Nghệ sĩ Trung Quốc đánh đổi gì khi livestream kiếm triệu USD?

Google News

Nghệ sĩ livestream bán hàng đang là xu thế mới của showbiz Trung Quốc. Công việc này giúp các ngôi sao kiếm bộn tiền.

Bệnh dịch kéo dài ở Trung Quốc khiến các hoạt động giải trí bị ngưng trệ. Giới nghệ sĩ cũng vì thế buộc phải thay đổi phương thức tiếp cận khán giả và kiếm tiền. Trong đó, hình thức nghệ sĩ livestream bán hàng đang trở thành xu thế mới trong giới giải trí Hoa ngữ.

Nghệ sĩ trở thành cỗ máy bán hàng

Ngày 14/5, nữ diễn viên Lưu Đào trở thành hiện tượng gây bão trên khắp các mặt báo khi xác lập kỷ lục bán hàng trong lần đầu livestream. Trên sóng Taobao, chỉ trong 4 tiếng phát sóng trực tiếp, cô đã giúp thương hiệu bán được số hàng hóa với tổng trị giá lên tới 31 triệu USD, lượt người xem đạt 30 triệu.

Trước Lưu Đào, Dương Mịch cũng từng gây sốc khi bán được 40.000 sản phẩm dép đế bằng trong vòng một giây, và 90.000 sản phẩm trong chưa đầy một phút.

Nghe si Trung Quoc danh doi gi khi livestream kiem trieu USD?

Lưu Đào và Dương Mịch là hai trong số nhiều nghệ sĩ có thành tích bán hàng đáng nể trên sóng trực tuyến.

"Từ ca sĩ đến diễn viên, từ sao mới nổi cho đến những người được xếp vào bậc đàn anh, đàn chị gạo cội - một nửa giới giải trí đã chính thức bước chân vào cuộc đua bán hàng livestream. Một năm trước lĩnh vực này từng đứng trước ngưỡng cửa chết yểu, nhưng một năm sau mọi chuyện đã khác. Nhờ dịch bệnh và giới nghệ sĩ, nó đang dần hồi sinh mạnh mẽ", TMT Post bình luận.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Nhật báo kinh doanh Bắc Kinh, tính từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hơn 200 nghệ sĩ, trong đó có những ngôi sao hạng A showbiz như Địch Lệ Nhiệt Ba, Angelababy, Triệu Vy, Ngô Diệc Phàm, Lộc Hàm... xuất hiện trên các kênh mua sắm trực tuyến để bán hàng hóa. Sự xuất hiện của các ngôi sao đã giúp nhiều kênh thương mại điện tử thu về hàng chục triệu USD chỉ trong vài giờ livestream ngắn ngủi.

Trong sự kiện mua sắm giữa năm mang tên 618, diễn ra hôm 1/6 tại Trung Quốc, Taobao Live đạt doanh thu 280 triệu USD sau 90 phút mở bán. 300 người nổi tiếng đã được mời tham gia bán hàng trên Tabao Live nhằm kích cầu người tiêu dùng móc hầu bao.

Không kém cạnh, phía JD.com - đơn vị khởi xướng lễ hội mua sắm giữa năm cũng mời hơn 150 ngôi sao tiếng tăm như Cổ Lực Na Trát, Hàn Canh, Trần Hiểu, Trần Khôn, Vương Lệ Khôn, Kim Thần, Bạch Băng... để cạnh tranh với các kênh thương mại điện tử khác.

Khi nghệ sĩ không còn "sang"

Chia sẻ với China Daily, Tân Xuyên - quản lý phụ trách của trang mua sắm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc hiện nay Taobao cho biết năm 2019 anh vô cùng vất vả để thuyết phục nghệ sĩ tham gia livetream bán hàng. Đa phần các ngôi sao đều sợ việc này sẽ làm ảnh hưởng đến danh tiếng của họ.

Thời điểm đó, không ít khán giả có cái nhìn không mấy thiện cảm và đánh giá hình thức chào bán hàng hóa qua mạng là "kém sang". Liễu Nham từng bị công chúng chê bai hết thời, rẻ tiền khi livestream bán hàng vào năm 2019.

