Từ "ngọn lửa Hải An, Vân Nhi": Những điều ít biết về cấy ghép giác mạc

Google News

(Kiến Thức) - Ghép giác mạc là một thủ tục phẫu thuật, nơi một giác mạc bị hư hỏng hoặc bị bệnh được thay thế bằng mô giác mạc hiến tặng.

"Ngọn lửa" Hải An, Vân Nhi làm tăng lượng người hiến giác mạc
Chỉ trong 5 tháng (từ tháng 2 tới tháng 7), 2 câu chuyện xúc động về hiến tặng giác mạc sau khi qua đời của bé Hải An (7 tuổi, Hà Nội) và bé Vân Nhi (12 tuổi, Hà Nội) đã tạo một làn sóng lan tỏa trong cộng đồng về việc hiến tặng mô tạng nói chung và hiến tặng giác mạc nói riêng.
 "Ngọn lửa" Vân Nhi hiến tặng giác mạc trước khi qua đời
PGS. TS BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, Ngân hàng Mắt là nơi thu nhận giác mạc hiến tặng. Từ công tác tuyên truyền và câu chuyện hiến tạng của 2 ngọn lửa Hải An, Vân Nhi, 6 tháng đầu năm số lượng người hiến tặng giác mạc đã chạm con số 60, gần bằng tổng số người hiến năm 2017.
Hiện, sổ đăng ký chờ hiến giác mạc của BVMTW lúc nào cũng hơn 1000 người. Trong cộng đồng thì có khoảng 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc đang chờ người hiến mắt.
Những điều ít biết về ghép giác mạc
Giác mạc là màng mỏng trong suốt che chắn trước nhãn cầu (tương đương với phần lòng đen của con mắt), cho phép ánh sáng, hình ảnh đi qua để hội tụ trên đáy mắt và từ đó truyền lên não bộ. Giác mạc chỉ được lấy từ người hiến tặng sau khi qua đời trong vòng 8 - 10 tiếng.
Việc hiến và thu nhận giác mạc được tiến hành trong vòng 30 phút, không quá 6 tiếng sau khi người hiến tặng mất, không ảnh hưởng gì đến hình dạng đôi mắt người hiến cũng như việc tổ chức tang lễ cho người quá cố. Giác mạc sau khi thu nhận được bảo quản tại Ngân hàng Mắt và các bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương sẽ tiến hành phẫu thuật ghép cho người mù do bệnh lý giác mạc. Một người hiến giác mạc có thể mang lại ánh sáng cho hai người mù…
Hiện nay phần lớn ca ghép giác mạc đều được thực hiện dựa trên giác mạc được hiến. Có nhiều loại cấy ghép giác mạc khác nhau. Trong một số trường hợp, chỉ thay đổi lớp trước và giữa của giác mạc, hoặc chỉ thay lớp bên trong. Đôi khi, toàn bộ giác mạc cần được thay thế.
 Giác mạc bé Hải An đem lại ánh sáng cho cụ bà ở Hưng Yên. 
Ảnh: Khám phá
Có hai kỹ thuật ghép giác mạc chính là ghép lớp và ghép xuyên tuỳ theo mục đích điều trị và tổn thương của bệnh nhân:
Ghép lớp: Chỉ thay thế phần trước của giác mạc bằng một mảnh tương ứng từ giác mạc tử thi, độ sâu của lớp giác mạc ghép tùy theo mức độ tổn thương giác mạc. Ghép giác mạc lớp thường được chỉ định trong những trường hợp tổn thương khu trú ở các lớp trước giác mạc hoặc viêm loét giác mạc dọa thủng với mục đích bảo toàn nhãn cầu chờ phẫu thuật ghép xuyên tăng thị lực sau này.
Ghép giác mạc xuyên: Được chỉ định trong hầu hết các trường hợp ghép giác mạc không có chỉ định ghép lớp nhằm thay thế những tổn thương chiếm toàn bộ bề dày giác mạc.
Trong và sau ghép giác mạc cũng xảy ra những biến chứng như: thủng giác mạc khi lạng lớp, xuất huyết tống khứ, Tuột chỉ mép mổ và kênh bờ ghép, Khó hàn gắn biểu mô, Thẩm lậu dọc chân chỉ, Tăng nhãn áp, Phản ứng viêm hậu phẫu…
Do đó, theo dõi và điều trị sau phẫu thuật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự thành công của ghép giác mạc.
Tâm An (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)