Làn sóng thiết kế “tai thỏ”
Oppo, nhà sản xuất smartphone nằm trong top 5 thế giới và đứng thứ nhì tại Việt Nam, vừa hé lộ thông tin sẽ ra mắt smartphone tai thỏ trong tháng 4. Chiếc điện thoại sẽ có màn hình tràn viền như xu hướng hiện nay, nhưng sẽ có thêm một góc khuyết nhỏ phía trên của màn hình tương tự như iPhone X. Như vậy, từ một điểm tưởng là khiếm khuyết của iPhone bỗng trở thành điểm mạnh và nhiều nhà sản xuất nhanh chóng làm theo.
|
Oppo F7 sẽ có thiết kế dạng tai thỏ trên màn hình. Ảnh: Oppo |
Trước đó, Essential Phone, Sharp Aquos S2, Apple iPhone X… đều có một mảnh khuyết (notch) trên màn hình để đặt vừa camera trước lẫn loa thoại. Essential Phone lẫn Sharp Aquos S2 đều chọn vát một phần màn hình để vừa đặt camera trước. Còn iPhone X thì hào phóng khoét màn hình rộng hơn để đặt camera lẫn hệ thống Face ID, khiến phần khoét này rộng hơn và nhìn như tai thỏ.
Tại sự kiện MWC 2018 vừa qua, Asus đã trình làng dòng điện thoại Zenfone thế hệ thứ 5 với phần khuyết màn hình nhỏ hơn, như một đối trọng giá rẻ chạy Android so với iPhone X chạy iOS ở bên kia chiến tuyến.
|
Asus Zenfone 5 với thiết kế màn hình tai thỏ. Ảnh: H.Đ. |
Dù nhiều ý kiến cho rằng Asus đang copy vụng về phần tai thỏ xấu xí của đối thủ chạy iOS, nhưng hãng cũng có lí do của riêng mình. Bản mẫu của LG G7 cũng đã lộ diện với thiết kế tai thỏ dù không chắc rằng liệu đây có phải bản thiết kế sẽ được nhà sản xuất chính thức đưa lên kệ hay không.
Huawei cũng đã lộ diện bản thiết kế “tai thỏ” trên mẫu smartphone sắp trình làng của họ. Trong khi một số tên tuổi nhỏ hơn như Doogee, Leagoo, Vernee, Oukitel… đã kịp thời ra mắt các mẫu smartphone hưởng ứng trào lưu mới mẻ này.
Và ở tương lai gần, các thiết kế smartphone màn hình tràn cạnh chắc hẳn sẽ cần làm quen với notch, cho đến khi nhà sản xuất tìm được giải pháp thích hợp giải bài toán vị trí cho camera và cảm biến quen thuộc ở mặt trước.
Nhiều tên tuổi nhỏ hơn trong làng di dộng cũng gấp gáp chạy theo trào lưu tai thỏ khi thậm chí vẫn chưa kịp tinh chỉnh phần mềm nên đã bất chấp nội dung tại phần khuyết của màn hình sẽ bị khuất. Còn một số nhà sản xuất thì lại trưng ra phần thiết kế kém duyên hơn khi với thiết kế màn hình tràn viền ở phía trên với sự xuất hiện của tai thỏ cho bằng chị bằng em trong khi phần viền màn hình bên dưới còn khá dày trông mất cân đối, không đẹp như iPhone X.
|
Phần tai thỏ đã mất đi khi truy cập ứng dụng, cho thấy nhà sản xuất vẫn chưa kịp tối ưu hoá giao diện cho màn hình notch. Ảnh: H.Đ. |
Một số nhà sản xuất đã lí giải cho sự xuất hiện của tai thỏ trên smartphone không phải là sự bắt chước mà đó là xu hướng tất yếu không thể đi ngược lại vì người dùng cần nó. Vậy, liệu thực sự người dùng có cần đến thiết kế smartphone tai thỏ?
Vì sao smartphone có tai thỏ?
Khi kích thước màn hình điện thoại được gia tăng đến mức cực hạn, để tăng tối đa không gian hiển thị đồng thời vẫn duy trì kích thước gọn gàng vừa tầm tay, các nhà sản xuất lần lượt đưa ra các giải pháp như đưa phím điều hướng vào màn hình, chuyển cảm biến vân tay ra mặt sau… Giờ đến lượt, viền màn hình - đặc biệt là viền trên vốn khá chật chội với các chi tiết camera, cảm biến, loa thoại quen thuộc - trở thành chi tiết mà các nhà sản xuất smartphone đang nỗ lực xóa bỏ để đạt được một thiết kế điện thoại gợi cảm.
Trước khi tìm ra được vị trí đắc địa, các nhà sản xuất đã chọn giải pháp kiểu thỏa hiệp cho màn hình tràn cạnh hoặc là cho phép màn hình bị khuyết một vùng để chứa các chi tiết như trên iPhone X, hoặc là thu hẹp hết cỡ viền benzel phía trên theo cách của Galaxy S9.
Lựa chọn sống chung với thiết kế tai thỏ sẽ giúp nhà sản xuất có lợi thế về tiếp thị vì lợi về đường chéo màn hình, khi nhắc đến có vẻ màn hình rộng hơn nhưng vẫn bị khuyết một mảnh nhỏ.