Nghe si Trung Quoc danh doi gi khi livestream kiem trieu USD?-Hinh-2

Liễu Nham từng bị mỉa mai hết thời vì định kiến bán hàng livestream của công chúng.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhân sinh quan của khán giả, đặc biệt là giới nghệ sĩ. "Cái công chúng ưa chuộng, nghệ sĩ không thể không chạy theo. Trong bối cảnh phần lớn các hoạt động giải trí bị ngừng, họ cần tìm phương thức mới giao lưu với khán giả vừa trực quan, sinh động vừa có thể kiếm tiền. Và livestream bán hàng chính là lựa chọn hàng đầu. Giờ mời họ dễ như ăn kẹo", Tân Xuyên nói.

"Nghệ sĩ livestream giờ là trào lưu hot nhất showbiz, không tham gia, bạn sẽ lỗi thời. Ai không được mời mới hết thời", Mô Bình - một quản lý nghệ sĩ cho hay.

Theo dữ liệu từ iMedia Consulting, năm 2019, tổng quy mô ngành thương mại điện tử livestream của Trung Quốc đạt 61 tỷ USD. Bước sang năm 2020, giới quan sát dự đoán con số trên sẽ tăng gấp đôi, số người xem cũng sẽ vượt mốc 788 triệu.

Hiện tại, phần lớn khán giả đều đón đợi theo dõi những buổi livestream của ngôi sao, so sánh ai có nhiều người xem hơn, bán được nhiều hàng hóa hơn để đo lường mức độ nổi tiếng của một nghệ sĩ.

Theo Sina, một nguyên nhân khác khiến giới nghệ sĩ đua nhau chạy theo trào lưu bán hàng trực tuyến chính là thù lao mức khủng. Nghệ sĩ bậc trung ở Trung Quốc nhận khoảng 130.000 USD/ một buổi livestream, cao gấp nhiều lần so với việc đóng phim, ghi hình show truyền hình.

"Livestream bán hàng cho thương hiệu chẳng những không vất vả, thù lao còn cao ngất ngưởng, thời gian làm việc lại ít chỉ 4-5 tiếng một ngày, lý do gì không làm?", Tân Xuyên nói.

Lý Tiểu Lộ lần đầu rẽ hướng sang bán hàng online sau bê bối ngoại tình chấn động, cũng bán được 314.000 đơn hàng, tổng doanh thu đạt được là 6,6 triệu USD chỉ trong vòng 4 tiếng livestream. Riêng phần quà tặng từ fan, sao nữ tai tiếng thu về gần 130.000 USD. Nếu khấu trừ các khoản chi phí liên quan, Lý Tiểu Lộ nhẹ nhàng bỏ túi gần 3 triệu USD tiền thù lao.

Nghe si Trung Quoc danh doi gi khi livestream kiem trieu USD?-Hinh-3

Lý Tiểu Lộ vẫn kiếm được bộn tiền thông qua việc bán hàng trực tuyến dù từng vướng bê bối đời tư chấn động.

Kiếm được nhiều tiền, nâng cao được tên tuổi, song công việc này tiềm tàng những rủi ro. Livestream bán hàng đòi hỏi nghệ sĩ phải khéo ăn nói để thuyết phục khán giả mua hàng, nếu không mạnh ở điểm này, nhiều khả năng buổi làm việc sẽ thất bại thảm hại, làm giảm giá trị thương mại.

Không chỉ vậy, việc livestream thường xuyên còn có thể khiến các ngôi sao trở nên nhàm chán trong mắt công chúng, nhận về những phản hồi tiêu cực như "hám tiền", "ế show, hết thời".

Chính vì thế, các công ty quản lý cân nhắc về tần suất livestream của nghệ sĩ để tránh gây điều tiếng. Bên cạnh đó, họ còn yêu cầu các sao nâng cao khả năng giao tiếp, khiếu hài hước để trở nên duyên dáng hơn, cũng như kiểm soát khả năng ngôn ngữ và hình thể nhằm tránh các phát ngôn vạ miệng, hành động phản cảm trên sóng trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến hình tượng.

Theo Di Hy/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)