Nghiên cứu thuốc chữa ung thư tại Việt Nam vẫn chỉ nằm ở dạng hoạt chất
Sinh ra trong gia đình có truyền thống hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, ngay từ khi còn nhỏ, cô bé Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (TP.HCM) đã mang theo ước mơ nghiên cứu ra một loại thuốc chữa bệnh ung thư có giá thành rẻ, đến từ nguồn dược liệu tại Việt Nam.
Vì thế, năm 2007, chị Hạnh đăng ký theo học ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Sau khi tốt nghiệp, chị tiếp tục học lên bậc thạc sĩ ngành này tại Trường ĐH Quốc tế vào năm 2012.
Trong suốt và sau quá trình học thạc sĩ, những hướng nghiên cứu của chị Hạnh đều tập trung vào việc phát triển nghiên cứu thuốc điều trị ung thư từ dược liệu. Trong đó, đề tài luận văn thạc sĩ “Phân lập exopolysaccharide có hoạt tính sinh học từ nấm nhầy” năm 2015 của chị được hội đồng đánh giá là một trong những đề tài mang tính thực tiễn cao.
Chị Hạnh hiện đang giảng dạy tại Khoa Y, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
Có niềm đam mê lớn với việc nghiên cứu thuốc chữa ung thư, cho nên, dù từng thi đỗ thủ khoa đầu vào bậc tiến sĩ, nhưng vì không nhận được quỹ tài trợ cho dự án nghiên cứu thuốc của mình, chị quyết định “chuyển hướng” để có thêm nhiều thời gian nghiên cứu.
“Suốt quãng thời gian đó, trong tôi chỉ có 3 mối quan tâm lớn nhất, đó là phải nỗ lực nghiên cứu hoạt chất chống ung thư; nâng cao nhận thức của cộng đồng những người ung thư về việc sống với căn bệnh này một cách khỏe mạnh, hạnh phúc; thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng người ung thư”.
Theo chị Hạnh, rất nhiều bệnh nhân ung thư hiện nay không được tiếp cận kiến thức và điều trị đúng cách về bệnh. Nhiều người lạm dụng thuốc nam, sử dụng các thực phẩm chức năng hay các phương pháp chữa bệnh không chính thống. Điều này đã vô tình khiến người bệnh bỏ qua thời gian vàng trong điều trị ung thư.
Vì thế, đến khi quay trở lại bệnh viện, thường tiên lượng của họ đã rất xấu hoặc nếu có thể điều trị, chi phí cũng sẽ rất đắt đỏ. Do đó, theo chị, việc nâng cao nhận thức cộng đồng là điều cần thiết bên cạnh việc chữa bệnh, bởi quãng thời gian dành cho người mắc ung thư càng sớm sẽ càng có nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, việc có kiến thức đúng sẽ giúp người bệnh vượt qua tác dụng phụ và theo đuổi quá trình điều trị thành công.
Chị Hạnh cùng bố mẹ trong ngày tốt nghiệp thạc sĩ.
“Có một thực tế, nghiên cứu ở Việt Nam mới chỉ phân lập được hợp chất diệt tế bào ung thư chứ chưa thể phát triển nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế, độc lực, mô hình bệnh, tiền lâm sàng cho đến thử nghiệm lâm sàng để trở thành sản phẩm dược chính thống. Do đó, việc nghiên cứu phát triển thuốc điều trị ung thư từ dược liệu, dùng khoa học chứng minh nguyên nhân, cơ chế tác dụng, liều dùng và độc tố đi kèm, góp phần tạo liệu pháp điều trị có ích và an toàn là điều tôi vẫn luôn trăn trở”.
Bản thân chị Hạnh cũng hiểu rằng, nếu không có kiến thức để “nâng cấp” những nghiên cứu về hợp chất chống ung thư thì các nghiên cứu ấy vẫn sẽ mãi chỉ dừng ở bước hoạt chất kháng ung thư tiềm năng mà không thể phát triển thành sản phẩm dược.
