Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), siêu trăng có thể dễ dàng nhìn thấy từ Việt Nam vào lúc 18h28, ngày 17/10. Lúc này Mặt trăng sẽ nằm ở phía đối diện của Trái đất và mặt của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn khiến cho mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy một mặt trăng “siêu to khổng lồ”.
Lần siêu trăng này được các bộ lạc người Mỹ bản địa đầu tiên gọi là Mặt Trăng của thợ săn vì vào thời điểm này trong năm lá rụng và bước vào mùa đi săn. Khi lá rụng và hươu được vỗ béo, đây là thời điểm để săn bắn. Vì các cánh đồng mới được thu hoạch, thợ săn có thể cưỡi ngựa qua gốc rạ và có thể dễ dàng nhìn thấy cáo và các loài động vật khác ra ngoài kiếm ăn và bị bắt để làm tiệc Tạ ơn sau vụ thu hoạch.
|
Siêu trăng lần này có thể dễ dàng nhìn thấy từ Việt Nam vào lúc 18h28, ngày 17/10. Ảnh: Tuệ Minh |
Theo định nghĩa của Richard Nolle, cha đẻ của khái niệm siêu trăng, trong năm 2024 sẽ có 4 lần siêu trăng lần lượt diễn ra vào các ngày 19/8, 18/9, 17/10 và 15/11.
Vào những đêm siêu trăng, bạn sẽ thấy mặt trăng trên bầu trời với đĩa sáng có kích thước lớn hơn khoảng 8% và độ sáng lớn hơn khoảng 15% so với những đêm trăng tròn bình thường khác. Do vậy, ngay cả khi quan sát mặt trăng một cách bình thường, bạn vẫn có thể nhận ra được sự khác biệt này.
Kết quả của lần xuất hiện này sẽ là trăng tròn sáng hơn trung bình 14% kèm theo thủy triều cao và thấp bất thường vào cuối tuần này cho đến đầu tuần.
|
Người Mỹ bản địa gọi đây là Mặt Trăng của thợ săn, thời điểm các cánh đồng đã thu hoạch và hươu được vỗ béo. Lần này người Mỹ sẽ chứng kiến siêu trăng vào buổi sáng, lúc 7:26 theo giờ miền Đông. Ảnh: Astronomy |
Tiến sĩ Fred Espenak, một nhà vật lý thiên văn đã nghỉ hưu của NASA và là chuyên gia về nhật thực, định nghĩa siêu trăng là trăng tròn xảy ra khi mặt trăng ở trong phạm vi 90 phần trăm khoảng cách gần nhất với Trái đất. Tiến sĩ Espenak đã biên soạn một danh sách tất cả các siêu trăng (bao gồm cả những siêu trăng nằm trong phạm vi 90 phần trăm) xảy ra trong thế kỷ 21.
Sau sự xuất hiện của siêu trăng, trong tháng 10 này, những người yêu thiên văn còn có thể chiêm trận mưa sao băng Orionids. Mưa sao băng này tạo ra bởi các hạt bụi do sao chổi Halley để lại, được biết đến và quan sát từ thời cổ đại. Cực điểm của trận mưa sao băng năm nay vào đêm 21 rạng sáng ngày 22/10. Thời điểm xem tốt nhất sẽ là sau nửa đêm.