Sau buổi họp lớp cấp 2, chồng đập tan điện thoại của vợ

Google News

Nhìn ra góc sân, thấy chiếc điện thoại nằm tung tóe mỗi nơi một mảnh. Hóa ra, mọi việc bắt nguồn từ việc cô Nhung đi họp lớp cấp 2 cùng với bạn bè ở làng.


Họp lớp là những khoảnh khắc vui vẻ, hồn nhiên, ôn lại kỷ niệm cũ.
Mới đến đầu ngõ đã thấy trong nhà vọng ra tiếng quát tháo của cậu em họ. Thân với nó từ bé, tôi chưa bao giờ thấy nó quát tháo như thế: “Từ nay, tôi cấm cô không được dùng điện thoại nữa. Có gì cần liên lạc thì sử dụng điện thoại của tôi. Tôi mà nhìn thấy cô còn dùng điện thoại nữa là tôi với cô chấm dứt ngay và luôn, không phải nói bất cứ một câu nào nữa”.
Đang hùng hổ quát vợ, thấy tôi đến, cậu em dừng lời, lúng túng mời tôi vào nhà. Cái Nhung - vợ nó - đang nước mắt nước mũi ngồi bệt trước hiên, thấy tôi, xấu hổ lấy tay lau vội nước mắt. “Vợ chồng có chuyện gì mà ầm ĩ thế? Điện thoại của em đâu mà anh gọi mãi không liên lạc được? Còn Duy, sao anh gọi mấy cuộc mà không thấy nghe máy, cũng không thèm gọi lại?”.
Nghe hỏi liên hồi, Duy vừa rót nước vừa ấp úng: “Em để chế độ im lặng nên không biết anh gọi”. Tôi đưa mắt nhìn sang đứa em dâu, thấy nó ngượng ngùng cúi mặt. Tôi phải hỏi lại: “Thế điện thoại của Nhung thì sao?”, nó mới ấp úng: “Chồng em vừa đập nát rồi. Ngoài góc sân kia kìa”.
Nhìn ra góc sân, thấy chiếc điện thoại nằm tung tóe mỗi nơi một mảnh. Xót của và cũng khá bất ngờ về hành động của Duy, tôi quay sang hỏi: “Sao lại đập điện thoại của vợ thế? Có chuyện gì cũng phải bình tĩnh chứ? Điện thoại cũng là tài sản, có phải ít tiền đâu, cứ động chút là đập phá thì kiếm còng lưng ra cũng bằng... công cốc à?”. “Anh không hiểu đâu. Phải thế nào em mới đập chứ”, Duy vùng vằng trả lời tôi. Rồi nhấp xong ngụm nước, cậu mới kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Hóa ra, mọi việc bắt nguồn từ việc cô Nhung đi họp lớp cấp 2 cùng với bạn bè ở làng. Trong nhóm bạn trước đây từng có một cậu thích Nhung, nên Duy không muốn cho vợ đi. Nếu đi, phải cho Duy đi cùng. Khổ nỗi, quy định của nhóm là chỉ họp thành viên trong lớp, không đưa vợ hoặc chồng đi cùng, nên Nhung không đồng ý cho Duy đi.
Vậy là, Duy ngăn cấm vợ, không cho tham gia buổi họp lớp hôm đó. Khổ nỗi, mấy cô bạn thân của Nhung đến tận nhà xin phép, thấy Duy không nói gì nên cả bọn hí hửng chở nhau đi. Nào ngờ...
Nghe câu chuyện không đến mức phức tạp lắm, tôi quay sang mắng nhẹ Duy: “Em còn trẻ mà sao lạc hậu thế? Thế lớp em đợt này có họp không?”. “Có. Lớp cấp 2 em họp trước lớp vợ em một hôm”. “Thế Nhung có đòi đi họp cùng với em không?”. “Không ạ. Mà em rủ đi cô ấy cũng không đi ấy chứ”, Duy cãi.
Nhung đang ngồi, nghe đến đấy bèn chen ngang: “Mời cái gì mà mời. Các anh không ai đưa vợ đi, mình tôi đến để thành trò cười à? Với lại, các anh ăn uống tại nhà, đưa vợ đến chủ yếu để dọn dẹp, rửa bát, còn mình thì bù khú nhậu nhẹt, tôi dại gì mà dẫn xác đến đấy?”. “Cô im đi. Tôi bắt cô làm à? Đấy là cô thích thể hiện chứ? Lại muốn khoe mình đảm đang cơ”, Duy lớn tiếng quát lại vợ.
Tôi đứng ra can gián: “Chú Duy nói buồn cười. Vợ chú muốn đẹp mặt chồng nên mới vất vả dọn dẹp, phục vụ mọi người. Chú là chồng không biết thương vợ, động viên thì thôi, lại còn nói rất thiếu trách nhiệm. Mà chú đi họp lớp được thì cũng phải để cho vợ đi. Sao lại cấm đoán, đập cả điện thoại đi thế?”.
