Đối với ông Tuấn, nuôi gà như thế vừa để thỏa mãn niềm đam mê, vừa là kế sinh nhai của ông. Cuộc đời thăng trầm của ông cũng gắn liền với loài gà để rồi ông phát hiện ra một loài gà vừa độc đáo nhưng lại có giá trị kinh tế cao giúp ông đổi đời. Đó là con gà Đông Tảo có đôi chân xấu kỳ dị.
|
Ông Tuấn và những con gà Đông Tảo có cặp chân khủng. |
Nuôi gà tiến Vua từ 200.000 đồng
Ông Vũ Ngọc Tuấn (sinh năm 1970, trú tại ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom) từ nhỏ chỉ biết các loại gà ở miền Nam. Nhưng trong một chuyến đi buôn nông sản đầu năm 2002, tình cờ, ông Tuấn đọc được một bài viết trong một cuốn tạp chí về loại gà này có ghi rằng: gà Đông Tảo hay gà Đông Cảo là một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của loại gà này là cặp chân xấu xí, to và thô. Đây còn là loài gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, người dân trước đây thường dùng để cúng tế-hội hè, hay tiến Vua và cũng là loại gà nằm trong danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen…
Đọc đến đây thì trong đầu ông Tuấn nảy ra một ý tưởng: “Gà này ngày trước chỉ có vua chúa mới được thưởng lãm, bây giờ mình sẽ nuôi thử loại gà này để những người dân bình thường như mình cũng có cơ hội thưởng thức, cũng vừa bảo tồn nguồn gen độc đáo của gà Việt Nam”.
Không chậm trễ, ông Tuấn bố trí thời gian sớm nhất lặn lội xuống tận vùng đất Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên để tìm loại gà gốc thuần chủng và loại gà quái dị này lập tức khiến ông Tuấn bị “hớp hồn”, bởi dáng vẻ những con gà Đông Tảo trưởng thành trông rất oai vệ, thân hình lực lưỡng săn chắc, da đỏ, lông tím pha và đặc biệt có cặp chân vô cùng vững chãi. Ông Tuấn lúc đó móc hết các túi áo, quần được 200.000 đồng và mua 10 con gà giống Đông Tảo về nuôi để thỏa đam mê. Nhờ khéo tay và có “cơ duyên” với loài gà, anh nhanh chóng nuôi thành công và nhiều người biết đến, tìm tới anh Tuấn để đặt mua ăn. “Mặc dù càng nuôi càng đam mê với giống gà này, thế nhưng lúc đó tôi chưa có ý nghĩ làm giàu từ gà Đông Tảo. Đến cuối năm 2009, do có nhiều người mua quá và cảm thấy cơ hội tới nên tôi đã quyết tâm khởi nghiệp với con gà Đông Tảo” – ông Tuấn chia sẻ.
“Bước ngoặt” gà Đông Tảo thương phẩm
Quyết tâm làm, ông Tuấn dốc vốn hết vốn liếng xây dựng trại gà Đông Tảo quy mô 2.000m2. Xong việc, ông Tuấn lại khăn gói ra Bắc chọn gà giống để nuôi thương phẩm và từ đây ông mới nhận ra nhiều cái khó. Từ nuôi chơi ăn thịt chuyển sang nuôi để kinh doanh với quy mô lớn là câu chuyện không hề đơn giản. Theo ông Tuấn, lúc đầu chỉ nuôi vài chục con thì gà ít chết, nhưng khi chuyển sang nuôi thương phẩm với quy mô hàng trăm con thì mọi việc trở nên khó khăn hơn nhiều.
“Thời điểm đầu năm 2010, do thiếu kinh nghiệm và chưa chú tâm đến việc phòng ngừa dịch bệnh cho gà nên gà bị chết rất nhiều. Có ngày tôi phải chở cả bao tải gà chết mang đi tiêu hủy” – ông Tuấn nhớ lại thời điểm gian khó khi khởi đầu lập nghiệp với gà Đông Tảo.
Khó khăn ập đến đúng vào lúc đặt nhiều hy vọng nhất vào những chú gà Đông Tảo khiến cho ông Tuấn nhiều lúc muốn buông bỏ. Nhưng với đam mê và tiếc công gầy dựng bấy lâu nay, đã có một chút kinh nghiệm, Vũ Ngọc Tuấn lại vay mượn tiền để đeo đuổi tham vọng làm giàu từ gà Đông Tảo.
