Phân biệt linh cẩu đốm đực và cái
Cơ quan sinh dục ngoài của linh cẩu cái nở ra sẽ có kích thước, hình dạng và vị trí gần giống như cơ quan sinh dục của con đực, niệu đạo của chúng cũng mở ra từ trên xuống và cũng sẽ cương cứng. Điều kỳ lạ hơn là con cái còn có hai cái giống như "quả trứng", hai môi hợp nhất và không nhìn thấy lỗ sinh dục ra bên ngoài.
Tuy nhiên, không khó để các chuyên gia động vật hoang dã có kinh nghiệm phân biệt linh cẩu đốm cái và linh cẩu đực.
Trước hết, có một chút khác biệt về hình dạng cơ quan sinh dục ngoài giữa linh cẩu đốm cái và linh cẩu đực, con đực có đầu nhọn, trong khi con cái có đầu tròn, điều này có thể được thấy khi những con linh cẩu được ba tháng tuổi.
Thứ hai, khi linh cẩu đốm cái đang cho con bú, vú của nó nở ra rất dễ thấy, không có lông ở phía trên và các núm vú đều có màu đen hoặc một phần màu hồng.
Một đặc điểm nữa đó là nhìn từ bên cạnh, "đường bụng" của linh cẩu đốm cái và đực là khác nhau, điều này đặc biệt rõ ràng ở những cá thể lớn tuổi. Phần bụng phình to nhất của linh cẩu đốm đực già là phần dạ dày nên đường bụng có hình chữ V. Phần phình to nhất trên bụng của linh cẩu đốm cái là vú, nằm ở phía sau bụng, vì vậy đường bụng của nó nghiêng từ trước ra sau.
Cuối cùng, khi những con linh cẩu đốm đực và cái trưởng thành ở cùng nhau, chúng có thể bị tách biệt bởi địa vị xã hội. Linh cẩu cái có địa vị cao hơn những con đực, do đó linh cẩu đực luôn cư xử thận trọng khi đến gần những con cái - cúi đầu và cụp tai để thể hiện sự vâng lời. Linh cẩu đực chưa trưởng thành sẽ được mẹ hỗ trợ do đó chúng sẽ hành xử mạnh mẽ hơn và không sợ linh cẩu cái có địa vị thua kém mẹ nó.
Tại sao con linh cẩu đốm cái lại phát triển như vậy?
Lý do đến từ cơ chế sinh học của linh cẩu đốm cái, chúng sẽ cung cấp nồng độ hormone nam cực cao cho đàn con trong thời kỳ mang thai, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn con và làm cho sự phát triển thể chất, tính khí và hành vi của nó trở nên nam tính hơn. Trong số đó, mức độ hormone nam mà linh cẩu đầu đàn truyền cho con cái cao hơn linh cẩu cái bình thường, do đó, những con cái là con của con đầu đàn ngay từ nhỏ đã rất hiếu chiến.
Linh cẩu đốm cũng rất đặc biệt, hầu hết các loài động vật có vú đều là con đực có kích thước lớn hơn con cái, nhưng linh cẩu đốm nhiều lại có con cái có kích thước lớn hơn con đực. Linh cẩu cái ở Đông Phi nặng 55 kg và linh cẩu đực nặng khoảng 50 kg; linh cẩu cái ở Nam Phi nặng 70 kg và linh cẩu đực nặng 60 kg. Linh cẩu đốm chỉ đứng sau sư tử và là loài động vật ăn thịt lớn thứ hai trên đồng cỏ Châu Phi. Điều đáng chú ý là chỉ có linh cẩu đốm có những đặc điểm như vậy, còn linh cẩu nâu, linh cẩu vằn và chó sói đất thì lại giống như các loài động vật có vú khác, con đực ở những loài này có kích thước lớn hơn con cái và con cái cũng không có cơ quan sinh dục nam hóa.
