Hành trình tìm ra biến thể “con lai” Deltacron của nhà khoa học gốc Việt

Google News

Nhà khoa học gốc Việt - Tiến sĩ Scott Nguyen làm việc tại Mỹ đã phát hiện biến thể lai Deltacron với phần đầu của Omicron, thân của Delta.

Nhà khoa học gốc Việt - Tiến sĩ Scott Nguyen hiện đang làm việc tại Phòng thí nghiệm y tế công cộng ở Washington, DC (Mỹ). Ông là một trong số nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới có sở thích thú vị: "săn biến thể". Nhiệm vụ của ông và những người có chung chí hướng là theo dõi các biến chủng mới nổi xung quanh thành phố, tìm kiếm hàng triệu chuỗi gene nCoV trong một cơ sở dữ liệu quốc tế khổng lồ có tên GISAID.
Mục tiêu là tìm ra các chủng nguy hiểm, có thể thay đổi tiến trình đại dịch, hoặc đơn giản là cung cấp cho các nhà khoa học thêm kiến thức về cách tiến hóa của virus. Do đó, những người như Tiến sĩ Scott Nguyen còn được gọi là "thợ săn biến chủng".
Tiến sĩ Scott Nguyen gây chú ý khi vào tháng 2 vừa qua đã phát hiện một biến chủng lai giữa Delta và Omicron. Biến thể lai này được các nhà khoa học gọi tạm là Deltacron. Theo ông, biến thể mới trộn lẫn các phần của Delta và Omicron ngẫu nhiên với nhau.
Hanh trinh tim ra bien the “con lai” Deltacron cua nha khoa hoc goc Viet
Tiến sĩ Scott Nguyen đã phát hiện ra biến thể lai Deltacron.
Trong một số trường hợp, virus dường như đang tối ưu hóa sự kết hợp - chọn những đặc điểm tốt nhất từ mỗi loại để dễ lây nhiễm và tránh miễn dịch. Tiến sĩ Scott Nguyen cho hay biến chủng mới chứa chủ yếu thành phần của Delta nhưng mang protein gai của Omicron. Đây là bộ phận giúp virus bám vào tế bào người và bắt đầu lây lan.
"Như vậy, nó mang phần tốt nhất của Omicron là protein gai, nhưng cơ thể vẫn là Delta. Đây là cách tốt nhất để mô tả về virus", Tiến sĩ Scott Nguyen giải thích.
Theo Tiến sĩ Scott Nguyen, trong trường hợp bệnh nhân nhiễm cùng lúc hai biến chủng Omicron và Delta thì rất có thể một "biến chủng quái vật" sẽ được sinh ra.
Tuy nhiên, loại virus này đã khiến ông và các chuyên gia ngạc nhiên ở nhiều khía cạnh. Trong đó, những biến thể tái tổ hợp đã cung cấp một số manh mối thú vị về cách thức virus này sẽ phát triển tiếp theo.
Đến nay, biến thể Deltacron xuất hiện rất hiếm. Các nhà khoa học đã phát hiện các trường hợp nhiễm biến chủng lai giữa Delta và Omicron ở một số nước như: Pháp, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Đức, Anh, Brazil, Mỹ.
Trước sự xuất hiện của Deltacron, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giới chức các nước tiến hành theo dõi chặt chẽ biến chủng lai giữa Delta và Omicron.

Mời độc giả xem video: Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan Covid-19. Nguồn: THDT.


Tâm Anh (theo NPR)

>> xem thêm

Bình luận(0)