Rút kinh nghiệm từ đợt “gà chết trắng chuồng” đầu năm 2010, ông Tuấn đặc biệt chú ý đến việc phòng dịch cho những đợt gà giống tiếp theo. “Mua gà về là tôi tự tay tiêm vắc xin phòng dịch ngay. Ngoài ra, vào thời điểm giao mùa là lúc gà dễ nhiễm bệnh tôi tăng cường thêm vitamin bằng cách pha viên sủi vào nước uống cho gà để tăng sức đề kháng” - Tuấn chia sẻ.
Chỉ vào những chú gà khoảng hơn 1 kg với dáng vẻ oai vệ và đặc biệt là cặp chân to thô, xù xì anh Tuấn cười bảo, nhìn dáng vẻ “hầm hố” vậy chứ chúng “đỏng đảnh” lắm. “Chúng rất nhạy cảm với sự thay đổi môi trường sống, nhất là thời điểm giao mùa”.
Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình phòng bệnh cũng như chế độ chăm sóc, cuối năm 2010, trang trại của anh Tuấn đã gầy dựng được hơn 400 con gà Đông Tảo thuần chủng. Những đơn hàng cũng bắt đầu tăng dần, không chỉ người dân ở Đồng Nai, nhiều khách hàng ở các tỉnh lân cận như TPHCM, Bình Dương... cũng bắt đầu biết đến gà Đông Tảo của “Tuấn Đồng Nai”. Càng nuôi ông Tuấn càng rút được nhiều kinh nghiệm. Do gà Đông Tảo đẻ trứng ít hơn gà ta (mỗi lứa chỉ từ 7 đến 10 trứng) và rất vụng về trong việc ấp nở (tỷ lệ ấp nở chỉ đạt từ 60 - 70%). Chính vì vậy, nâng cao hiệu quả ông Tuấn thường chọn gà mái khỏe để đẻ, còn trứng cho gà ta ấp thì tỷ lệ nở và nuôi con sẽ hiệu quả hơn.
Giờ đây, tên tuổi ông Tuấn đã nổi tiếng theo loại gà Đông Tảo và được rất nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ông Tuấn vẫn giữ mức giá từ khi mới kinh doanh tới bây giờ mà không thay đổi, giá gà thương phẩm tại trang trại của ông ở mức 300 ngàn đồng/kg đối với gà thịt và mức giá này đã được ông giữ ổn định trong hơn chục năm qua. “Nhu cầu của thị trường có lúc tăng lúc giảm, nhưng phương châm của tôi là không tăng giá khi sốt hàng và giữ giá khi nhu cầu giảm, ngoại trừ gà bán Tết được bán theo con tùy mẫu mã. Việc giữ giá bán ổn định sẽ tạo niềm tin về chất lượng nơi khách hàng”, ông Tuấn chia sẻ.
Ngoài bán gà thịt, trang trại của anh Tuấn còn cung cấp gà giống cho người nuôi. Hiện giá gà giống Đông Tảo hiện được bán trên thị trường từ 250 - 300 ngàn đồng/con gà 1 tháng tuổi và 500 - 600 ngàn đồng/con nửa kg. Với việc duy trì tổng đàn giao động từ 1.000 đến 3.000 con, mỗi năm “Tuấn Đồng Nai” đều đặn đưa ra thị trường hơn 6.000 gà Đông Tảo các loại và thu về khoản lợi nhuận hơn 600 triệu đồng.
“Nhiều người nuôi có thể báo giá gà rất cao, có con lên đến vài chục triệu đồng. Thế nhưng, con gà đắt nhất mà tôi bán trong 16 năm qua chỉ ở mức 15 triệu đồng và tôi cảm thấy đó là giá bán phù hợp”, ông Tuấn bộc bạch. Cũng nhờ đảm bảo chất lượng và giá bán phù hợp nên đầu ra của trại gà luôn ổn định, nhiều dịp, gà Đông Tảo của ông Tuấn luôn trong tình trạng cháy hàng. Theo ông Tuấn, “Gà Đông Tảo thường mọi người mua chủ yếu để làm quà biếu, có nhiều khách hàng sợ hết gà nuôi mà phải đặt mua trước, rồi buộc chỉ màu vào chân gà để làm dấu rồi gửi lại trại nuôi, đến khi cần là đến bắt”.