Các đặc điểm lưỡng tính đặc biệt của linh cẩu đốm ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống của chúng. Trước hết, không giống như hầu hết các nhóm động vật có vú do con đực lãnh đạo, linh cẩu đốm đầu đàn luôn là con cái, và chúng thường được gọi là nữ hoàng linh cẩu hay linh cẩu chúa. Địa vị của linh cẩu cái trong đàn cao hơn linh cẩu đực, thậm chí linh cẩu cái có địa vị thấp nhất cũng có địa vị cao hơn con linh cẩu đực có địa vị cao nhất trong đàn. Khi cả nhóm ăn, linh cẩu chúa sẽ được ưu tiên, sau đó các linh cẩu cái khác ăn theo thứ tự địa vị trong đàn, và cuối cùng mới đến lượt linh cẩu đực.
Thị tộc linh cẩu đốm là một thị tộc mẫu hệ, con cái sau khi trưởng thành sẽ được ở trong thị tộc trong khi đó con đực sẽ bị đuổi khỏi đàn khi trưởng thành. Quan hệ mẫu hệ chi phối đời sống xã hội của linh cẩu. Một con linh cẩu mẹ đẻ được càng nhiều con non là con cái thì nó sẽ có địa vị cao hơn trong thị tộc. Ngoài ra, địa vị trong đàn cũng có tính kế thừa qua các đời. Con gái có thể thừa hưởng địa vị xã hội của con mẹ, bao gồm cả vị trí là con đầu đàn, do đó, các nữ hoàng linh cẩu được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thứ hai, cấu tạo bộ phận sinh dục ngoài của linh cẩu cái làm cho việc giao phối trở nên rất khó khăn, không thể thực hiện được nếu không có sự hợp tác của linh cẩu cái. Nếu một con linh cẩu đực muốn giao phối, nó phải làm hài lòng linh cẩu cái, khi tiếp cận con cái, con đực sẽ cư xử rất ngoan ngoãn, và nhiều khả năng sẽ có cơ hội giao phối nếu nó làm cho con cái thấy hài lòng vì thái độ phục tùng.
Trên thực tế, những con linh cẩu đực vị thành niên cũng có thể được hưởng địa vị của mẹ chúng, và nó có thể giết chết những con linh cẩu cái trưởng thành có địa vị thấp hơn mẹ của chúng. Tuy nhiên, những con linh cẩu cái của đàn sẽ không ưa nó. Vì vậy, khi linh cẩu đực lớn lên, nó phải rời khỏi đàn và đến sống trong các thị tộc khác để phục vụ linh cẩu cái và trở thành một "người hầu" ngoan ngoãn, chỉ bằng cách này nó mới có được quyền giao phối. Đây cũng chính là cơ chế để linh cẩu đốm tránh giao phối cận huyết.
Cuối cùng, cấu tạo đặc biệt của cơ quan sinh dục khiến linh cẩu cái rất khó sinh nở, nó không có lỗ hở bên ngoài đường sinh sản, do đó nó chỉ có thể tự xé rách bộ phận sinh dục để đàn con chui ra ngoài, điều này gây ra vết thương lớn cho nó, và vết thương sẽ mất vài tuần để tự khỏi. Tuy nhiên, một số con linh cẩu cái có sức khỏe kém sẽ chết sau khi sinh con lần đầu.
Linh cẩu cái mặc dù có địa vị xã hội cao nhưng nó vẫn mang trọng trách sinh nở và nuôi dạy đàn con. Chúng chỉ sinh 1-2 con trong mỗi lần sinh sản. Đàn con lúc mới sinh thường lớn gấp đôi con của sư tử và gấp 5 lần con của gấu Bắc Cực. Giá trị dinh dưỡng của sữa linh cẩu đốm cao nhất trong các loài động vật có vú trên cạn, hơn 4 lần sữa dê, thời gian chúng cho con bú kéo dài tới 1 năm rưỡi.
Không chỉ vậy, khi những loài động vật móng guốc trong lãnh thổ của thị tộc di cư, đàn linh cẩu cũng đi theo chúng để tìm thức ăn, nhưng chúng không thể mang linh cẩu con theo, do đó linh cẩu mẹ sẽ phải quay lại vị trí ban đầu ba ngày một lần để cho đàn con ăn - quang đường trung bình là 40 km một chiều đi, và chúng phải di chuyển như vậy từ 40 đến 50 lần một năm.