Trong một sự kiện năm 2005 với tỷ phú Warren Buffett, Gates đã nói với sinh viên Trường Kinh doanh thuộc Đại học Nebraska-Lincoln rằng ông từng là người rất hay trì hoãn. Ông kể rằng mình có "thói quen rất xấu này" từ khi còn học ở Harvard. "Tôi thích cho mọi người thấy là tôi chẳng làm gì cả, tôi không đến lớp và cũng chẳng quan tâm", ông nói.
Nhưng đến phút cuối, khoảng 2 ngày trước bài kiểm tra, Gates mới nghiêm túc học hành và nhanh chóng chuẩn bị kiến thức. "Mọi người nghĩ việc đó thật buồn cười. Nhưng đúng là khi ấy tôi là kẻ nước đến chân mới nhảy", ông nhớ lại.
Dù vậy, khi bước chân vào giới kinh doanh sau này, Gates mới nhận ra đây là một thói quen rất xấu và mất vài năm mới sửa được.
"Nhiều người sẽ nghĩ rằng điều đó thật vui. Nó dường như trở thành thương hiệu của tôi: chàng trai không làm gì cả cho đến phút chót", Bill Gates cho biết thêm.
Tuy nhiên, khi bỏ ngang chương trình đại học và bắt đầu xây dựng đế chế Microsoft, Bill Gates nhận ra thói quen này không giúp ích được gì cho mình và buộc phải từ bỏ nó.
"Chẳng ai khen ngợi tôi vì tôi làm mọi thứ vào phút cuối cùng", Bill Gates nói, đồng thời thừa nhận rằng việc từ bỏ thói quen xấu này đã giúp ông có được những thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Ông cố gắng "đảo ngược" thói quen này, trở thành "người sống có tổ chức và luôn hoàn thành việc đúng giờ". Hiện ông vẫn nỗ lực để không trì hoãn và thừa nhận rằng trì hoãn không phải thói quen tốt.
"Thói trì hoãn" là một trong những thói quen xấu mà rất nhiều người mắc phải. Nhiều người thậm chí có thể nhận ra được thói xấu này ở bản thân mình, nhưng để loại bỏ thói quen xấu này là điều không hề dễ dàng gì.
Theo các chuyên gia tâm lý, sự trì hoãn là một trong những thói quen xấu khó bị loại bỏ nhất vì không chỉ liên quan đến sự tự chủ mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tâm trạng, sự bất an, lo lắng hay sự thiếu tự tin…
Ngôi sao chương trình Shark Tank Kevin O'Leary có lời khuyên đơn giản với những người đang cố gắng bỏ thói quen trì hoãn: "Ưu tiên 15 phút mỗi ngày tự hỏi liệu những gì bạn đang làm có làm ra tiền cho bạn không. Điều đó giúp bạn dễ dàng thoát ra khỏi thói quen đó".
Tiến sĩ Tim Pychyl, giáo sư tâm lý học và thành viên của Nhóm nghiên cứu sự trì hoãn tại Đại học Carleton ở Ottawa chia sẻ với tờ New York Times: "Trì hoãn là một vấn đề điều tiết cảm xúc, không phải là một vấn đề quản lý thời gian."
Một cách để giải quyết sự trì hoãn đơn giản là trì hoãn một cách hiệu quả hơn: Nghĩa là làm những công việc khác thực sự cần làm, thay vì lướt mạng xã hội.
Điều đó có nghĩa là trong khi hoàn thành nhiệm vụ, bạn có thể xóa hộp thư đến hoặc đi dạo, điều này thậm chí có thể giúp bạn giải quyết những vấn đề ngăn cản bạn xử lý những công việc lớn đó.
Theo tác giả của cuốn sách The 25-Minute Meeting (Tạm dịch: Cuộc họp 25 phút) và chuyên gia năng suất Donna McGeorge, việc chia nhỏ danh sách việc cần làm của bạn thành các nhiệm vụ cường độ cao và cường độ thấp cũng có thể giúp đánh bại sự trì hoãn.
Bằng cách này, bạn có thể vận động cả ngày bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ cường độ cao trước và các nhiệm vụ cường độ thấp sau đó trong ngày, như một phần thưởng.