Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi giáo sư Yoshitsugu Kobayashi (Đại học Hokkaido, Nhật Bản) và tiến sĩ Anthony Fiorllo (Bảo tàng Khoa học tự nhiên Perot, Texas, Mỹ) gia vừa trình làng một loài khủng long mới, to lớn và có chiếc mỏ như vịt. Nó được đặt tên là Kamuysaurus japonicus, liên quan đến một người dân đã phát hiện ra nó tại đảo Hokkaido, ở miền Bắc Nhật Bản.
Con Kamuysaurus japonicus này sống trên trái đất 72 triệu năm về trước, dài tới 8 m, nặng 5 tấn. Nhưng nó vẫn chỉ là... một con khủng long non, chết khi mới 9 tuổi. "Quái vật" khổng lồ này cũng có một chiếc đuôi dài và gương mặt khá giống con vịt.
Điều đặc biệt nhất là con vật này là thành viên của loài có tên Edmontosaurus, từng được giới cổ sinh vật học chứng minh là loài khủng long thuộc về... Bắc Mỹ, với đa số các hóa thạch được tìm thấy ở Montana, Nebraska và New Jersey.
|
Bộ xương "quái vật" kỷ Phấn Trắng - ảnh: MAINICHI JAPAN
|
Lý do duy nhất mà một loài khủng long Bắc Mỹ có thể đi đến tận Nhật Bản để sinh sôi, đó là vào kỷ Phấn Trắng, thời những chú khủng long này sinh sống, không hề có đại dương ngăn cách Nhật và Mỹ.
Vì vậy, chú "quái vật" này còn là một liên kết quan trọng chứng minh rằng Châu Á và Bắc Mỹ từng gắn liền với nhau, giả thuyết lớn nhất là bằng một "cây cầu" đất tên Bering Land nối từ Siberia sang Alaska. Phân tích di truyền còn cho thấy con khủng long đặc biệt này có liên quan chặt chẽ với 2 loài khác từ Nga và Trung Quốc.
Đối chiếu với 70 mẫu vật khác, nhóm nghiên cứu khẳng định đây là loài khủng long hoàn toàn mới.
Việc phát hiện ra "quái vật" khổng lồ này hết sức ngẫu nhiên: một người dân Hokkaido bị vấp ngã bên bờ biển bởi vật thể lạ. Từ đó người ta đã đào được 13 chiếc xương sườn đầu tiên. Mãi 8 năm sau, các phần xương tiếp theo và các bước phân tích mới xác định được đó là hài cốt một con khủng long to lớn. Và cho đến bây giờ, bức chân dung của chú "quái vật" hiền lành mới gần như hoàn chỉnh với hộp sọ, xương hàm, cột sống, xương sườn, răng, xương chân trước và sau.