Mới đây, Tạp chí Tiến bộ trong khoa học Trái đất và Hành tinh (PEPS) thuộc Hội Địa vật lý Nhật Bản đã trao giải thưởng “Bài báo khoa học được nhiều người quan tâm nhất năm 2021” cho TS Nguyễn Kim Anh, nghiên cứu viên chính Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Chị Kim Anh còn đang là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu không gian và viễn thám, thuộc ĐH Quốc lập Trung ương Đài Loan.
Để được trao giải thưởng này, bài báo của TS Nguyễn Kim Anh và các cộng sự đã vượt qua 398.780 bài báo “cùng tuổi” trên nhiều tạp chí khác nhau và ít nhất 66 bài báo chất lượng ngay trên PEPS. Chỉ trong hơn 1 năm đăng tải, bài báo có 17.000 lượt truy cập và 21 lượt trích dẫn theo Google Scholar (14 lượt trích dẫn theo SCI).
Nghiên cứu về Việt Nam có tính thời sự với thế giới
Nữ tiến sĩ cho hay, nghiên cứu của mình và các cộng sự xuất phát từ tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phức tạp hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân.
“Giờ đây, khu vực này đã đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng. Xâm nhập mặn hiện đang là một vấn đề cấp bách cần phải được nghiên cứu đầy đủ để có kế hoạch và giải pháp ứng phó, đảm bảo dân sinh và sản xuất”, TS Kim Anh nói.
Theo TS Kim Anh, công trình nghiên cứu sử dụng tư liệu viễn thám quang học là ảnh vệ tinh Landsat 8 OLI để chiết tách các thông tin về độ nhiễm mặn thông qua các chỉ số độ mặn của thực vật (VSSI), chỉ số thực vật được điều chỉnh trong đất (SAVI), chỉ số thực vật (NDVI) và chỉ số độ mặn khác biệt chuẩn hóa (NDSI).
Nhóm nghiên cứu đã chứng minh được tiềm năng cao trong việc giám sát về mặt không gian và mặt vật lý độ mặn của đất ở lớp đất trên cùng. Đồng thời đề xuất phương pháp ước tính độ mặn của đất bằng cách sử dụng các chỉ số lấy từ tư liệu ảnh vệ tinh miễn phí có độ chính xác tương đối cao.
|
Giải thưởng của Tạp chí Tiến bộ trong khoa học Trái đất và Hành tinh (PEPS) cho bài báo của TS Nguyễn Kim Anh và các cộng sự. |
Đây là thông tin hữu ích để quy hoạch khu vực nhiễm mặn và lựa chọn các loại cây trồng phù hợp, giúp giảm thiệt hại kinh tế tại các khu vực đồng bằng có nguy cơ cao về xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu.
“Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã sử dụng dữ liệu lấy mẫu đất, đồng thời sử dụng tư liệu ảnh Landsat 8 OLI. Dựa trên 2 nguồn dữ liệu này, phân tích hồi quy được thực hiện để tìm sự tương quan giữa thông tin trên dữ liệu viễn thám và độ mặn đo trên mặt đất để lập bản đồ độ mặn của đất cho tỉnh Trà Vinh. Phương pháp này cho phép nhanh chóng đánh giá độ mặn của đất cho toàn vùng đồng bằng sông Mekong với chỉ số tính toán đơn giản, nhanh và tư liệu ảnh miễn phí, ít phổ biến trong các nghiên cứu trước đây, đặc biệt trong điều kiện hạn mặn liên tục và nước biển dâng cao ở vùng đồng bằng ven biển này”, TS Kim Anh nói.
Nữ tiến sĩ cho rằng, bài báo nhận được sự quan tâm lớn có lẽ bởi tính thời sự của vấn đề nghiên cứu. Nhiễm mặn là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn biến phức tạp ở Đồng bằng sông Mekong, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Cùng đó, nghiên cứu của chị và cộng sự đã đưa ra một phương pháp đánh giá nhanh về tình hình nhiễm mặn, sử dụng tư liệu ảnh vệ tinh viễn thám có thể giảm đáng kể chi phí khảo sát ngoài thực địa (so với phương pháp truyền thống). Qua đó, có thể hỗ trợ cho các cơ quan quản lý địa phương nắm được tình hình nhiễm mặn kịp thời để có kế hoạch hợp lý trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
“Tôi cùng nhóm tác giả rất vui vì bài báo về vấn đề cấp bách của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm lớn. Chúng tôi muốn lấy đó làm động lực để tiếp tục những công trình nghiên cứu tiếp theo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đang đề xuất một nghiên cứu tổng thể nhằm phục vụ phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu cho khu vực này. Hy vọng những đóng góp của chúng tôi có thể giúp người dân thích ứng và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”.
Chủ nhân nhiều giải thưởng và công bố quốc tế
Từng tốt nghiệp Trường ĐH Mỏ - Địa chất chuyên ngành Trắc địa, chị Kim Anh sau đó theo học thạc sĩ chuyên ngành Địa lý tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, rồi giành học bổng tiến sĩ tại ĐH Quốc lập Trung ương Đài Loan.
Nỗ lực làm việc chăm chỉ và tâm huyết, cùng với sự hướng dẫn và giúp đỡ từ các cố vấn, cô đã xuất bản 2 bài báo trên tạp chí uy tín trong vòng chưa đầy 3 năm, vượt qua kỳ thi đánh giá chất lượng với số điểm cao để tốt nghiệp tiến sĩ.
Không dừng lại, cô tiếp tục làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu không gian và Viễn thám, Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan. Trong 5 năm gần đây, cô là tác giả/đồng tác giả của 3 cuốn sách, 13 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI, 10 bài báo hội nghị IEEE và hơn 50 bài thuyết trình hội nghị quốc tế và các bài phát biểu được mời (trích dẫn học thuật đạt 312 lượt, tổng hệ số ảnh hưởng là 56,807).
Tiến sĩ Kim Anh cũng là chủ nhân của 12 giải thưởng khoa học quốc tế và các suất tài trợ dành cho nhà khoa học trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, Hội Địa vật lý Mỹ (AGU), Hội Địa tin học và Viễn thám quốc tế (IEEE GRSS), APEC, Hội Địa vật lý Châu Âu (EGU), Hiệp hội Khoa học Địa chất Châu Á, Châu Đại Dương (AOGS)...
Đồng thời, chị là trưởng ban biên tập số đặc biệt của Tạp chí Sustainability (MDPI), biên tập viên khách mời của số đặc biệt Tạp chí Remote Sensing và là người phản biện cho các tạp chí chuyên ngành uy tín như Science of the Total Environment, Ecological Indicators, Climate, Remote Sensing,....