Riêng câu chuyện của Apple với thiết kế “tai thỏ” tương đối dài hơi. Vì nỗ lực ra mắt iPhone màn hình tràn viền nhưng vẫn muốn duy trì phương thức bảo mật nghiêm ngặt bằng Touch ID, hãng này đã nỗ lực nghiên cứu thiết kế tràn viền lẫn cảm biến Touch ID ẩn dưới màn hình. Nhưng tiếc thay cảm biến vân tay dưới màn hình chưa thể hiện thực trên thế hệ iPhone hiện tại, do đó hãng đã chuyển hướng sang dùng hệ thống bảo mật bằng khuôn mặt Face ID thông qua camera và hệ thống cảm biến hồng ngoại chuyên biệt. Do đó, không gian cần đặt các chi tiết này đã khiến cho phần khuyết trên iPhone X lớn hơn những mẫu điện thoại chạy Android, điển hình như Zenfone 5, vốn chỉ sử dụng mở khóa khuôn mặt đơn giản thông qua camera.
|
iPhone X với phần tai thỏ khá rộng để đặt camera và hệ thống FaceID - Ảnh: Cnet. |
Thực tế thì người dùng không cần notch, họ chỉ cần smartphone có màn hình tràn cạnh trông vừa sexy vừa tối ưu không gian hiển thị lẫn kích thước. Nhưng do giới hạn của công nghệ hiện tại nên có chỉ mẫu thiết kế có phần khuyết (notch) mới giúp người dùng tiếp cận với mục tiêu đó gần nhất. Ít nhất điều này đúng với Appe iPhone sở hữu hệ thống bảo mật Face ID.
Trường hợp của những điện thoại Android không hỗ trợ Face ID thì lại khác. Dòng Zenfone 5 sử dụng phương thức bảo mật là cảm biến vân tay sau lưng và viền dưới còn khá dư dả. Vậy nên lí do Asus, hay một số nhà sản xuất có thiết kế tương tự, áp dụng tai thỏ trên smartphone chưa thực sự thuyết phục.
Màn hình tràn viền dạng tai thỏ rõ ràng sẽ mang đến phần hiển thị rộng hơn, chẳng hạn Asus công bố Zenfone 5 của hãng có tỷ lệ hiển thị so với màn hình gần 90%, trong khi Galaxy S9 chỉ gần 84%. Tuy nhiên phần chênh lệch này khó được tính vì rõ ràng phần tai thỏ trên màn hình khiến việc hiển thị không trọn vẹn. Dù vậy, có thể thấy rằng, Apple có khả năng tạo trào lưu rất lớn khi một khiếm khuyết trên iPhone X bỗng thành điểm để các nhà sản xuất khác chạy theo.
Vậy tương lai sẽ tiếp diễn thế nào?
Đứng trước làn sóng điện thoại “tai thỏ” đang bùng lên, Google mới đây đã công bố bản Preview đầu tiên của Android P hứa hẹn mở đường cho thiết kế smartphone có phần khuyết màn hình với những thay đổi vị trí của các chi tiết phía trên màn hình để tương thích với tai thỏ lẫn hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng né phần khuyết.
Với Apple, có lẽ hãng sẽ sớm chia tay với thiết kế tai thỏ khi giải được bài toán về cảm biến vân tay nằm ngay màn hình. Điều này hoàn toàn có cơ sở của tiến bộ công nghệ, khi hãng Vivo vừa giới thiệu tại CES 2018 bản mẫu điện thoại tích hợp cảm biến vân tay dưới màn hình. Khi đó hãng quả Táo sẽ tiếp tục chọn vị trí thích hợp cho camera, cảm biến để làm notch biến mất mà vẫn duy trì màn hình tràn cạnh.
Nếu điều đó xảy ra thì dù muốn dù không, các nhà sản xuất smartphone còn lại cũng sẽ tiếp tục tận dụng các giải pháp mới để triệt tiêu hoặc ít nhất giảm thiểu notch để màn hình tràn cạnh kiểu này trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, nếu nhà sản xuất muốn dời vị trí của các chi tiết này thì sẽ phải dời đi đâu cho hợp lí? Có thể dịch chuyển và linh hoạt ẩn camera selfie ở cạnh trên như trường hợp của bản mẫu concept Vivo Apex, hay có thể tìm giải pháp nhúng camera trực tiếp trên màn hình hoặc chỉ cần đặt lệch về một góc nhỏ của màn hình.
|
Mẫu Vivo Apex với camera đuược giấu phía trong máy, chỉ nhô lên khi cần chụp ảnh selfie, nhằm làm cho màn hình rộng hơn và tránh thiết kế tai thỏ. Ảnh: Android Police. |
Trường hợp của loa thoại và các chi tiết khác, có thể đặt chúng áp sát cạnh trên hoặc thậm chí có thể làm tiêu biến bằng cách sử dụng phương thức truyền dẫn âm thanh qua xương như trên một vài smartphone của Sharp, Xiaomi…
Tạm thời, có thể xem sự có mặt của tai thỏ trên smartphone giúp điện thoại có thêm màn hình phụ để hiển thị thông báo, trạng thái… Như điều mà cả LG lẫn HTC đã cố hiện thực với màn hình phụ trên LG V20 lẫn HTC U Ultra…
Một số nhà sản xuất đã chọn cách tiếp cận mới để người dùng “chung sống hòa bình” với kiểu thiết kế màn hình khuyết là khi cần hiển thị nội dung toàn màn hình thì phần tai thỏ sẽ được ẩn đi bằng cách hiển thị toàn màu đen để smartphone trông bớt kỳ dị hơn.