TS.BS Ngô Quốc Duy: Để thành công, đam mê thôi chưa đủ

Google News

Câu châm ngôn mà TS.BS Ngô Quốc Duy tâm đắc là: “Nếu đam mê là con đường dẫn đến thành công, thì sự kiên trì chính là chiếc xe đưa bạn đến đó”.

TS.BS Ngô Quốc Duy, Phó trưởng Khoa Ngoại đầu cổ (Bệnh viện K) vừa vinh dự trở thành 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 lĩnh vực Nghiên cứu khoa học – sáng tạo.
TS.BS Ngô Quốc Duy (SN 1989, quê ở Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) có nhiều thành tựu, đóng góp to lớn trong y tế về điều trị tuyến giáp. Báo cáo đầu tiên tại Đông Nam Á về triển khai thành công kỹ thuật cắt tuyến giáp bằng robot qua đường tiền đình miệng trong điều trị ung thư tuyến giáp của TS Ngô Quốc Duy là cột mốc đánh dấu sự phát triển của chuyên ngành ngoại khoa nói chung, cũng như trong lĩnh vực phẫu thuật tuyến giáp nói riêng tại Việt Nam.
TS.BS Ngo Quoc Duy: De thanh cong, dam me thoi chua du
 TS.BS Ngô Quốc Duy, Phó trưởng Khoa Ngoại đầu cổ (Bệnh viện K). Ảnh: NVCC.
Chọn ngành Y vì muốn giúp đỡ nhiều người
Vào trang cá nhân của TS.BS Ngô Quốc Duy, phóng viên (PV) hơi ngạc nhiên khi BS Duy công khai số điện thoại của mình. BS Duy cho hay, tất cả những người quan tâm, lo lắng về tuyến giáp khi gọi điện tới, đều được BS Duy trả lời. Công việc bận rộn, những lúc không nghe được điện, BS Duy sẽ gọi lại sau. “Được giúp đỡ mọi người em cảm thấy rất vui”, BS Duy chia sẻ. Thế nhưng, TS.BS Ngô Quốc Duy không muốn nói nhiều về mình. Anh nói, còn cần phải cố gắng rất nhiều.
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống về con đường đến với ngành Y và những nghiên cứu về ứng dụng điều trị ung thư tuyến giáp, BS Ngô Quốc Duy chia sẻ, từ nhỏ, anh đã thích được giúp đỡ mọi người. Thấy ngành Y phù hợp với mình nên đã lựa chọn theo nghề bác sĩ, như một “cơ duyên”.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trường THPT Lý Thái Tổ (Từ Sơn, Bắc Ninh), anh Duy đăng ký thi vào Trường ĐH Y Hà Nội. Năm 2013, tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội chuyên ngành BS Đa khoa loại Giỏi, BS Ngô Quốc Duy tiếp tục học BS nội trú chuyên ngành Ung thư. Năm 2016, sau 9 năm học Y, BS Ngô Quốc Duy chính thức về Bệnh viện K công tác.
TS.BS Ngô Quốc Duy nhận thấy, y học luôn luôn phát triển và ngày càng có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh nói chung và bệnh ung thư nói riêng. Việc nghiên cứu, cập nhật các phương tiện chẩn đoán, kỹ thuật điều trị mới để giúp cải thiện thời gian sống thêm cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư là điều hết sức cần thiết.
“Hiểu được điều đó, bản thân tôi coi con đường nghiên cứu khoa học là kim chỉ nam để có thể có cơ hội giúp được nhiều bệnh nhân khỏi bệnh hơn nữa”, TS.BS Ngô Quốc Duy chia sẻ.
TS.BS Ngo Quoc Duy: De thanh cong, dam me thoi chua du-Hinh-2
TS.BS Ngô Quốc Duy phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: NVCC. 
Hướng nghiên cứu của TS.BS Ngô Quốc Duy tập trung vào ứng dụng các kỹ thuật mới trong điều trị ung thư đầu cổ, đặc biệt là ung thư tuyến giáp. Đây là bệnh ung thư phổ biến, đứng thứ 10 trong các bệnh ung thư nói chung.
Trong điều trị ung thư tuyến giáp, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất và mổ mở là phương pháp kinh điển điều trị bệnh. Tuy nhiên phương pháp này thường để lại vết sẹo ở vùng cổ trước có ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Trong khi bệnh hay gặp ở nữ giới và ngày càng có xu hướng trẻ hoá.
Đây là lý do TS.TS Ngô Quốc Duy tham gia nhiều nghiên cứu trong chẩn đoán, điều trị ung thư tuyến giáp và đặc biệt là ứng dụng, phát triển kỹ thuật mới trong mổ tuyến giáp không những giúp tăng thời gian sống thêm mà còn đạt được tính thẩm mỹ cao.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất
Với những nỗ lực bền bỉ, TS.BS Ngô Quốc Duy đã có nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu ứng dụng, phát triển kỹ thuật mới trong phẫu thuật tuyến giáp.
Năm 2018, sau một thời gian nghiên cứu cùng với những người thầy của mình, TS.BS Ngô Quốc Duy bắt đầu triển khai kỹ thuật mổ cắt tuyến giáp nội soi qua tiền đình miệng ở Việt Nam. Phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các phương pháp mổ tuyến giáp khác.
