Theo CNN, thị trường chứng khoán Mỹ đã đạt được những bước tiến đáng kinh ngạc sau khi suy yếu trong năm ngoái, đến mức rất khó để tin rằng nền kinh tế đang trượt tới bờ vực suy thoái.
Chỉ số S&P 500 đóng cửa vào ngày 16/6/2022 ở mức 3.666,77 điểm. Đến ngày này năm nay, chỉ số đã vọt lên 4.409,59 điểm, tăng khoảng 20% bất chấp sự sụp đổ của các ngân hàng khu vực tại Mỹ, việc chính phủ nước này suýt vỡ nợ, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa báo hiệu về 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.
Ngay cả các cổ phiếu công nghệ, vốn đã giảm mạnh vào năm ngoái vì lãi suất tăng cao, cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.
Thị trường đang quá lạc quan
Cổ phiếu Apple đóng cửa thứ 5 tuần trước ở mức cao kỷ lục, 186,01 USD/cổ phiếu, tăng vọt từ 135,43 USD/cổ phiếu cách đây chỉ một năm. Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 15%, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và Nasdaq thiên về công nghệ tăng lần lượt 3,5% và 30,8%.
Nhưng giới quan sát đang lo ngại rằng đợt tăng trưởng gần đây chỉ là khoảng bình yên trước bão. "Thị trường đang khá ảo tưởng", CNN dẫn lời bà Amanda Agati - Giám đốc đầu tư của hãng quản lý tài sản PNC - cho biết.
|
Thị trường tăng trưởng mạnh bất chấp sự sụp đổ của các ngân hàng khu vực tại Mỹ, việc chính phủ nước này suýt vỡ nợ, và Fed vẫn kiên quyết kìm hãm lạm phát. Ảnh: Bloomberg.
|
"Phần lớn những gì đang diễn ra lúc này là tiếng hò reo ngay trước khi chúng ta rơi vào giai đoạn suy yếu", bà cảnh báo.
Trên thực tế, đã có dấu hiệu của những vết nứt và chúng sẽ sớm lan rộng. Tuần trước, Fed giữ nguyên lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp, nhưng lại cảnh báo về 2 đợt tăng nữa trong năm nay.
Vào cuối tháng 10, việc Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận về trần nợ và quý bùng nổ của hãng sản xuất chip Nvidia đã đẩy cổ phiếu của các tên tuổi công nghệ lớn tăng vọt.
Tháng này, chỉ số S&P 500 đã bước vào thị trường tăng trưởng. Chỉ số này tăng hơn 20% so với mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Đà phục hồi của chỉ số này đã được mở rộng từ nhóm cổ phiếu công nghệ sang các mã thuộc lĩnh vực công nghiệp, vật liệu và tài chính.
Đó là một dấu hiệu đáng khích lệ đối với chỉ số này. Bởi trong năm nay, đà tăng của S&P 500 chủ yếu được dẫn dắt bởi các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn nhờ triển vọng tươi sáng của trí tuệ nhân tạo.
Dù vậy, các nhà đầu tư chỉ ra đây không phải một đợt tăng trưởng bền vững, nhất là khi nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ suy thoái.
Những tín hiệu bất thường
Đà tăng trưởng của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn vẫn chiếm phần lớn mức tăng chung của thị trường. Do đó, vẫn còn những lo ngại về sự lạc quan thái quá của Phố Wall.
Theo chuyên gia Agati, sự kiện quan trọng tiếp theo sẽ là cuộc họp sắp tới của Fed. "Chúng tôi tin rằng Fed sẽ đi một bước nữa trong việc thắt chặt chính sách trong tháng 7, và đó có thể là chất xúc tác khiến thị trường điều chỉnh giảm", bà Agati cho biết.
Một số dấu hiệu khác chỉ ra thị trường đang bất an. Đường cong lợi suất dốc xuống hoặc đường cong lợi suất nghịch đảo là hiện tượng bất thường. Theo đó, tại Mỹ, lợi suất của trái phiếu kho bạc có kỳ hạn dài lại thấp hơn lợi suất của trái phiếu có kỳ hạn ngắn.
Điều đó cho thấy các nhà giao dịch đang nghiêng về khả năng ngân hàng trung ương phải hạ lãi suất trong những năm tới. Bởi một cuộc suy thoái kinh tế sẽ gây ra áp lực lên cầu và giá cả, từ đó hạ nhiệt lạm phát.
Nhưng một số nhà đầu tư vẫn lạc quan, dù họ cho rằng những khó khăn có thể ập đến trong tương lai gần.
"Tôi tin rằng thị trường chứng khoán sẽ kết thúc năm với tăng trưởng dương, thay vì sụt giảm", bà Sylvia Jablonski - Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc đầu tư của Defiance - nhận định.