Đáng kể nhất đó chính là Bất động sản An Gia (AGG) của Chủ tịch Nguyễn Bá Sáng. Giá trị hàng tồn kho tính đến cuối năm 2019 của An Gia là 2.611 tỷ đồng. Vậy nhưng chỉ sau 9 tháng, AGG đã nhảy vọt đứng trong nhóm các công ty bất động sản niêm yết có hàng tồn kho rất lớn.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của AGG cho thấy, hàng tồn kho tính đến 30/9 của công ty là 5.190 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm.
Được biết, việc hàng tồn kho tăng vọt bất thường này đến từ việc AGG nhận hợp nhất công ty Hoàng Ân. Cuối tháng 6/2020, AGG đã mua thêm 5% cổ phần Hoàng Ân, tăng tỷ lệ sở hữu từ 45,01% lên 50,01%, do đó các tài sản của Hoàng Ân được hợp nhất vào AGG, trong đó giá trị hàng tồn kho được hợp nhất là 2.142 tỷ đồng đến từ bất động sản dở dang dự án The Sóng.
"Đại gia" Đất Xanh cũng tăng mạnh hàng tồn kho tại ngày cuối quý 3, chiếm 44% tổng giá trị tài sản với giá trị tương đương 9.756 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm. Gem Sky World ở Long Thành (Đồng Nai) là dự án đang chiếm giá trị tồn kho lớn nhất với gần 3.410 tỷ đồng, cao gấp đôi giá trị ghi nhận hồi đầu năm.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Đất Xanh đang dồn lực vào dự án Gem Sky World có quy mô gần 100 ha, tọa lạc tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Loại trừ rủi ro về tiến độ phát triển Gem Riverside, tăng trưởng của Đất Xanh giai đoạn 2020-2021 sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ hấp thụ tại dự án này.
Ngoài ra, dự án Gem Riverside vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo ghi nhận, giá trị tồn kho tại dự án này vẫn còn hơn 1.580 tỷ đồng tại thời điểm 30/9.
|
Tồn kho bất động sản của doanh nghiệp bất động sản ứ đọng trong 9 tháng 2020. |
Tại Tập đoàn Nam Long, tính đến cuối tháng 9, lượng hàng tồn kho cũng tăng mạnh, đạt 5.398 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với con số ghi nhận đầu năm.
Trong đó, các dự án chiếm giá trị hàng tồn kho lớn nhất là Paragon Đại Phước (1.705 tỷ đồng), dự án Akari (1.685 tỷ đồng), dự án Vàm Cỏ Đông (1.090 tỷ đồng),...
Ngược lại, một số ít doanh nghiệp đã giải phóng được lượng hàng tồn kho và ghi nhận giảm nhẹ so với đầu năm như Quốc Cường Gia Lai (QCG), Vinhomes (VHM),…
Tính đến cuối quý 3/2020, hàng tồn kho của QCG đã giảm từ 8.449 tỷ đồng đầu năm xuống còn 7.012 tỷ đồng, tương đương giảm 17%, trong đó giá trị bất động sản dở dang là 6.550 tỷ đồng (báo cáo không thuyết minh chi tiết giá trị dở dang tại các dự án).
Công ty vẫn đang ghi nhận khoản phải trả ngắn hạn khác khá lớn (gần 4.787 tỷ đồng), xấp xỉ hồi đầu năm. Trong này bao gồm số tiền nhận của Sunny cho Dự án Phước Kiển, phải trả cho bên thứ ba và bên liên quan.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, cơ cấu hàng tồn kho bất động sản bao gồm: hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông; hàng tồn kho do doanh nghiệp chủ động tiến độ đưa hàng ra thị trường; hàng tồn kho do chưa tiêu thụ được vì vướng mắc về pháp lý. Trong đó, hàng tồn kho theo kế hoạch của doanh nghiệp và hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông là điều bình thường.
Nhưng hàng tồn kho đã đưa ra thị trường nhưng chưa tiêu thụ được, vì có liên quan đến tính thanh khoản của doanh nghiệp và quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại trong vấn đề nợ xấu và an toàn tín dụng là rất đáng lo ngại. Và thật không may khi số lượng hàng tồn kho thuộc dạng “chưa tiêu thụ được” hiện nay không phải là ít.
Nhận định về thị trường bất động sản 3 tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, mặc dù dịch Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp, nhưng với Việt Nam gần 2 tháng nay không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, là một yếu tố quan trọng để thị trường phục hồi.
Hơn nữa, cuối năm là dịp người dân mua nhà, là tín hiệu tốt cho thanh khoản nguồn cung, là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản “giải quyết” lượng hàng tồn kho lớn hiện nay.