BS Duy cũng áp dụng thành công kỹ thuật này trên đối tượng trẻ em với số lượng bệnh nhân lớn nhất được phẫu thuật thành công tại một cơ sở y tế được báo cáo trên y văn. Nghiên cứu này đã mở ra một bước tiến mới trong điều trị bệnh lý tuyến giáp ở trẻ em. Kết quả được đăng trên tạp chí quốc tế Q1 với chỉ số IF 5.2 và được báo cáo tại các hội nghị quốc tế uy tín như Hội nghị Ung thư Đầu cổ Thế giới lần thứ 7 tại Italia tháng 6 năm 2023, được các chuyên gia đánh giá rất cao.
TS.BS Ngo Quoc Duy: De thanh cong, dam me thoi chua du-Hinh-3
 Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trao cúp biểu trưng và bằng khen cho TS.BS Ngô Quốc Duy tại Lễ Tuyên dương 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2023.
Ngoài ra, BS Duy cũng đã áp dụng cách tiếp cận này trong nạo vét hạch cổ bên điều trị ung thư tuyến giáp, bước đầu được chuyên gia quốc tế ghi nhận. Điều này thể hiện qua việc được bình chọn là 1 trong 10 kỹ thuật xuất sắc nhất tại hội nghị Phẫu thuật Ung thư Quốc tế của Hoa Kỳ - SSO 2021 và được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín Q1 có IF 3.7.
Đặc biệt, TS.BS Duy đã ứng dụng thành công phẫu thuật robot cắt tuyến giáp qua tiền đình miệng trong điều trị ung thư tuyến giáp. Kết quả này đã được đăng trên tạp chí quốc tế Q1 và là báo cáo đầu tiên tại Đông Nam Á triển khai thành công kỹ thuật cắt tuyến giáp bằng robot qua đường tiền đình miệng trong điều trị ung thư tuyến giáp. Đây là cột mốc đánh dấu sự phát triển của chuyên ngành ngoại khoa nói chung, cũng như trong lĩnh vực phẫu thuật tuyến giáp nói riêng tại Việt Nam.
Thực hiện được ước nguyện cứu giúp mọi người, với BS Duy, niềm hạnh phúc nhất cũng chính là niềm vui của bệnh nhân, của người nhà bệnh nhân.
“Tôi còn nhớ mãi nụ cười của một cháu bệnh nhân 15 tuổi và mẹ của cháu khi được phẫu thuật thành công điều trị ung thư tuyến giáp với kỹ thuật cắt tuyến giáp nội soi qua tiền đình miệng tại Khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện K. Bệnh của cháu ở giai đoạn rất sớm khả năng khỏi bệnh rất cao và đặc biệt là cháu rất vui khi không có sẹo ở trên cổ của mình”, TS.BS Ngô Quốc Duy xúc động.
Làm việc với đam mê là quá trình thưởng thức
TS.BS Ngô Quốc Duy chia sẻ, bản thân anh gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu y học, đặc biệt trong lĩnh vực lâm sàng. Việc nghiên cứu thường được tiến hành trên bệnh nhân, do vậy việc đảm bảo đạo đức nghiên cứu trong y học rất quan trọng và đôi khi khó khăn. Tuy nhiên với mục đích tìm tòi phương pháp chẩn đoán, điều trị mới, kỹ thuật mổ mới giúp đem lại hiệu quả điều trị cao nhất, anh luôn cố gắng tối đa, kiên trì theo đuổi đam mê để đạt kết quả nghiên cứu tốt nhất.
TS.BS Ngo Quoc Duy: De thanh cong, dam me thoi chua du-Hinh-4
 TS Ngô Quốc Duy (giữa) nhận giải Quả cầu Vàng 2023. Ảnh: TĐ.
Câu châm ngôn mà bản thân BS Duy cảm thấy rất tâm đắc đó là: “Nếu đam mê là con đường dẫn đến thành công, thì sự kiên trì chính là chiếc xe đưa bạn đến đó”. Với BS Duy, đam mê rất quan trọng. Nếu không có đam mê chúng ta sẽ dễ dàng bỏ cuộc hơn. Khi làm việc với đam mê có nghĩa là chúng ta đang thưởng thức công việc chứ không phải đang lao động vất vả. Tuy nhiên, chỉ đam mê thôi chưa đủ.
“Có đam mê nhưng không kiên trì thì cũng khó có thể thành công. Điều này càng đúng trong công tác nghiên cứu khoa học với rất nhiều khó khăn, vất vả”, TS.BS Duy chia sẻ.
Ở tuổi 35, TS.BS Ngô Quốc Duy có 62 bài báo khoa học được công bố, trong đó 29 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín: 13 bài tạp chí Q1 (13 bài đều là tác giả chính), 3 bài tạp chí Q2 (3 bài đều là tác giả chính), 4 bài tạp chí Q3 (3 bài là tác giả chính), 9 bài tạp chí Scopus (5 bài là tác giả chính).
TS.BS Ngô Quốc Duy đã được nhận giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng 2023 . Trước đó, anh đã được trao tặng: Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo; Huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; giải xuất sắc Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ ngành y lần thứ XXI; giải thưởng Đặng Văn Ngữ hạng mục Nghiên cứu viên trẻ xuất sắc năm 2022 của Đại học Y Hà Nội; học bổng toàn cầu về phẫu thuật ung thư đầu cổ và ung thư của Hiệp hội Ung thư Đầu cổ Thế giới năm 2022.
 
Mời quý độc giả xem video: PGS.TS Lê Thị Kim Phụng chia sẻ về Dự án “Phát triển kỹ thuật sản xuất vật liệu tính năng cao aerogel composite từ phụ phẩm nông nghiệp”. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)