Bộ GTVT “tuýt còi” dịch vụ đi chung xe của Grab, Uber

Google News

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu các hãng Uber và Grab không cung cấp dịch vụ đi chung đối với xe hợp đồng tại Việt Nam. 

Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Grab Taxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam không thực hiện dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng vì không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Bo GTVT “tuyt coi” dich vu di chung xe cua Grab, Uber
 Nếu các hãng Uber và Grab cung cấp dịch vụ đi chung đối với xe hợp đồng tại Việt Nam sẽ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.
Mời quý độc giả xem video: So sánh taxi truyền thống và Grab, Uber: Ai hơn ai?:
Hiện tại, Công ty TNHH Uber Việt Nam có kế hoạch triển khai giải pháp giao thông thông minh UberPool (đi chung xe). Tuy nhiên, nhận thấy giải pháp giao thông thông minh đi chung xe cũng tương tự như hình thức GrabShare. Do đó, dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành, Bộ GTVT yêu cầu Uber không triển khai dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng.
Trước đó, yêu cầu này cũng được đưa ra với dịch vụ Grabshare của hãng Grab vào đầu tháng 5, đồng thời có động thái tương tự với tất cả các đơn vị tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Theo Bộ GTVT, việc thí điếm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng theo Công văn số 1850/TTg-KTN của Thủ tướng và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT là việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản.
Qua đó, với mỗi chuyến xe hợp đồng, hành khách (hoặc nhóm) đã ký giao kết trọn gói cả chuyến xe, không phải là thuê chỗ ngồi. Vậy đơn vị vận tải có thêm hợp đồng với nhiều người khác sẽ gây bất tiện cho hành khách.
Bên cạnh đó, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký một hợp đồng vận chuyển khách.
Theo phía Bộ GTVT, quy định được đưa ra nhằm bảo đảm quyền lợi cho hành khách, phòng ngừa những hệ lụy phát sinh trong quá trình thuê xe. Để thực hiện tốt việc này, Bộ GTVT yêu cầu, thanh tra giao thông ở địa phương tăng cường xử lý các xe cung cấp dịch vụ đi chung xe. Mức phạt cho lỗi vi phạm này là từ 4 đến 6 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 5.2017, hãng Grab đã ra mắt dịch vụ đi chung xe, cho phép hành khách hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ đặt xe thông thường, đồng thời giúp tài xế tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe.
Theo Thành An/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)