Trung Quốc đưa ra đề xuất giới hạn số tiền khán giả được phép tặng cho những người livestream ở nước này. Quy định mới được cho là sẽ ngăn chặn tình trạng người xem “vung tay” tặng tiền quá mức, đặc biệt là với đối tượng trẻ tuổi, theo Sixth Tone.
Đề xuất này được đưa ra bởi Hiệp hội Nghệ thuật Biểu diễn Trung Quốc - cơ quan quản lý biểu diễn lớn nhất cả nước vào hôm 28/10, trong cuộc họp thường niên về sự phát triển của thương mại điện tử và các nền tảng video ngắn.
|
Đề xuất giới hạn tiền tặng cho người livestream ở Trung Quốc dự kiến được thực hiện vào cuối năm nay. Ảnh: Reuters.
|
Theo truyền thông Trung Quốc, quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, mặc dù thông tin cụ thể về giới hạn tiền tip, tiền donate cho những người phát trực tiếp vẫn chưa rõ ràng.
Livestream đã nổi lên như một phương tiện sinh lợi cho các nghệ sĩ, giúp họ duy trì biểu diễn trong thời điểm các địa điểm giải trí phải đóng cửa trong đợt bùng phát dịch Covid-19.
Theo báo cáo từ công ty công nghệ Mianchao, những người phát trực tiếp trên nền tảng Douyin đã kiếm được khoảng 15,2 tỷ NDT (2,3 tỷ USD) tiền quà tặng trong 6 tháng, kể từ thời điểm những ca nhiễm virus bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 12 năm ngoái. Con số tăng 63% so với cùng kỳ một năm trước đó.
Khi livestream trở thành một hình thức kinh doanh phổ biến, việc người xem đóng góp hào phóng cũng trở thành yếu tố cần được xem xét kỹ lưỡng.
Năm 2019, một phụ nữ họ Weng ở Thượng Hải đã đâm đơn kiện chồng sau khi anh ta đưa một phần lớn tiền tiết kiệm của hai người để tặng cho người phát trực tiếp yêu thích.
|
Từng xảy ra nhiều trường hợp người xem quyên tặng cho các buổi phát sóng trực tiếp số tiền quá lớn. Ảnh: SCMP.
|
Hồi tháng 3, một học sinh cấp 2 ở thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc dùng điện thoại của bố để “donate” cho một người phát trực tiếp số tiền hơn 120.000 NDT.
Đề xuất mới trở thành chủ đề thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội Weibo, hashtag liên quan thu hút hơn 140 triệu lượt vào xem. Nhiều người dùng ủng hộ quyết định điều chỉnh lại giới hạn phần thưởng, trong khi một số cho rằng người xem tự chịu trách nhiệm về các quyết định tài chính của họ.
Liu Junhai, giáo sư Luật tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cho biết bản thân ông đồng ý với đề xuất về mặt lý thuyết, nhưng “cần phải có thêm luật để hỗ trợ”.
“Trên thực tế, tiền donate quyên góp trong các video livestream không phải là 'hành vi thương mại' vì nó không phải là giao dịch và do đó không vi phạm luật Thương mại Điện tử của Trung Quốc. Hiện giờ, chúng ta chỉ dựa vào các nền tảng và chính những người phát để giúp tạo ra một môi trường trực tuyến lành mạnh hơn”, ông Liu đánh giá.
Ngoài vấn đề tiền thưởng không được giám sát, lo ngại về việc các nền tảng phát trực tiếp trở thành nơi bán các sản phẩm bị lỗi hoặc kém chất lượng đang ngày càng nổi cộm.
|
Liêu Mỗ - hot girl bán hàng nổi tiếng tại Trung Quốc - bị bắt vì tội bán hàng nhái. Ảnh: Sina.
|
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đã có hơn 10 triệu buổi phát trực tiếp thương mại điện tử, thu hút hơn 50 tỷ lượt xem chỉ trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, đi kèm với các chiến dịch này là hàng loạt khiếu nại của khách hàng về vấn đề hàng giả, hàng bị hư hỏng, giao hàng thiếu hoặc thiếu dịch vụ sau bán hàng.
Cuối tháng 8, trong khi đang livestream bán hàng, Liêu Mỗ - một hot girl nổi tiếng - bị cảnh sát ập vào bắt giữ trước sự kinh ngạc của hàng chục nghìn người đang theo dõi buổi phát sóng.
Cảnh sát đã thu giữ hơn 3.000 hàng hóa, quần áo, trang sức làm giả các thương hiệu xa xỉ. 41 nghi phạm cũng bị bắt giữ tại chỗ. Hiện, Liêu Mỗ và đồng bọn bị giam giữ, chờ ngày xét xử với cáo buộc bán hàng giả, hàng nhái.
Hôm 29/10, Văn phòng Giám sát Thị trường của Bắc Kinh khuyến nghị rằng các nền tảng phát trực tiếp nên yêu cầu những người muốn bán sản phẩm trên kênh của họ phải đăng ký dưới danh tính thực.