Như Dân Việt đã đưa, cuộc họp chiều 5/6 của HĐQT Sacombank đã giới thiệu ông Dương Công Minh cùng với 2 đại diện đến từ Vietcombank là ứng viên HĐQT và hiện đang chờ ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý.
Sẽ mua lại cổ phiếu STB của Trầm Bê?
Nếu được chấp thuận, đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Sacombank diễn ra thành công vào ngày 30/6 tới, ông Dương Công Minh sẽ phải mua lại số cổ phần của ông Trầm Bê và gia đình.
Vì một trong những tiêu chí quan trọng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra với đối tác khi trở thành cổ đông lớn của Sacombank là phải có “tiền tươi thóc thật”, tức không phải là nguồn tiền đi vay từ các TCTD và tất nhiên cũng không phải là góp vốn bằng giá trị vốn cổ phần hay tài sản cố định. Sacombank sẽ tiếp nhận một khoản vốn mới này để cải thiện căn cơ các chỉ số an toàn hoạt động.
Tính đến hết năm 2016, ông Trầm Bê và gia đình sở hữu 179 triệu cổ phiếu tại Sacombank, tương ứng với tỷ lệ gần 9,5%. Với giá chốt phiên ngày cuối tuần (ngày 9.6) là 13.900 đồng/cổ phiếu, ông Dương Công Minh sẽ phải chi khoảng 2.500 tỷ đồng để sở hữu cổ phần này.
Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng, tân chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Minh không chỉ có tiền thật, mà còn có "nghề" ngân hàng và bất động sản. Đây là 3 tiêu chí quan trọng để ông Minh là ứng viên sáng giá cho ghế chủ tịch HĐQT Sacombank.
|
Ông Dương Công Minh sẽ mua lại cổ phiếu STB của Trầm Bê nếu ngồi vào ghế nóng Sacombank (Ảnh: MH) |
“Đúng là HĐQT Sacombank có giới thiệu tôi là tham gia ứng cử thành viên HĐQT STB nhưng sau một thời gian nghiên cứu tôi thấy nút thắt cơ bản của Sacombank là nợ xấu. Nợ xấu của Sacombank lại là những bất động sản lớn, bất động sản vàng. Mà điểm nút của Sacombank để bật lên là phải giải quyết được nợ xấu. Thế nên tôi thấy không hợp lắm, bởi với Sacombank thì phải là người có nghề bất động sản”, ông Hưởng chia sẻ.
Sau ĐHĐCĐ bất thường lần 2 của LienVietPostBank, nhiều người đồn đoán là ông Đặng Văn Thành quay lại, có người đồn là ông Dương Công Minh. “Tôi thấy nếu 2 ứng viên này mà vào thật là may mắn cho Sacombank vì cả 2 đều vừa có "nghề" ngân hàng và bất động sản”, ông Hưởng chia sẻ.
Ông Hưởng cũng cho rằng trong HĐQT phải có người đầu tư vào cổ phiếu STB để người ta chăm sóc "nồi cơm chung" của mình. Sau khi xử lý được một chút nợ xấu thì STB sẽ bước lên một bước phát triển mới.
Ông Minh sẽ chi bao nhiêu tiền vào Sacombank?
Ông Dương Công Minh là một trong những đại gia kín tiếng. Mọi người chỉ ít nhiều biết tới ông là đại gia sở hữu khối tài sản khủng từ tập đoàn bất động sản hàng đầu Him Lam và LienVietPostBank. Tuy nhiên, cái tên Dương Công Minh trong những ngày gần đây lại nổi đình đám với lời đồn sẽ về Sacombank làm chủ tịch HĐQT và xung quanh sân golf cạnh sân bay Tân Sơn Nhất.
Vậy ông Dương Công Minh giàu cỡ nào? Công ty cổ phần Him Lam được thành lập năm 1994 trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Him Lam. Tính đến nay, Him Lam đã tiến hành đầu tư và xây dựng trên 70 dự án nhà ở, Khu đô thị mới.