Đó cũng là lý do chị quyết định tìm kiếm học bổng đi ra nước ngoài, từ đó học cách phát triển thuốc chữa ung thư để áp dụng vào dược liệu của Việt Nam cũng như mở rộng mạng lưới liên kết nghiên cứu.
Giành học bổng của Chính phủ Anh sau 4 năm theo đuổi
Mang theo ước mơ hỗ trợ người bệnh và phát triển chuyên môn về thuốc ung thư, vì thế, trong quá trình tìm hiểu, chị Hạnh biết tới Quỹ Nghiên cứu Ung thư Anh quốc. Đây là quỹ lớn nhất thế giới về nghiên cứu và mô hình hoạt động từ thiện về ung thư.
“Càng tìm hiểu, tôi càng muốn tới Anh bằng mọi giá, để vừa học kiến thức, vừa học được cách vận hành mô hình này, sau đó đem về ứng dụng, tạo ra nhiều hoạt động cộng đồng tốt cho bệnh nhân ung thư ở Việt Nam”.
Khát khao này đưa Hạnh tới quyết định ứng tuyển học bổng Chevening vào năm 2018. Chevening là học bổng thạc sĩ toàn phần dành cho người muốn theo học tại các trường ở Vương quốc Anh. Nhưng con đường học tập của cô gái sinh năm 1989 không hề bằng phẳng. Năm đó, chị không thuyết phục được ban giám khảo.
“Mặc dù kết quả không như ý, nhưng tôi không cảm thấy buồn bởi khi đã nhận ra nhu cầu của bản thân, tôi luôn cố gắng để thời gian không hoài phí. Tôi cho rằng, mình không cần phải đợi đến khi là người giỏi nhất mới trở nên có ích, mà hãy cứ cống hiến hết những thế mạnh, thì mình đã thực sự là một người rất hữu ích rồi”.
Vì thế, quãng thời gian sau đó, chị Hạnh đã tập trung xây dựng các dự án cộng đồng, lập thư viện cung cấp thông tin miễn phí về sống chung với ung thư; mạnh dạn chuyển công việc về giảng dạy tại Khoa Y, Trường ĐH Quốc Tế Hồng Bàng dù mức lương thấp hơn công việc cũ, với mục tiêu có môi trường nghiên cứu ở mảng hoạt chất chống ung thư cũng như trau dồi cả kinh nghiệm lẫn mạng lưới trong lĩnh vực này.
3 năm chuẩn bị này cũng đã giúp chị Hạnh xây dựng được mối liên kết với các phòng thí nghiệm nghiên cứu từ Sài Gòn ra đến Huế.
Sau đó, nữ giảng viên trẻ bén duyên với tổ chức thiện nguyện “Y học cộng đồng” với hơn 300 cộng tác viên là y bác sĩ trong và ngoài nước tham gia. Chị cũng trở thành thành viên tích cực trong các hoạt động từ thiện chuyên môn như dịch sách, chiến dịch nhận thức cộng đồng, tổ chức các webinar hỗ trợ bệnh nhân ung thư và trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên tại đây.
Sau 4 năm bền bỉ ứng tuyển học bổng Chevening của Chính phủ Anh, năm 2021, chị đã được lựa chọn để tiếp tục theo học bậc thạc sĩ ngành “Nghiên cứu ung thư và ung thư học chính xác” tại ĐH Glasgow.
“Sau 4 năm, cuối cùng tôi đã có cơ hội được đặt chân đến nước Anh, tiếp tục viết tiếp ước mơ của mình là học hỏi cách nghiên cứu, phát triển thuốc ung thư cũng như kỹ năng vận hành hoạt động hỗ trợ bệnh nhân ung thư một cách bền vững, từ đó đem về giúp những bênh nhân ung thư của đất nước mình.
Với tôi, con đường này có thể chậm hơn những người khác, là bắt đầu lại từ tấm bằng thạc sĩ, nhưng tôi hiểu rằng, sự học của mình không phải để nâng cấp bằng cấp, mà là để đến gần hơn với mục tiêu của bản thân mình và cộng đồng người bệnh ung thư”, nữ giảng viên sinh năm 1989 chia sẻ.