UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định chấp thuận Công ty CP Giầy Bá Thước là nhà đầu tư dự án Nhà máy Giầy Bá Thước, với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 236,05 tỷ đồng.
Dự án có tổng diện tích sử dụng đất khoảng 55.029 m2, địa điểm thực hiện tại thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước. Thời hạn hoạt động 50 năm.
|
Một góc thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa). |
Theo tìm hiểu, Công ty CP Giầy Bá Thước được thành lập vào 5/2022, có mã số thuế 2803023248 do Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp, đăng ký lần đầu ngày 13/5/2022; đăng ký thay đổi lần thứ 01 ngày 13/3/2023. Trụ sở chính của công ty đặt tại số 5 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là sản xuất giày, dép.
|
Thông tin về Công ty CP Giầy Bá Thước trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. (Ảnh chụp màn hình). |
Theo Nhà đầu tư, mới đầu thành lập, Giầy Bá Thước có vốn điều lệ 75 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm: Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa (80% cổ phần); ông Trương Lâm (15% cổ phần) và ông Trương Văn San (5% cổ phần). Tính đến ngày 13/3/2023, Công ty CP Giầy Bá Thước giảm vốn điều lệ về mức 52,5 tỷ đồng.
Về cổ đông Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa, tiền thân là Công ty Kiến trúc địa phương Thanh Hóa có lịch sử từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Đến năm 2005, doanh nghiệp đổi tên thành Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa như hiện nay. Năm 2006, doanh nghiệp chính thức chuyển đổi cơ chế quản lý từ doanh nghiệp Nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Tính đến cuối năm 2019, cổ đông lớn nhất nắm 98,48% vốn Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa là ông Trương Lâm. Ngoài ra, ông cũng là người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này.
Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Giầy Bá Thước cũng là ông Trương Lâm. Tuy nhiên, các thông tin về doanh nhân sinh năm 1953 này lại rất ít, chỉ biết ông là cựu chiến binh với 36 năm trong quân ngũ.