank. |
PGBank chứng kiến nhiều biến động ở cơ cấu sở hữu trong năm 2023. Cụ thể, vào ngày 24/4, Petrolimex tuyên bố hoàn tất chuyển nhượng 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank.
3 tổ chức mua đấu giá cổ phiếu PGBank đều có liên hệ sâu sắc với Tập đoàn Thành Công. Đến ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước có công văn chấp thuận việc mua, nhận chuyển nhượng cổ phần dẫn đến trở thành cổ đông lớn tại PGBank của 3 doanh nghiệp nói trên.
Hậu Petrolimex thoái vốn, tới phiên 11/7, gần 155 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 51% vốn điều lệ PGBank, được sang tay giữa các nhà đầu tư bằng phương pháp thỏa thuận với giá trị 3.274 tỷ đồng.
Mới đây, HĐQT PGB vừa thông qua việc thay đổi tên thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển. Theo đó, tên viết bằng tiếng nước ngoài đổi thành "Prosperity And Growth Commercial Joint Stock Bank". Còn tên viết tắt PG Bank được đổi thành PGBank.
Trước đó, ĐHĐCĐ bất thường ngày 23/10/2023 của PG Bank đã thông qua kế hoạch thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính.
Việc PGBank đổi tên trong bối cảnh tình hình kinh doanh 9 tháng 2023 đang ngày càng đi lùi. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của PGBank tăng 10% lên hơn 959 tỷ đồng trong 9 tháng. Ngược lại, các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm đồng thời PGBank cũng giảm dự phòng 34% về còn 144 tỷ đồng.
Nhưng sau cùng PGBank chỉ ghi nhận 360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng, giảm 7% so với cùng kỳ và thực hiện được 68% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 7% về mức 288 tỷ đồng
Tại thời điểm cuối tháng 9, tổng tài sản của PGBank giảm 2% so với đầu năm, về mức 47.832 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 5% khi chiếm 30.485 tỷ đồng.
Tiền gửi của khách hàng cũng ghi nhận tăng 9% lên con số 34.098 tỷ đồng.
Về nợ xấu, tại thời điểm 30/9, tổng nợ xấu của PGBank ở mức 796 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% của đầu kỳ lên 2,61%.