Bỏ viễn thông, về quê nuôi lợn
Sinh ra và lớn lên ở miền quê Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, sau khi Đỗ Mạnh Hùng tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại ngữ Tin học TP. HCM anh đầu quân cho chi nhánh Viettel quận 4 với mức thu nhập hàng chục triệu đồng.
Dù lương cao nhưng chán cảnh làm thuê, lại sẵn lợi thế về tiếng Anh cũng như tin học, Hùng tìm hiểu nhiều mô hình làm trang trại ở khắp nơi.
Để có thêm kinh nghiệm, Hùng lăn lộn nhiều trang trại trong TP. HCM để học hỏi kĩ năng, kiến thức chăn nuôi theo hướng hiện đại.
|
Đỗ Mạnh Hùng cho lợn ăn. |
Năm 2013, Ðỗ Mạnh Hùng quyết định về quê cùng gia đình xây dựng trang trại Nam Sơn tại xã Thụy Sơn (Thái Thụy). Tận dụng quỹ đất rộng gần 3ha thuộc Dự án của Trung ương Đoàn TNCSHCM và của địa phương, Hùng đã cùng gia đình xây dựng chuồng trại theo mô hình chăn nuôi tổng hợp.
“Kinh phí ban đầu lấy từ 100 triệu tôi tích cóp được trong thời gian ngắn đi làm, cộng thêm vốn của gia đình. Tổng số vốn ban đầu lên tới hơn 300 triệu. Tuy nhiên, trong một trận bão, số tiền đầu tư 300 triệu cùng cơ ngơi non trẻ đã bị thổi bay” – Hùng cho biết.
Gượng dậy, Hùng tiếp tục gây dựng lại từ đầu. Anh không quản khó nhọc, đi khắp các tỉnh Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình… để học hỏi mô hình chăn nuôi, nhân giống hiệu quả.
Quan sát thấy ở Việt Nam rất hiếm người nuôi lợn rừng Thái Lan, trong khi giống lợn này có giá trị kinh tế cao. Chẳng hạn, lợn Mán bình thường chỉ khoảng hơn 100 nghìn đồng/ kg, còn lợn rừng Thái Lan có giá khoảng 250 nghìn đồng/kg, nên Hùng quyết định chọn giống lợn Thái Lan để bắt đầu cơ nghiệp.
|
Lợn rừng Thái Lan. |
Hùng cho biết, giống lợn rừng Thái có nhiều ưu việt hơn so với lợn nhà Việt Nam, như sức đề kháng cao, ít tốn công chăm sóc, tự thụ tinh chứ không cần sự can thiệp của con người, chuồng trại đơn giản, chi phí chăn nuôi thấp nhưng đầu ra ổn định.
Trời không phụ lòng người, sau một thời gian cần mẫn, cho đến nay, trang trại của Hùng đã có hơn 300 con lợn rừng (gồm lợn thương phẩm, lợn con và 50 con lợn rừng bố mẹ).
Ngoài ra, Hùng còn sở hữu 6 ao cá, 300 con ngan, 200 con vịt, 30 con gà và vườn rau, củ, quả, cây cảnh...
Năm 2013, Hùng nhập 54 con lợn rừng Thái với số vốn khoảng 400 triệu đồng. Thời gian đầu không đủ thức ăn cho lợn rừng, Hùng phải đi xin rau, cỏ, bèo, thân cây ngô... cho lợn ăn.
Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, anh đã bắt tay vào trồng thêm cỏ, tự cung cấp nguồn thức ăn như chuối, khoai lang, ngô... để tự chủ lượng thức ăn cho đàn lợn rừng.
Hùng cho biết, khẩu phần thức ăn cho lợn rừng thông thường gồm có 95% là rau, củ, quả các loại (có thể sản xuất tại trang trại), 5% là cám, gạo, ngũ cốc các loại, hèm bia, bã đậu... Mỗi ngày cho ăn 2-4 lần (sáng, chiều, thời gian giữa buổi), một con lợn lai trưởng thành tiêu thụ hết khoảng 1,5-3 kg thức ăn các loại.