Him Lam hiện đã trở thành một công ty lớn với 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, khu vui chơi giáo trí, sân golf tiêu chuẩn quốc tế…tại TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác.
Tính đến cuối năm 2014, tổng số vốn điều lệ của Him Lam là 6.500 tỷ đồng, trong đó riêng ông Minh sở hữu 99% cổ phần, tổng tài sản lên đến gần 34.000 tỷ đồng.
Với khối tài sản khủng trong lĩnh vực bất động sản, cùng với xu hướng tăng giá bất động sản trong thời gian qua, ông Minh được đánh giá là một đối tác có tiền thật và dư khả năng mua lại số cổ phần của Trầm Bê và gia đình đang uỷ quyền tại Ngân hàng Nhà nước.
Mặc dù vừa có đơn xin từ nhiệm, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, ông Minh vẫn là người có tầm ảnh hưởng tới LienVietPostBank. Tính đến hết quý I.2017, LienVietPostBank hiện có vốn điều lệ là 6.460 tỷ đồng, tổng tài sản 138.023 tỷ đồng.
Hiện Him Lam là cổ đông sáng lập đồng thời là cổ đông lớn nhất có tỉ lệ sở hữu khoảng 15%, tương đương khoảng 96,9 triệu cổ phiếu. Trong đó, ông Dương Công Minh đại diện cho Him Lam sở hữu 14,98% tại LienVietPostBank và bà Lê Thị Vân Thảo cùng em gái Dương Thị Liêm có sở hữu gần 5% cổ phần.
Nếu ông Dương Công Minh ngồi vào ghế nóng của Sacombank, thì số cổ phần tại LienVietPostBank của Him Lam và người có liên quan bắt buộc phải thoái xuống dưới 5% theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, Thông tư 36/2014/TT-NHNN… nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.
Hiện cổ phiếu LienVietPostBank đang được giao dịch quanh mức giá 13.000 đồng/cổ phiếu. Nếu bán hết số cổ phần tại LienVietPostBank, ông Dương Công Minh sẽ có gần 1.260 tỷ đồng để mua lại số cổ phần của Trầm Bê và gia đình. Trước thông tin quý III.2017, cổ phiếu LienVietPostBank sẽ niêm yết trên sàn UpCom cũng là động lực đẩy giá cổ phiếu này tăng lên trong thời gian tới.
|
Giao dịch cổ phiếu STB từ đầu tháng 5 tới 6/6 |
Do vậy, cổ phiếu STB và LVPB sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới và số tiền ông Minh bỏ ra mua lại cổ phần của Trầm Bê còn phụ thuộc vào kết quả thương lượng giữa hai bên.
Tại thời điểm 31/12/2016, số dư nợ xấu báo cáo tại Sacombank là 6,9% tổng dư nợ. Nếu cộng cả số dư nợ xấu đã bán cho VAMC và 1 số khoản phải thu xấu từ Ngân hàng Phương Nam (đang được ghi nhận là nợ tiêu chuẩn), ước tính tổng giá trị nợ xấu của Sacombank là 59.426 tỷ đồng (chiếm 29,9% tổng dư nợ). Ngoài ra, phần dự thu lãi đang được khoanh vùng và dự kiến phân bổ trong các năm tới là 20.387 tỷ đồng. Đây là những tài sản không sinh lời và hiện đang trong tình trạng “ngấp nghé” các chỉ số an toàn hoạt động theo quy định của NHNN.
Do vậy, nếu chạm vào "ghế nóng" Sacombank, ông Dương Công Minh còn đứng trước thách thức xử lý 60 nghìn tỷ nợ xấu trong đó, có những khoản vay liên quan đến bất động sản rất khó xử lý. Do vậy, số tiền ông Minh bỏ ra để vực Sacombank dậy không chỉ gói gọn trong số tiền sẽ bỏ ra để mua cổ phần của Trầm Bê.