Livestream bán hàng đang bùng nổ chóng mặt ở nhiều nước.
Vào năm 2019, phát trực tiếp (livestream) bán hàng đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Với hàng trăm triệu người xem trên các nền tảng, sẵn sàng chi tiền mua hàng mạnh tay, đây dường như là một ngành công nghiệp đang ở thời kỳ đỉnh cao.
Nhưng sau sự bùng phát của COVID-19, phát trực tiếp còn thống trị hơn nữa ở Trung Quốc do phong tỏa và giãn cách xã hội. Lượng người xem phát trực tiếp ước tính tăng hơn 60 triệu trong năm 2020, lên 524 triệu.
Tuy nhiên, sự bùng nổ cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề nội tại, như bán hàng giả, thổi phồng chất lượng, cũng như quy tắc giữa người mua và người bán còn nhiều tranh cãi, theo SixthTone.
Thời hoàng kim của livestream
Đối mặt với áp lực tài chính từ lệnh phong tỏa do COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã lần đầu tiên chuyển hướng sang phát trực tiếp bán hàng.
Các cửa hàng sách phát trực tiếp các buổi thưởng thức tác phẩm văn học trong khi bán sách qua ứng dụng giao hàng. Các cửa hàng mỹ phẩm sử dụng nhân viên để tiếp thị trên sóng trực tiếp và các đại lý bất động sản ghi lại hình ảnh từ bên trong khu nhà muốn chào bán. Các đầu bếp thậm chí còn phát trực tiếp những lời khuyên về trải nghiệm tại các nhà hàng.
Bên cạnh những mặt hàng phổ biến, livestream còn trở thành công cụ mới cho các doanh nghiệp đặc thù như bán xe, đầu tư tài chính, ngân hàng và thậm chí cả lĩnh vực không gian.
Vào tháng 4 năm ngoái, ngôi sao phát trực tiếp Weiya lần đầu tiên bán một vụ phóng tên lửa thương mại trị giá 6 triệu nhân dân tệ (920.000 USD), thu hút 500 người mua tiềm năng chỉ trong vòng 5 phút.
Sự gián đoạn đối với các kênh bán hàng truyền thống ở nước ngoài cũng khiến các doanh nghiệp Trung Quốc thử nghiệm công thức phát trực tiếp trên các nền tảng như Facebook và Instagram.
Phụ nữ chiếm phần lớn trong số người xem phát trực tiếp. Tổng doanh thu từ livestream thương mại ước tính tăng gấp đôi trong năm 2020 và lần đầu tiên vượt mốc 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (152 tỷ USD).
Livestream từ nhân viên đến giám đốc
Không chỉ là các cửa hàng nhỏ, hàng loạt doanh nghiệp lớn cũng tìm đến livestream.
Phát trực tiếp được coi là một công việc “kém sang” ở Trung Quốc, khi các “ngôi sao trên mạng" vẫn bị coi là xếp chiếu dưới so với những người nổi tiếng ở lĩnh vực khác, dẫu cho họ có lượng người theo dõi khổng lồ lên đến hàng chục triệu.
Nhưng đối với một số doanh nghiệp, đại dịch đã đặt ra một mối đe dọa hiện hữu đến nỗi ngay cả ban lãnh đạo cũng phải ló mặt trước ống kính.
Ông chủ kiêm người phát trực tiếp thành công nhất có thể kể đến Luo Yonghao, một nhà sáng lập công nghệ được rất nhiều người yêu thích. Luo đã bán các sản phẩm trị giá 110 triệu nhân dân tệ (khoảng 19 triệu USD) trong buổi phát trực tiếp đầu tiên trên Douyin, nền tảng TikTok ở Trung Quốc.
Trong phiên bán kéo dài hơn 3 tiếng, ông chủ công nghệ này chỉ ăn uống, cạo râu và thậm chí mỉa mai hãng điện thoại Xiaomi.
Không đứng ngoài cuộc chơi, người sáng lập và lãnh đạo của các thương hiệu hàng đầu như Gree, Xiaomi, Lenovo, Sogou, Huawei, NetEase và Baidu cũng lên sóng livestream.
Vào tháng 5, nền tảng thương mại trực tuyến Tmall của Alibaba thậm chí còn công bố kế hoạch đưa 600 CEO của các công ty khác nhau vào các phòng bán hàng trực tuyến.
Hậu thuẫn
Như một động thái ủng hộ xu hướng trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí còn tham gia một buổi phát trực tiếp quảng cáo nấm đen trồng tại địa phương, trong chuyến công du tại tỉnh Thiểm Tây.
Vào tháng 4, một thị trưởng ở tỉnh Quảng Đông đã bán được 150.000 quả trứng sau khi trực tiếp khoe tài nấu món trứng tráng của mình.
Trong khi một số nhà phê bình lập luận rằng cách bán hàng này không phù hợp với các nhà lãnh đạo chính phủ và có nguy cơ làm xấu danh tiếng của họ nếu sản phẩm có vấn đề. Tuy nhiên, công chúng lại tỏ ra rất thích thú với hình ảnh như vậy.
