Trong thông báo mới nhất đăng tải trên blog công ty, Facebook cho biết sẽ tiến hành cập nhật tất cả các tính năng bảo vệ thông tin người dùng. Đính kèm bài viết là bảng xếp hạng 10 quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica (CA).
Khá bất ngờ khi Việt Nam đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng với 427.466 tài khoản bị CA sử dụng dữ liệu phục vụ cho cuộc bầu cử Mỹ. Tuy nhiên đây chỉ mới là con số mà Facebook "ước tính".
"Với tổng số hơn 64 triệu tài khoản thì 427.466 là con số không quá lớn. Nhưng đó mới chỉ là số tài khoản ước tính trong bê bối với CA. Hằng hà sa số các ứng dụng khác vẫn chưa được thống kê", Trọng Nhân, chuyên gia digital marketing tại TP.HCM nhận định.
|
Việt Nam đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng 10 nước có ảnh hưởng từ bê bối Cambridge Analityca. Ảnh: Newsroom Facebook |
Ngoài ra, đứng đầu bảng xếp hạng 87 triệu người dùng lộ thông tin là Mỹ với 70,6 triệu tài khoản. Xếp thứ hai là Philippines với 1,7 triệu người.
"Chúng tôi hy vọng có nhiều thay đổi tích cực trong những tháng tới và sẽ tiếp tục cập nhật thêm", Mike Schroepfer, Giám đốc Công nghệ của Facebook mong muốn những thay đổi dưới đây giúp cải thiện phần nào "lỗi lầm" của mình.
Cụ thể, Facebook sẽ loại bỏ tính năng tìm bạn bè từ số điện thoại, các ứng dụng, trang, nhóm sẽ không có quyền lấy danh sách bạn bè, tôn giáo, mối quan hệ và nhiều thông tin cá nhân khác.
Thêm vào đó, từ ngày 9/4, Facebook sẽ hiển thị một liên kết nằm trên cùng của dòng thời gian giúp người dùng kiểm soát, xoá các ứng dụng không dùng trong thời gian dài.
|
Sau hàng loạt các thay đổi, Facebook chỉ có thể giải quyết vấn đề hiện tại và tương lai. Những thông tin mạng xã hội này lộ trong quá khứ sẽ không thể đòi lại được. |
Bên cạnh đó, nếu ứng dụng không được dùng trong ba tháng, các thông tin trên sẽ không thể truy cập.
Tuy nhiên ở phần lịch sử nghe gọi, tin nhắn, Facebook sẽ tiếp tục thu thập và lưu giữ với thời hạn một năm. Facebook giải thích việc này nhằm gợi ý cho người dùng những liên lạc gần nhất của họ, giúp tiện lợi hơn trong giao tiếp.
"Các biện pháp trên giúp giải quyết vấn đề hiện tại và tương lai về dữ liệu người dùng. Nhưng số thông tin đã bị lộ trước đó Facebook sẽ không thể nào đòi lại được. Chúng sẽ tiếp tục được sử dụng trong 2-5 năm tới. Bởi độ tuổi, sở thích, số điện thoại... của khách hàng mục tiêu sẽ ít thay đổi trong khoảng thời gian dài", anh Nhân nói thêm.
Cơn ác mộng của Mark Zuckerberg bắt đầu vào cuối tháng 3/2018, khi các báo lớn như CNN, The New York Times đăng tin Facebook để lộ dữ liệu cá nhân cho một nhà phát triển. Sau đó, người này bán lại dữ liệu cho Cambridge Analytica - công ty làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 của ông Donald Trump. Tổ chức này cũng bị cho có liên quan đến Brexit ở Anh.
Từ những dữ liệu có được nhờ Facebook, Cambridge Analytica đã "đầu độc chính trị" hàng chục triệu người dùng, đe dọa đến nền dân chủ Mỹ.
Theo AP, Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) xác nhận đang điều tra Facebook, sau vụ bê bối về quyền riêng tư của người dùng xã hội này, ảnh hưởng đến nhận thức chính trị của hàng chục triệu người.
Không chỉ đối phó với sức ép bên ngoài, Mark Zuckerberg cũng bị yêu cầu từ chức. Một quan chức giám sát các khoản đầu tư của quỹ hưu trí thành phố New York tin rằng Mark Zuckerberg nên từ chức chủ tịch Facebook. Scott Stringer kêu gọi một cuộc cải tổ lớn của hội đồng quản trị Facebook sau vụ bê bối liên quan đến Cambridge Analytica, theo CNBC.
Trong bài phỏng vấn mới đây với Vox, Zuckerberg khẳng định vai trò kiểm soát công ty của ông sẽ tốt cho người dùng trong tương lai lâu dài: “Một trong những điểm tôi cảm thấy may mắn là cấu trúc của công ty này được kiểm soát. Chúng tôi thực sự có thể thiết kế sản phẩm hoặc đưa ra quyết định về những gì tốt nhất cho cộng đồng theo thời gian”.
Vụ scandal vừa qua đã thổi bay 86 tỷ USD vốn hóa của Facebook. Bản thân Zuckerberg cũng đứng trước những áp lực lớn nhất từ trước đến nay từ nhiều phía, gồm người dùng, chính quyền các nước và các nhà đầu tư.