Được biết tới với tên gọi VHS 1256 b, ngoại hành tinh này cách Trái Đất 40 năm ánh sáng và nằm xa các ngôi sao của nó. Theo Brittany Miles, học giả tại Đại học Arizona, đồng tác giả nghiên cứu trên, đây là những điều kiện lý tưởng cho những quan sát chi tiết bằng Kính thiên văn James Webb.
VHS 1256 b nằm cách ngôi sao của nó xa gấp 4 lần khoảng cách từ sao Diêm Vương tới Mặt trời, vì thế nó là một mục tiêu lớn cho kính thiên văn này. Điều đó tức là ánh sáng của hành tinh không bị pha trộn với ánh sáng từ các ngôi sao của nó, Miles cho hay.
Các đám mây xoắn có chứa các hạt silicate lớn nhỏ và di chuyển liên tục. Đó là những đám mây vô cùng nóng, có thể đạt tới 830 độ C.
"Các hạt silicate nhỏ hơn trong không khí có lẽ giống như các hạt li ti trong khói. Các hạt lớn hơn có lẽ giống những hạt cát rất nhỏ và rất nóng", Beth Biller, đồng tác giả nghiên cứu - Giáo sư tại Đại học Edinburgh ở Scotland tiết lộ.
VHS 1256 b có trọng lực tương đối thấp, tức là các đám mây silicate vẫn ở cao hơn bầu khí quyển, vì thế Kính thiên văn Webb dễ phát hiện ra chúng hơn.
Một lý do khác khiến bầu trời ở hành tinh này vô cùng hỗn loạn là bởi nó vẫn còn khá trẻ - 150 triệu tuối. Trong khi đó, Trái Đất hiện khoảng 4,5 tỷ năm.
Bởi vì hành tinh này quay ở khoảng cách lớn so với các ngôi sao của nó nên các nhà nghiên cứu có thể quan sát trực tiếp nó thay vì sử dụng phương pháp quá cảnh.
"Chưa có kính thiên văn nào từng xác định được nhiều đặc điểm cùng lúc với một mục tiêu như vậy. Chúng tôi đang quan sát rất nhiều phân tử trong một quang phổ từ Kính thiên văn Webb, cho thấy chi tiết các đám mây và các kiểu thời tiết trên hành tinh trên".