Vào tháng 3 năm ngoái, livestream đã đến “giải cứu” tỉnh Hồ Bắc, nơi các doanh nghiệp gặp khó khăn do khu vực bị phong tỏa từ đầu năm.
Một số người nổi tiếng - như "hoàng tử son môi" Li Jiaqi - đã tham gia buổi phát trực tiếp từ thiện. Trong một buổi phát trực tiếp kéo dài hai giờ với sự tham gia của 13 triệu người xem, Li và một người dẫn chương trình khác đã bán được hơn 40 triệu nhân dân tệ (7 triệu USD) các sản phẩm.
Siết chặt quản lý livestream
"Ông vua bán hàng livestream" Xinba.
Phát trực tiếp bán hàng vẫn còn đó nhiều thực trạng tranh cãi, tiêu biểu là hàng giả. Với mục đích đánh lừa người xem nghĩ rằng đây là một sản phẩm phổ biến và được nhiều người săn đón – người bán thường thêm thắt các thông tin không có thực, cùng với đó dịch vụ sau bán hàng thường lập lờ và quảng cáo gây hiểu lầm.
Một chương trình về quyền của người tiêu dùng của đài truyền hình truyền hình trung ương Trung Quốc đã nêu bật các vấn đề này vào tháng 6/2020, nhưng các vụ bê bối vẫn tiếp tục gây xôn xao trong suốt cả năm.
Vào tháng 11, “ông vua bán hàng” livestream nổi tiếng Xinba đã bị chỉ trích sau khi món điểm tâm dinh dưỡng mà anh quảng cáo là có tổ yến - được coi là có đặc tính chữa bệnh trong y học cổ truyền Trung Quốc - được phát hiện chỉ chứa nước và đường.
Gần đây hơn, ông chủ Luo cũng đã gặp rắc rối sau khi những chiếc áo len được quảng cáo là len Pierre Cardin nguyên bản trên buổi phát trực tiếp bị phát hiện là hàng giả.
Trong một tuyên bố, Luo đổ lỗi vấn đề cho các nhà cung cấp và cho biết những khách hàng nhận phải sản phẩm không đúng chuẩn sẽ được hoàn trả gấp ba số tiền mua hàng.
Bên cạnh chất lượng sản phẩm bị thả nổi, các quy định về mua hàng chưa được thiết lập đầy đủ cũng trở thành vấn đề tranh cãi.
Vào tháng 5 năm ngoái, quy định mới cho phép các bậc phụ huynh sẽ được hoàn tiền trong trường hợp con cái họ chưa đủ tuổi để mua hàng phát trực tiếp, cũng như không có sự đồng ý của người lớn. Thay đổi được đưa ra sau một số trường hợp trẻ em đã tiêu hết số tiền tiết kiệm của cha mẹ cho các món quà ảo trong ứng dụng phát trực tiếp.
Sau đó, vào tháng 7, các quy định mới yêu cầu người phát trực tiếp và người xem phải đăng ký bằng tên thật và người phát trực tiếp phải giới thiệu sản phẩm theo cách “toàn diện, trung thực và chính xác”, tránh “nội dung thô tục”.
Cuối cùng, vào tháng 11, các hướng dẫn mới đã kêu gọi các nền tảng tự điều chỉnh và thực thi tốt hơn các quy tắc như đăng ký tên thật và cấm các nền tảng phát sóng “những nghệ sĩ bất hợp pháp và vô đạo đức” – được cho là ám chỉ những ngôi sao bê bối trong nước.
Phát trực tiếp vẫn là “mỏ vàng”
Hôm 27/3, sau lệnh cấm 60 ngày vì quảng cáo tổ yến giả trên nền tảng phát trực tiếp Kuaishou, “ông vua bán hàng” Xinba đã trở lại và ngay lập tức lập kỷ lục về bán hàng trên sóng livestream, theo SCMP.
Trong phiên bán hàng kéo dài 12 giờ, Xinba đã bán được 300 triệu USD hàng hóa. Điều này càng cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường thương mại điện tử phát trực tiếp ngay cả khi dịch bệnh đã dần được kiểm soát.
Theo nhà cung cấp dữ liệu truyền thông xã hội Bihu Kankan, phiên giao dịch này đã thu hút 4 triệu người xem và Xinba đã bán được hơn 16 triệu mặt hàng trên các danh mục đa dạng như dầu gội và điện thoại thông minh. Tổng khối lượng hàng hóa đạt 2 tỷ nhân dân tệ (305,7 triệu USD).
Trong phiên duy nhất này, Xinba đã thu về nhiều tiền hơn cả trung tâm mua sắm Times Square ở Causeway Bay - một trong những địa điểm bán hàng xa xỉ nổi tiếng nhất ở Hồng Kông - trong cả năm 2020.
Trước đó, cơ quan quản lý đã phạt Xinba 900.000 nhân dân tệ vì vụ bê bối bán tổ yến giả. Xinba đã đưa ra lời xin lỗi và đề nghị bồi thường gấp ba lần số tiền mua hàng, theo luật quyền người tiêu dùng của Trung Quốc.