Được biết, Giáo sư gốc Việt Nguyễn Thị Kim Thanh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại ĐH Quốc gia Hà Nội năm 1992. Thời gian sau, bà đi du học và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu quốc tế có uy tín tại Hà Lan, Mỹ và Anh. Từ năm 2013, bà đảm nhận vị trí Giáo sư tại trường đại học University College London (UCL) và dẫn đầu một nhóm thực hiện nghiên cứu liên ngành tiên tiến về thiết kế và tổng hợp vật liệu nano cho ứng dụng y sinh.
|
Giáo sư gốc Việt Nguyễn Thị Kim Thanh đã được giải thưởng quốc tế vinh danh. Ảnh: Báo Quốc tế. |
Thành danh trên đất Anh
Bà cũng là giáo sư người Việt đầu tiên tại UCL, chuyên ngành vật liệu nano tại Phòng thí nghiệm UCL Nanomaterials Laboratory đặt tại Viện Royal Institution Anh Quốc, và Giáo sư của Nhóm sinh lý (biophysics), Khoa Vật lý và Thiên văn cũng thuộc UCL, Anh Quốc.
Tên tuổi của bà được rạng danh khi vào ngày 11/11/2019, trên website của Royal Society (Hội khoa học Hoàng Gia Anh) công bố GS. Nguyễn Thị Kim Thanh đã được nhận Giải thưởng Rosalind Franklin với những thành tựu có tầm ảnh hưởng lớn về nghiên cứu ứng dụng vật liệu nano trong lĩnh vực y sinh, chăm sóc sức khoẻ.
Tại Royal Society, giáo sư, tiến sỹ đến từ đại học University College London (UCL), bà Nguyễn Thị Kim Thanh đã có vinh dự trình bày bài giảng về vật liệu nano plasmonic (hạt vàng hình cầu, trụ và sao), "Vật liệu nano từ phòng thí nghiệm đến giường bệnh" (Nanomaterials from Bench to Bedside) trước giới khoa học hàng đầu nước Anh.
Và với những thành tựu nghiên cứu và dự án có tầm ảnh hưởng lớn về ứng dụng vật liệu nano trong lĩnh vực y sinh, chăm sóc sức khoẻ, GS. Thanh đã được nhận Giải thưởng Rosalind Franklin năm 2019. Giải thưởng gồm huy chương bằng bạc, một khoản hỗ trợ dự án 40.000 bảng Anh và món quà trị giá 1.000 nghìn bảng Anh.
|
Nguyễn Thị Kim Thanh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại ĐH Quốc gia Hà Nội năm 1992. Ảnh: @Google. |
Nỗ lực phát triển nền khoa học Việt
Không chỉ dừng tại đó, GS. Nguyễn Thị Kim Thanh cũng là một trong những thành viên sáng lập nên Tổ chức Hàn lâm Trẻ Việt Nam (Vietnam Young Academy - VYA), với mong muốn luôn thông qua tổ chức này sẽ giúp đỡ quê hương Việt Nam trên con đường tiến tới một nền khoa học mới, tiến bộ hơn tốt hơn.
Tổ chức Hàn lâm Trẻ Việt Nam (Vietnam Young Academy - VYA) giúp kết nối các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam và các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực chuyên môn, để cùng thảo luận mang tính định hướng và xây dựng về những chủ đề quan trọng của đất nước và toàn cầu.
Bà luôn nghĩ rằng cần tận dụng các tổ chức khoa học quốc tế để nền khoa học Việt Nam có thể tiếp cận với những điều kiện phát triển. Bà tin rằng, việc khuyến khích giao lưu giữa các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước cho phép các nhà khoa học trẻ trong nước cơ hội học hỏi từ những kỹ năng của những nhà khoa học ở nước ngoài, đồng thời cũng giúp những nhà khoa học ở nước ngoài hiểu rõ hơn về những điều kiện phát triển khoa học ở trong nước hiện nay.
|
GS. Nguyễn Thị Kim Thanh đã được nhận Giải thưởng Rosalind Franklin với những thành tựu có tầm ảnh hưởng lớn về nghiên cứu ứng dụng vật liệu nano trong lĩnh vực y sinh, chăm sóc sức khoẻ. Ảnh: @Google.
|
Với trọng trách là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của VYA, GS. Nguyễn Thị Kim Thanh cũng nỗ lực giúp tổ chức cân bằng số thành viên trong nước và nước ngoài, giữa các ngành khác nhau và lựa chọn thành viên kỹ càng hơn dựa trên thành tích khoa học.
VYA không chỉ hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ tăng cường năng lực, phát triển cá nhân và chuyên môn thông qua các mạng lưới quốc gia và toàn cầu, tạo điều kiện cho họ có nhiều đóng góp có giá trị hơn cho xã hội, mà còn nâng cao truyền thông học thuật, giáo dục và tạo nên tác động đến đổi mới và phát triển chính sách ở Việt Nam.
Hiện nay, tổ chức VYA có số thành viên là người Việt ở nước ngoài chiếm ưu thế, tập trung đặc biệt vào vai trò là cầu nối giữa học giả Việt ở trong nước và nước ngoài. Đây chính là cây cầu thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức và thực tiễn làm việc giữa các nhà khoa học.
Rosalind Franklin là giải thưởng được trao cho các cá nhân có đóng góp nổi bật trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), nhằm để khuyến khích vai trò của phụ nữ trong STEM. Được biết, giải thưởng này được đặt theo tên của nhà lý sinh học Rosalind Franklin (1920-1958). Bà cũng là nhà tinh thể học tia X người Anh có những đóng góp lớn cho khoa học thế giới trong việc phát hiện cấu trúc ADN. Giải thưởng này lần đầu tiên được trao vào năm 2003.