Đầu tháng 2 vừa qua, nhiều người dân Anh ở thành phố Bristol xuống đường biểu tình, thậm chí ngồi trên cây suốt đêm, để phản đối việc chặt hàng loạt cây xanh phục vụ dự án xây dựng tuyến xe buýt mới, báo Anh The Telegraph đưa tin. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục dự án, và định trồng 1.700 cây mới gần các tuyến xe buýt mới. Đợt biểu tình kéo dài suốt 6 tuần gây tổn thất hàng trăm nghìn bảng Anh.
|
Giăng băng-rôn phản đối chặt cây ở thành phố Bangalore của Ấn Độ. Ảnh: Esgindia. |
Năm 2010, hơn 1.000 người Đức ở thành phố Stuttgart thực hiện chiến dịch biểu tình ngồi để phản đối việc phá bỏ công viên Schlossgarten để xây nhà ga mới. Cuộc biểu tình thu hút sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có cả người già và trẻ em. Dự án gây tranh cãi một phần vì chi phí quá cao (5,38 tỷ USD), một phần vì cây cối trong công viên Schlossgarten bị chặt hạ. Dự án cũng bị chỉ trích vì phá vỡ cảnh quan của thành phố.
Tháng 9/2011, khi chính quyền thành phố Bangalore của Ấn Độ có kế hoạch chặt bỏ một số cây cổ thụ dọc đường Sankey, nhiều nhà hoạt động, người dân đã tham gia biểu tình, không rời khỏi những cây này suốt 24 giờ, và treo băng-rôn “No Trees No Future” (Không có cây, không có tương lai). Ngày hôm sau, đoàn biểu tình diễu qua văn phòng thị trưởng để nộp lá đơn tập hợp chữ ký yêu cầu chính quyền hỏi ý kiến người dân trước khi chặt hạ cây xanh, hãng tin Ấn Độ PTI đưa tin.
Trước Ngày Đa dạng sinh học Thế giới, hơn 100 cá nhân và đại diện các tổ chức ở Bangalore tập trung trước Sở Quản lý rừng của bang Karnataka để phản đối dự thảo sửa đổi Đạo luật Bảo tồn cây Karnataka. Nếu được thông qua, luật mới sẽ đưa 41 cây khỏi phạm vi được bảo vệ của luật, nghĩa là việc chặt những cây này không đòi hỏi phải xin phép. Trước sự phản đối rộng khắp, dự thảo sửa đổi đạo luật đã bị loại bỏ.
Kế hoạch chặt bỏ 6.700 cây của thành phố Hà Nội cũng được phản ánh trên báo chí nước ngoài. Hãng tin Anh Reuters hôm qua đưa tin, chính quyền thành phố phải dừng việc chặt hàng ngàn cây xanh sau khi kế hoạch này vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân vì lo ngại nó sẽ phá hoại hình ảnh của một trong những thành phố đẹp nhất thế giới.
Sự chỉ trích trên các mạng xã hội trở nên gay gắt sau khi 500 cây bị chặt hạ ở Hà Nội- thành phố được mệnh danh là “Paris của châu Á”, Reuters đưa tin. Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua dẫn lời một người dùng Facebook tên là Mai Nguyen: “Hôm nay, tôi nói với các con tôi về việc 6.700 cây trên khắp 190 con phố Hà Nội sẽ bị chặt trong vài ngày nữa. Con gái tôi đã khóc, còn con trai tôi tức giận”. Người phụ nữ này đã kêu gọi bạn bè chia sẻ bức ảnh có thông điệp: “Cứu lấy cây của chúng ta!”.