Tại nhiều nơi trên Thế giới, những kênh video ăn uống trực tuyến (mukbang) luôn là sự lựa chọn hàng đầu của phần đông các khán giả mỗi khi có thời gian rảnh rỗi.
Không chỉ thu hút được rất nhiều người xem, hình thức ăn uống trực tuyến này cũng thu hút nhiều người sáng tạo nội dung thực hiện vi “vừa được ăn, vừa được tiền”.
Tuy nhiên, đi kèm với sự bùng nổ của trào lưu này là những biến tướng về sức khoẻ và lãng phí thức ăn.
Theo đó, có những người vì muốn nổi tiếng hay tương tác mà sẵn sàng đánh đổi cả sức khoẻ của mình bằng loạt thử thách ăn uống gây sốc như ăn siêu cay siêu nóng, ăn các loại động vật sống, ăn đất sét,...
Trong khi đó, một số người lại thực hiện các tiểu xảo để qua mắt người xem như vờ ăn trước ống kính rồi nhả ra, gây lãng phí lượng lớn thực phẩm.
Cũng vì những lý do này, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) mới đây đã yêu cầu các nền tảng chia sẻ video trực tuyến của nước này đưa ra các biện pháp giám sát, ngăn chặn và gỡ bỏ các video mukbang "ăn thùng uống vại" vì "cổ vũ lối sống không lành mạnh và lãng phí thực phẩm."
Theo Reuters, trong bài viết được đăng tải trên trang web chính thức ngày 10/4, CCDI nhấn mạnh những hành vi "ăn thùng uống vại" cần phải bị ngăn chặn trên các nền tảng chia sẻ video.
Cơ quan này nhấn mạnh để làm được điều này, các công ty công nghệ phải tăng cường giám sát, ngăn chặn và gỡ bỏ các video, khóa hoặc xóa tài khoản của những người vi phạm.
Mukbang là trào lưu bắt nguồn từ Hàn Quốc, trong đó quay lại cảnh ăn uống và trò chuyện của những người thực hiện video. Trào lưu này sau khi du nhập vào Trung Quốc đã trở thành một trào lưu hái ra tiền.
Tuy nhiên, đi kèm đó là những biến tướng trong chất lượng nhằm để thu hút lượt xem, và "ăn thùng uống vại" là một trong số đó.
Cuối năm 2020, Chính quyền Trung Quốc đã phát động chiến dịch "sạch đĩa", tuyên chiến với các hình thức "ăn thùng uống vại" của các vlogger trên các nền tảng xã hội, cũng như thói quen gọi thức ăn quá mức cần thiết tại nhà hàng.
Theo Reuters, sau khi bị siết chặt việc đăng tải, nhiều mukbang vlogger tại nước này đã lách quy định bằng cách chuyển sang uống bia hoặc uống rượu với số lượng lớn.
"Các hành vi như quay video uống nhiều rượu bia không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe thể chất của những người trong video và gây lãng phí thực phẩm, chúng còn thúc đẩy các suy nghĩ tiêu cực và làm tổn hại ngành công nghiệp rượu", CCDI cho biết.