Con đường từ đại gia đến vòng lao lý của ông Trầm Bê

Google News

(Kiến Thức) - Từng rất thành công trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ngân hàng, việc ông Trầm Bê bị bắt khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank vừa bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng liên quan hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ đại gia ngành ngân hàng...
Ông Trầm Bê sinh năm 10/9/1959 tại Trà Vinh, đã tạo dựng nhiều dấu ấn trên thương trường. Ông Trầm Bê bắt đầu sự nghiệp với cương vị Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh (1991- 1994) và sau đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty (1995-2001).
Sau 10 năm tích lũy tài chính cũng như kinh nghiệm từ sản xuất kinh doanh và chế biến lâm sản, ông tham gia thị trường bất động sản bằng việc đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị (1999). BCCI đã không ngừng ăn nên làm ra.
Sau khi đầu tư vào BCCI, cơ sở hạ tầng là đích đến đầu tiên mà đại gia Trầm Bê nhắm tới với việc đầu tư xây dựng Bệnh viện Triều An.
Con duong tu dai gia den vong lao ly cua ong Tram Be
 Ông Trầm Bê bị bắt về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa: CafeLand.
Tuy nhiên, ông Trầm Bê được nhớ nhiều nhất đến việc ông là một đại gia ngân hàng, dù ông "chuyển hướng" sang ngân hàng chậm hơn các ngành nghề khác. Sự nghiệp ngân hàng chính thức bắt đầu khi ông Trầm Bê quyết định tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phương Nam vào năm 2004.
Sau khi hoạt động của ngân hàng đi vào ổn định, Ngân hàng Phương Nam cho ra đời Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS). Sau khi NJC được thành lập vào năm 2007, trên cương vị là Phó chủ tịch, năm 2008 ông Trầm Bê đưa con gái Trầm Thuyết Kiều (sở hữu 11% cổ phần NJC) lên giữ chức Phó giám đốc. Đến năm 2011, con trai út 24 tuổi Trầm Khải Hòa tiếp tục nhận chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty này.
Để đứng trong nhóm dẫn đầu thị trường tài chính, ông Trầm Bê đã nuôi tham vọng thâu tóm Sacombank. Theo đó, tháng 5/2012, ông và một loạt lãnh đạo từ Southern Bank trúng cử vào ban quản trị và điều hành Sacombank. Sau đó, ông Trầm Bê làm Phó chủ tịch Sacombank.
Báo cáo quản trị năm 2015 cho biết, gia đình ông Trầm Bê sở hữu 9,49% vốn tại ngân hàng. Trong đó, riêng ông nắm giữ hơn 27,7 triệu cổ phiếu STB, tương đương 1,46% vốn điều lệ. Hai con trai là Trầm Trọng Ngân nắm giữ 4,73% vốn và Trầm Khải Hòa - nguyên thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng sở hữu 1,76% vốn Sacombank. Con gái Trầm Thuyết Kiều sở hữu 1,43% vốn và chồng là ông Lê Trọng Trí - nguyên Phó tổng giám đốc Sacombank nắm giữ 0,11% vốn ngân hàng.
Tỷ lệ sở hữu của các thành viên trong gia đình ông Trầm Bê tăng lên nhờ Southern Bank chính thức sáp nhập vào Sacombank từ ngày 1/10/2015. Tỷ lệ hoán đổi của thương vụ sáp nhập là một cổ phần của Southern Bank đổi thành 0,75 cổ phần của Sacombank.
Tuy nhiên, tháng 11/2015, ông Trầm Bê đã thôi giữ chức Phó chủ tịch thường trực theo nguyện vọng cá nhân.
Ngày 24/2/2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank.
...Đến vòng lao lý vì gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng
Sau một thời gian khá "im hơi lặng tiếng", cái tên Trầm Bê lại được nhắc đến tuy nhiên lại liên quan đến vòng lao lý. Ngày 1/8/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê (58 tuổi), nguyên là phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank, ông Phan Huy Khang (nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank), cùng về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Theo thông tin ban đầu, ông Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.
Theo hồ sơ, ông Phạm Công Danh và đồng phạm đã thông đồng lấy tiền của VNCB gửi qua Sacombank làm tài sản bảo lãnh, nhằm mục đích trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.
Cụ thể, tháng 4/2013, ông Danh và Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB - chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Quốc Viễn (nguyên Trưởng ban Kiểm soát VNCB), đến chi nhánh Sacombank ở Q.3 liên hệ vay tiền. Ông Danh gặp ông Trầm Bê đề nghị ông Bê cho ông Danh vay tiền. Ông Bê đồng ý cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.
Sau đó, ông Bê dẫn ông Danh gặp Phan Huy Khang triển khai làm thủ tục cho ông Danh vay tiền. Từ đó, Giám đốc Sacombank chi nhánh Q.8 và chi nhánh Hưng Đạo tiếp nhận hồ sơ của 6 công ty sân sau của ông Danh vay số tiền trên.
Để vay được khoản tiền này, ông Danh chỉ đạo ông Khương và cấp dưới lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống để nộp cho Sacombank. Ngày 26/4/2013, 1.800 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của ông Danh. Có được tiền, ngày 27/4/2013 ông Danh chuyển 1.700 tỉ đồng trả khoản nợ trước đó cho BIDV. Số tiền còn lại, ông Danh giữ trong tài khoản cá nhân của mình.
Hiện cơ quan điều tra đang tiến hành khám xét nơi ở của ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang.
Hồng Liên (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)