Duy ngồi thừ ra một lúc không nói gì, mãi sau mới lên tiếng: “Nếu chỉ họp bình thường thì em nào đâu có nói gì. Đằng này, họp xong còn tí tởn rủ nhau đi hát karaoke nữa. Hát hò gì, con gái vào những chỗ đấy chỉ có làm chuyện mờ ám”. Bị chạm nọc, Nhung lại đứng dậy, cãi: “Anh nói năng cho cẩn thận nhé. Toàn bạn bè trong làng, chơi với nhau từ bé, cả nam cả nữ mấy chục người, anh bảo ai làm gì mờ ám? Có mà đầu óc anh mờ ám nên nghĩ ai cũng mờ ám như anh”.
Còn sớm, cả nhóm bạn kéo nhau đi hát karaoke.  
Lần này thì đến lượt Duy chồm dậy, tay chân vung loạn xạ: “Tôi có đủ hết bằng chứng của cô đây. Cô đừng tưởng tôi không biết gì nhé. Trên “phây búc” còn lưu lại hết đấy?”. Nghe Duy nhắc đến chuyện “phây búc”, tôi nhìn Nhung ngơ ngác, không hiểu còn chuyện gì nữa.
Đoán được suy nghĩ của tôi, Nhung phân trần: “Khổ quá, chúng em đi liên hoan xong thấy còn sớm, quỹ lại dư nên rủ nhau đi hát cho vui. Trong lúc hát có bạn quay clip đăng lên “phây”, chắc lão xem được nên ghen tuông vớ vẩn anh ạ. Không tin em mượn điện thoại em vào mở cho anh xem”.
Tôi xua tay, vì chuyện đó có gì mà phải kiểm tra. Nhưng có vẻ Duy vẫn chưa hết căng thẳng: “Hát bình thường thì nói làm gì. Lại còn song ca cơ. Gớm, tình tứ nhỉ. Còn công khai “về đây bên nhau, ta nối lại tình xưa” cơ. Thích về bên nhau chứ gì? Để tôi cho cô về luôn”. Nghe giọng giễu nhại lời bài hát của Duy, tôi phì cười và hiểu ra vấn đề.
Khổ, chắc cu cậu ghen quá, nên thấy vợ hát cùng với cậu ngày xưa thích Nhung thành ra cả giận mất khôn. Chứ ở chỗ đông người, toàn người làng người nước, nào ai dám có tình ý riêng tư gì. Chưa kể, đây chỉ là cái tình cảm thinh thích hồi trẻ con cấp 2, cấp 3. Giờ ai cũng có gia đình, làm bố, làm mẹ hết cả rồi.
Cậu kia giờ cũng đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về, có gì đâu mà phải nghi ngờ, ghen tuông. Nhung chắc tức lắm, chảy cả nước mắt, kể tiếp: “Khổ, cái bài hát đó chẳng biết ai chọn. Bọn em lúc đó vui nên cả nhóm cùng hát đồng ca, mỗi đứa một đoạn. Vô tình đến lượt em thì cậu kia cũng đang cầm mic, chỉ có vậy thôi mà anh ấy làm ầm hết lên từ hôm qua đến giờ. Sau đó, em nói lại thì đập điện thoại rồi cấm em từ nay không được liên lạc với nhóm bạn cũ nữa. Anh bảo đàn ông có ai như anh ấy không?”.
Tôi nhìn cả hai, cười một tràng để xua tan không khí căng thẳng, rồi nhẹ nhàng: “Người như chồng em vẫn có, có nhiều là đằng khác. Vấn đề là anh không nghĩ người mà anh tưởng là bản lĩnh, đàn ông lắm lại ghen tuông vô lối vậy thôi. Còn ngoài xã hội, anh biết, có ông chồng còn ghen hơn thế nhiều. Nhưng thôi em ạ, cũng chỉ vì yêu vợ quá nên nó mới thế. Cái này cứ phải dần dần, em trong sáng, một mực chung thủy với chồng thì Duy sẽ cảm nhận được và tin tưởng em thôi”.
Nghe tôi nói vậy, Duy có lẽ hối hận, nhưng vẫn cố “vớt vát”: “Anh nói đúng. Khối lão chồng còn ghen hơn em nhiều ấy chứ. Như em đã ăn thua gì, anh nhỉ”. Nói rồi, Duy đứng dậy, rút điện thoại trong túi quần ra tháo sim, rồi chạy ra sân nhặt chiếc sim đang nằm chỏng chơ thổi phù phù lắp vào điện thoại của mình, quay lại đưa cho vợ: “Thôi, anh biết lỗi rồi. Em dùng cái điện thoại này của anh, lát nữa anh chạy ra ngoài đầu làng mua cái “cục gạch” dùng, coi như là tự phạt. Mai bọn anh lại họp lớp cấp 3, lần này tổ chức ngoài quán cho tiện, vợ chồng mình cùng đi nhé. Đợt này họp lớp liên tục, đến khổ vợ nhỉ?!?”.
Theo Chiến Văn/Phunuvietnam

>> xem thêm

Bình luận(0)