Thức ăn cho lợn rừng do con người cung cấp có thể thiếu dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng và sinh tố... cho nên ngoài việc bổ sung thức ăn tinh giàu đạm, muối, sinh tố, cần thiết phải bổ sung thêm đá liếm cho heo rừng liếm tự do (lưu ý để nơi khô ráo, mát mẻ).
Hỗn hợp đá liếm bổ sung khoáng có thể mua hay tự trộn theo tỷ lệ (muối ăn 100g; sắt sun phát 100g: đồng sun phát 50g; diêm sinh 100g; vôi tôi 1.000g, đất sét... cho vừa đủ 3kg), sau đó cho lợn liếm tự do cũng chỉ hết khoảng 20- 25 gam/con/ngày.
Được biết, Hùng là người đầu tiên xây dựng mô hình nuôi lợn rừng Thái lớn nhất tỉnh. Hiện nay, chàng trai này sở hữu 54 con lợn giống và nhân giống thành công khoảng 300 – 400 lợn con mỗi lứa. Mỗi tháng bán khoảng 40-50 con, nên riêng doanh thu từ lợn rừng đã giúp Hùng thu về hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
|
Một góc trang trại rộng 3ha của Đỗ Mạnh Hùng. |
Cơ ngơi hàng tỷ đồng
Với cơ ngơi đó, mỗi tháng Hùng thu lãi hàng trăm triệu. Năm 2014, Hùng lãi 1,3 tỷ đồng.
Không chỉ có phương pháp riêng trong việc tạo ra khẩu phần ăn phù hợp với đàn lợn, Hùng còn chọn lọc những con lợn rừng bố mẹ có gen gốc thuần chủng để nhân giống.
Theo đó, Hùng chọn những con đầu thanh, ngực sâu, mình nở, hoạt bát, lưng thẳng, bụng gọn, 4 chân chắc khỏe, bộ phận sinh dục phát triển và hoạt động tốt.
Hùng cho biết, lợn rừng thường đẻ mỗi năm 2,5 lứa, mỗi lứa 8-10 con, lứa đầu (con so) 3-5 con, lứa sau (con rạ) đẻ nhiều hơn (8-10 con). Trọng lượng lợn sơ sinh bình quân 0,5-0,9 kg/con.
Lợn con có bộ lông sọc dưa (vệt lông màu vàng chạy dọc thân trên nền da màu đen hoặc nâu). Khi lợn con trên 3 tháng tuổi, các vệt sọc dưa này không còn nữa. Trọng lượng bình quân lúc trưởng thành thì con đực nặng 80- 140 kg, con cái nặng 50-100 kg...
|
Lợn rừng con. |
Với lợn rừng 7-8 tháng tuổi, thể trọng 20-40 kg (với lợn cái có thể cho phối giống, lợn đực giống có thể cho phối giống trễ hơn 1 -2 tháng), thời gian mang thai cũng như lợn nhà (khoảng 114-115 ngày). Thời gian đẻ (từ con đầu đến con cuối) 1 - 2 giờ. Quá trình đẻ diễn ra tự nhiên, không cần sự giúp đỡ hoặc can thiệp của con người.
Hiện tại, trang trại của Hùng có 400 con lợn rừng Thái Lan thuần chủng, với giá bán trung bình 200.000 đồng/kg lợn thịt, 3 triệu đồng/con lợn giống.
Không những vậy, trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 nhân công với thu nhập 3 -4 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ.
Ngoài lợn, Hùng còn trồng cây cảnh và nuôi cá.
|
Vườn cây cảnh của gia đình Đỗ Mạnh Hùng. |
Chia sẻ về ước mơ trong tương lai, Hùng cho biết muốn tiến sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hiện đại. Hùng muốn đi du học thạc sĩ nông nghiệp tại Nhật Bản để về quê tiếp tục sự nghiệp của mình.