Thảm họa ập xuống gần Tel Dor - khu định cư cổ đại nằm cách thành phố Haifa của Israel khoảng 30 km về phía nam từ 9,910 đến 9,290 năm trước. Khu định cư này nằm dọc theo bờ biển phía tây bắc của Israel ngày nay.
Các ghi chép địa chất và lịch sử cho thấy khu vực phía đông Địa Trung Hải bị sóng thần tấn công khoảng một lần/thế kỷ trong 6.000 năm qua.
Trong nghiên cứu mới đây, các nhà nghiên cứu tới từ Đại học California (Mỹ), Đại học bang Utah (Mỹ) và Đại học Haifa (Israel) phát hiện một lớp trầm tích biển mà theo họ được bồi tụ bởi một trận sóng thần ở đầu thế Holocene.
|
Ảnh minh họa. (Ảnh: Shutterstock)
|
"Dự án của chúng tôi tập trung vào việc tái tạo khí hậu cổ đại và biến đổi môi trường trong 12.000 năm qua dọc theo bờ biển Israel. Chúng tôi chưa bao giờ hy vọng có thể tìm thấy bằng chứng về một trận sóng thần thời tiền sử ở Israel", tác giả chính của nghiên cứu Gilad Shtienberg cho biết.
Ông Shtienberg ví phát hiện của ông và các cộng sự như trúng độc đắc. Một trận động đất dọc theo Hệ thống đứt gãy Biển Chết được cho là nguyên nhân gây ra trận sóng thần này.
Theo nhóm nghiên cứu, vào đầu thời kỳ đồ đá (khoảng 10.000 năm trước đây), bờ biển cách vị trí ngày nay khoảng 4 km. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vỏ sò và cát trải rộng khắp một khu vực mà sau này trở thành các vùng ngập nước.
Vị trí các lớp trầm tích bị dịch chuyển cho thấy trận sóng thần cổ đại cao từ 15-40 m. Sóng thần đủ mạnh đã có thể đi sâu vào đất liên từ 1,5-3,5 km.
Nó cũng mạnh hơn nhiều so với các trận sóng thần sau đó vốn chỉ tiến vào đất liền không quá vài trăm m.
Nghiên cứu mới đây cho thấy trận sóng thần cách đây gần 10.000 năm có thể đã xóa sạch hầu hết các bằng chứng về các khu định cư ven biển sớm nhất trong khu vực.