Sẽ ra sao nếu PGBank và MBBank sáp nhập?

Google News

(Kiến Thức) - Nếu tin đồn PGBank sáp nhập với MBBank là sự thật,  nó sẽ làm thay đổi đáng kể vai trò và vị thế của hai ngân hàng này trên thị trường.

Gần đây, dư luận xôn xao khi bất ngờ xuất hiện tin đồn PGBank sáp nhập với MBBank (Ngân hàng TMCP Quân đội - HOSE: MBB)... Nhiều người băn khoăn sẽ như thế nào nếu thông tin này là thật?
Theo thông tin đăng tải trên Vietstock mới đây, ngân hàng MBBank đang nghiên cứu việc sáp nhập ngân hàng PGBank. Theo đó, MBBank cần phải thành lập Ban chỉ đạo, Ban triển khai sáp nhập, thuê đơn vị xây dựng đề án và xác định tỷ lệ hoán đổi phù hợp, đảm bảo lợi ích của cổ đông hiện hữu của MBBank.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngân hàng MBBank vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin chính thức nào về sự việc sẽ sáp nhập với PGBank.
Se ra sao neu ngan hang PGBank va MBBank sap nhap?
 Hiện MBBank vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin chính thức nào về sự việc sẽ sáp nhập với PGBank.
Thông tin này không phải không có cơ sở. Trước đó, theo Kinh tế & Tiêu dùng, trong đại hội cổ đông thường niên 2017 tổ chức vào tháng 4, ông Lê Hữu Đức - Chủ tịch HĐQT MBBank cho biết, giai đoạn chiến lược 2017 - 2021, MBBank có thể thực hiện mua bán sáp nhập với một ngân hàng khác để tăng quy mô nếu phù hợp và hiệu quả, hài hoà lợi ích giữa cổ đông và các nhà đầu tư.
Đồng thời, MBBank cũng sẽ thực hiện đầu tư chuyển dịch ngân hàng ứng dụng số, liên kết hợp tác với Viettel, đẩy mạnh bán chéo bảo hiểm (bancas), nghiệp vụ ngân hàng đầu tư.
Mời quý độc giả xem video "Vietcombank để ngỏ khả năng sáp nhập với một ngân hàng khác". Nguồn: FBNC Vietnam:
Vậy trước khi có thể sáp nhập với nhau thì MBBank và PGBank đang "kiếm tiền" như thế nào?
Ngày 2/11 vừa qua, MBBank đã chính thức ký kết bàn giao 49% vốn cổ phần của Mcredit cho Ngân hàng Shinsei và ra mắt Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (thương hiệu Mcredit). MBBank vẫn nắm cổ phần kiểm soát tại MB Shinsei với việc sở hữu 50% cổ phần. Theo ước tính từ HSC dựa trên thông tin trên thị trường về một số thương vụ tương tự, sơ bộ MBBank sẽ lãi 490 tỷ đồng từ thương vụ này.
Tính đến 30/9/2017, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của MBBank đạt 4.002 tỷ đồng (trong đó lợi nhuận riêng ngân hàng đạt 3.902 tỷ đồng), tăng 43% so với 9 tháng năm 2016, hoàn thành 88% kế hoạch đề ra.
Tổng tài sản của MBBank tăng 7,7% lên 276.244 tỷ đồng, hoàn thành phương án tăng vốn điều lệ đạt 18.155 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 1,35%.
MBBank tiếp tục báo lãi nghìn tỷ trong quý III, thu nhập nhân viên tăng 21% đạt 21 triệu đồng/tháng với số lượng nhân viên bình quân trong 9 tháng đầu năm là 11.277 người. Tăng trưởng đều từ các hoạt động kinh doanh chính, MBBank tiếp tục báo lãi trước thuế 1.478 tỷ đồng trong quý III/2017.
Trong khi đó, ở phía ngân hàng PGBank, hoạt động độc lập vẫn đang có những chuyển động mới. Cụ thể, theo nguồn tin trên Bizlive, tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với thời điểm đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 11,3% trong khi tiền gửi của khách hàng đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7%.
Mảng tín dụng vẫn là hoạt động chính, mang lại lợi nhuận cao nhât cho ngân hàng với khoản thu nhập lãi thuần hơn 209 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 3,7 tỷ đồng trong khi mảng kinh doanh ngoại hối lãi 11,4 tỷ đồng. Chi phí hoạt động trong kỳ của PGBank ở mức gần 120 tỷ đồng, tăng trưởng 16,5% trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhẹ 2,4%, lên 65 tỷ đồng.
Kết thúc quý III/2017, PGBank đạt lợi nhuận trước thuế 67,7 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với con số đạt được cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế gần 136 tỷ đồng, gấp đôi 9 tháng đầu năm 2016. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành tới 90,6% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2017.
Tại ngày 30/9, PGBank đang có 525 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21,3% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 24,8%, lên 339 tỷ đồng, chiếm 65% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện đang ở mức 2,69%/tổng dư nợ, tăng so với mức 2,47% hồi đầu năm.
Mới đây, ĐHĐCĐ ngân hàng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.165 tỷ đồng thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Theo đó, ngân hàng sẽ tiền hành trả cổ tức với tỷ lệ 5,5%, tức cổ đông sở hữu 1000 cổ phần sẽ được chia 55 cổ phần mới. Nguồn vốn phát hành được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối luỹ kế của ngân hàng. Thời gian thực hiện dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017.
Với việc tăng vốn này, PGBank dự kiến tổng tài sản đạt mức 28.982 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2016. Trong đó, tổng dư nợ khách hàng đạt 21.391 tỷ đồng, tổng huy động vốn tăng lên 25.011 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 2017 của PG Bank ở mức 155 tỷ đồng.
Sang năm 2018, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế sẽ tăng gấp đôi, lên hơn 315 tỷ đồng.
Như vậy, nhiều người kỳ vọng, nếu như mối lương duyên giữa “người khổng lồ” MBBank và “cô gái gốc quê” PGBank xảy ra, nó sẽ làm thay đổi đáng kể vai trò và vị thế của hai ngân hàng này trên thị trường.
Hồng Liên (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)