Trần Lê Đức Anh, sinh năm 2000, vừa tốt nghiệp ngành Y khoa với điểm trung bình 8,57/10. Với điểm số này, Đức Anh đã trở thành thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Y Hà Nội năm nay. Dẫu đạt được thành tích nổi trội, nam sinh thừa nhận bản thân từng có giai đoạn rất tự ti vì xuất phát điểm “thấp hơn hẳn” so với bạn bè trong lớp.
Trước đó, Đức Anh từng thi trượt liên tiếp 3 ngôi trường chuyên gồm Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, THPT Chuyên ĐH Sư phạm và THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Dù đỗ vào một ngôi trường công "có tiếng" nhưng trong suốt thời gian theo học tại đây, điểm số của em luôn xếp cuối lớp.
“Năm lớp 10 và 11, có những kỳ cả lớp đều đạt học sinh giỏi, chỉ riêng mình em xếp loại khá. Em suy nghĩ rất nhiều vì đã làm bố mẹ thất vọng. May mắn, bố mẹ luôn ở bên em động viên, rất hiếm khi trách móc hay gây áp lực về điểm số”.
Trần Lê Đức Anh là thủ khoa đầu ra Trường ĐH Y Hà Nội (Ảnh: NVCC)
Giai đoạn "nước rút" chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, Đức Anh bắt đầu dồn sức để ôn luyện. Lúc này, điểm số của em cũng bắt đầu cải thiện hơn. Có anh trai theo học ngành Y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội, sau này lại thi đỗ nội trú Sản khoa và giành học bổng du học Pháp, trong mắt Đức Anh, “anh trai rất tài giỏi”. Vì thế, nam sinh luôn ngưỡng mộ và mơ ước được một phần như anh.
Ngoài ra, cũng vì đam mê một nhân vật là bác sĩ trong bộ truyện tranh Black Jack, Đức Anh quyết định đăng ký vào ngành y với nguyện vọng cao nhất là Y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội. Quyết định này của nam sinh bị nhiều người ngăn cản vì cho rằng với học lực của em, “những ngôi trường y top dưới vẫn còn phải mơ ước”.
Mẹ cũng khuyên Đức Anh nên lựa chọn vào ngành kinh tế để vừa sức hơn. Chỉ có bố luôn tin tưởng, động viên em nên ôn luyện thêm môn Sinh để thi vào Y Hà Nội.
Năm 2018, Đức Anh thi và đạt 24,9 điểm khối B00, vừa đủ để đỗ vào ngành Y khoa là 24,75 điểm. “Khi ấy, em thừa đúng một câu trắc nghiệm để đỗ vào trường”, Đức Anh nhớ lại.
Điều này cũng khiến nam sinh tự ti khi phần lớn các bạn trong lớp đều đến từ trường chuyên trên cả nước. Thậm chí, hỏi ngẫu nhiên bạn nào cùng khóa, ai cũng có thành tích nào đó hoặc đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
“Phải thú thực trong thời gian đầu em rất sợ, thậm chí em đã phải lên website của trường để kiểm tra thử xem sinh viên trượt bao nhiêu tín chỉ sẽ bị đuổi học”.
Cũng vì sợ không theo kịp và trượt môn, vào năm nhất, Đức Anh học hành rất chăm chỉ. “Nỗi sợ đã trở thành động lực khiến em nỗ lực hơn rất nhiều”, nam sinh kể. Không ngờ, ngay học kỳ đầu tiên, Đức Anh đã giành được học bổng khuyến khích của trường. Nhờ vậy, nam sinh nhận ra, dẫu các bạn có xuất phát điểm cao hơn nhưng khi đặt chân vào ngành y, mọi người cũng đều bắt đầu như mình cả.
So với những năm cấp 3, khi là học sinh kém nhất lớp, Đức Anh nhìn nhận bản thân mình không thông minh hơn, nhưng điều thay đổi lớn nhất trong em chính là cách suy nghĩ.
“Từ khi đạt học bổng khuyến khích học tập kỳ đầu tiên, em dần dám tin bản thân có thể học giỏi. Cách suy nghĩ đó cũng kéo theo hành động của em phải nỗ lực để trở nên giỏi hơn”.
Sang năm thứ 3, khi bắt đầu đi viện và tiếp xúc với bệnh nhân, Đức Anh luôn trân trọng mỗi buổi học lâm sàng vì cho rằng ngoài kiến thức, em còn được truyền cảm hứng từ các thầy cô tại viện như sự tích cực, năng lượng, khiêm tốn và tận tâm với nghề.
Đức Anh và bố trong buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ của anh trai (Ảnh: NVCC)
Mấu chốt để đạt điểm cao trước mỗi kỳ thi, theo Đức Anh, không quan trọng học trong bao lâu, nhưng nhất định phải có kỷ luật học tập và luôn chủ động tự tổng hợp kiến thức.
“Kiến thức ngành y thường móc nối với nhau, nếu năm trước không ghi lại sẽ quên ngay. Vì thế, em thường có các file dữ liệu để tổng hợp những kiến thức chính thành các gạch đầu dòng. Việc ghi chép và cách ghi như thế nào cũng rất quan trọng để tích lũy kiến thức. Nếu không ghi lại, kiến thức sẽ trôi đi và sang năm học sau sẽ phải học lại từ đầu rất vất vả”.
Ngoài ra, bí quyết của Đức Anh còn là “thắc mắc thật nhiều” và “luôn tự tạo động lực để phấn đấu”.
Trong 6 năm học y, ngoài việc học, nam sinh vẫn tham gia câu lạc bộ tiếng Anh và dành nhiều thời gian cho các sở thích cá nhân.
“Khi vào câu lạc bộ, em rèn được thói quen đọc sách nước ngoài. Ngoài ra, em cũng chơi game và học tiếng Anh dựa vào game”.
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa của Trường ĐH Y Hà Nội, Đức Anh không ngơi nghỉ mà dồn sức ôn luyện cho kỳ thi tuyển bác sĩ nội trú vào đầu tháng 8. Trước đó, nam sinh đã thi IELTS và đạt điểm 8.0.
Có mẹ là bác sĩ tại Bệnh viện K, Đức Anh cũng mong muốn định hướng theo chuyên ngành ung thư giống mẹ. Theo nam sinh, việc trở thành thủ khoa không đem lại cho em lợi thế nào khác trong kỳ thi này, thậm chí có phần áp lực hơn.
“Trước mắt, em mong muốn thi đỗ nội trú và trở thành một bác sĩ giỏi. Để đạt được điều ấy, em cần phải phấn đấu và nỗ lực hơn rất nhiều”, tân thủ khoa đầu ra Y Hà Nội chia sẻ.