2 Sở ở TP HCM “ngâm” hồ sơ doanh nghiệp tận 11 tháng để “trao đổi“

Google News

(Kiến Thức) - Người đứng đầu UBND TP HCM nêu câu hỏi: "Bây giờ doanh nghiệp đặt ra vấn đề như vậy, được hay không được thì phải hướng dẫn người ta, sao lại im lặng kéo dài đến 11 tháng".

Trong buổi hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo UBND TPHCM với các doanh nghiệp bất động sản diễn ra sáng ngày 22/2, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành nêu lên nhiều khó khăn khi triển khai dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, huyện Bình Chánh.

11 tháng trao đổi vẫn không có kết quả

Theo ông Nghĩa, khi triển khai dự án 2.160 căn hộ nhà ở xã hội này, Lê Thành đang gặp nhiều khó khăn vì bị kẹt hồ sơ. Theo phê duyệt, dự án là cao 15 tầng, mật độ xây dựng 30% nhưng hệ số sử dụng đất chỉ được cho là 2.0. 

Ông nói rằng công ty mình không làm được vì hệ số 2.0 là lấy hệ số của nhà ở thấp tầng đi áp cho nhà ở cao tầng. Ông tính toán, lấy 15 tầng đó nhân cho 30% sẽ ra hệ số sử dụng đất là 4.5. Đó là chưa kể đối với nhà ở xã hội được ưu đãi hệ số sử dụng đất thêm 50%, tức là 6.75.

“Bây giờ cho 2.0 thì chúng tôi phải làm sao? Hồ sơ chúng tôi trình lên thì bị bác, nói làm sai quy hoạch. Chúng tôi lấy hệ số 2.0 tính ngược lại thì chỉ ra nhà ở 5 tầng, là loại nhà ở thấp tầng. Nhưng làm nếu làm như vậy (nhà 5 tầng) cũng sai vì khu này là quy hoạch… nhà ở cao tầng. Gần 1 năm rồi chúng tôi không biết làm sao”, ông Nghĩa trình bày.

Tới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM hỏi ông Nghĩa: “Sở nói làm sai nhưng có hướng dẫn lại không?”.

2 So o TP HCM 'ngam' ho so doanh nghiep tan 11 thang de 'trao doi'

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành. 

Ông Nghĩa trả lời, một lần Sở Kế hoạch – Đầu tư có mời đi họp tổ liên ngành, giải quyết hoài cũng không xong việc này. Ông Phong hỏi tiếp: “Ai chủ trì cuộc họp này?”. Ông Nghĩa trả lời là Sở Kế hoạch – Đầu tư.

Ngay sau đó, ông Phong yêu cầu đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư giải thích. Vị này trả lời, đối với dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, Sở thực hiện đúng theo quy trình, lấy ý kiến các sở ngành liên quan đầy đủ.

Dự án này theo đề nghị của Công ty Lê Thành là 15 tầng, mật độ xây dựng 30% và hệ số sử dụng đất là 4.5. Tuy nhiên các chỉ tiêu về quy hoạch, tổng số căn hộ… của dự án không phù hợp với quy hoạch.

“Để giải quyết vấn đề này, Sở đã mời chủ đầu tư họp với tổ liên ngành, trong đó có Sở Quy hoạch – Kiến trúc để thống nhất lại giữa hai bên nhưng cuối cùng… cũng không giải quyết được vấn đề”, vị này nói.

"Mấy ông có bức xúc không"

Ông Phong gay gắt: “Chỉ có một vấn đề nhỏ như vậy mà kéo dài gần năm trời. Mấy ông (giám đốc sở - PV) làm ăn kiểu vậy hả? Chuyện đó chỉ cần có 1 tuần để giải quyết thôi”.

Tiếp tục, ông Phong yêu cầu Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã giải thích về vấn đề mà công ty Lê Thành đã nêu.

Ông Nhã cho biết, hôm diễn ra cuộc họp, Sở cử cán bộ đi họp nên ông chưa nắm được nội dung và xin vài ngày để nắm lại và sẽ báo cáo lại sau.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong liền ngắt lời ông Nhã và nói: “Chỉ tiêu quy hoạch thì Sở phải bảo đảm, phải hướng dẫn. Nhưng tôi muốn nói ở đây là sự phối hợp của các Sở. Chỉ một việc nhỏ như thế mà kéo dài 11 tháng. Mấy ông thấy bức xúc không?”.

2 So o TP HCM 'ngam' ho so doanh nghiep tan 11 thang de 'trao doi'-Hinh-2
 Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM 

Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, việc được hay không được trong vấn đề của Công ty Lê Thành thì ông chưa nói đến, nhưng Sở Quy hoạch – Kiến trúc là người gác cửa về quy hoạch. Nếu chuyện đó không được thì Sở phải giải quyết làm sao chứ không thể kéo dài 11 tháng như vậy.

Người đứng đầu UBND TP HCM nêu câu hỏi: “Bây giờ doanh nghiệp đặt ra vấn đề như vậy, được hay không được thì phải hướng dẫn người ta, sao lại im lặng kéo dài đến 11 tháng? Ở trong hội nghị này, ngay cả các anh chị là lãnh đạo Sở thì anh chị thấy có được hay không?”.

Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong nói tiếp, chỉ vì sự phối hợp không đồng bộ như vậy mà khiến doanh nghiệp trả giá bằng 11 tháng chờ đợi.

“Mai mốt mấy anh về hưu, mấy anh làm doanh nghiệp coi bức xúc tới cỡ nào. Đây là dự án nhà ở xã hội, có nhiều doanh nghiệp người ta phải vay ngân hàng, nhưng chờ đợi như vậy rất là khó”, ông Phong bức xúc.

Viết Dũng

>> xem thêm

Bình luận(0)