GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng là nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Không chỉ dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học, ông còn là nhà quản lý có tầm nhìn chiến lược, luôn đau đáu trăn trở tìm giải pháp cho sự tiến bộ của nền khoa học nước nhà.
|
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng. Ảnh: NVCC.
|
Thế hệ nhà khoa học “đầu đàn” của Việt Nam
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng sinh ngày 21/6/1937 tại Hà Nội, trong một gia đình Nho giáo. Cha của ông vốn là một thầy đồ dạy học. Từ nhỏ, GS Nguyễn Hữu Tăng đã được người cha truyền tình yêu đối với tri thức, sự nghiêm cẩn trong học tập, làm việc.
Tốt nghiệp cấp 3, GS Nguyễn Hữu Tăng thi đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Với thành tích học tập xuất sắc, sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1957, ông trở thành giảng viên của Trường. Sau đó, ông được cử đi làm luận án tiến sĩ, rồi tiến sĩ khoa học tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov.
“Về nước, tôi muốn chỉ đi theo con đường nghiên cứu khoa học nhưng nhận sự phân công của nhà nước, tôi nhận nhiệm vụ tại Ban Khoa giáo Trung ương”, GS.TSKH. Nguyễn Hữu Tăng chia sẻ với PV Khoa học và Đời sống.
Giữ trách nhiệm Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, GS.TSKH. Nguyễn Hữu Tăng đã tham gia Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các ban Đảng khóa đầu tiên cho đến lúc nghỉ hưu. Ông đã góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở ban Đảng làm cơ sở cho công tác tham mưu.
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng đã chủ trì và tham gia chủ trì 2 đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước về trí thức và trẻ em cùng nhiều đề tài cấp bộ đạt xuất sắc. Ông tham gia biên tập bộ sách giáo khoa đầu tiên về vật lý đại cương cho các trường Đại học kỹ thuật và sách tham khảo.
Ông đã hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, đặc biệt, trên cơ sở hướng dẫn nghiên cứu sinh thành công đã hình thành một phương pháp mới trong vật lý lý thuyết đó là “phương pháp mô men thống kê” và trở thành một trường phái trong vật lý.
|
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng (ngồi đầu) tại Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022.
|
Khoa học công nghệ phải là quốc sách hàng đầu
GS Tăng cho biết, để đất nước phát triển, khoa học và công nghệ phải là quốc sách hàng đầu, trong đó, vai trò của nhà tổ chức rất quan trọng. Nhà tổ chức phải biết yêu cầu của sản xuất đối với công nghệ có khi phải cưỡng bức doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Nhà tổ chức cũng phải biết chỗ mạnh của viện, của trường đại học và của từng nhà khoa học. Nhà tổ chức vừa có trách nhiệm lôi cuốn người nghiên cứu gắn kết với doanh nghiệp, vừa phải tháo gỡ cơ chế, chính sách cần thiết.
Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển thì nên có Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm chính trong vai trò nhà tổ chức để gắn kết giữa khoa học và công nghệ. Chẳng hạn, nếu đầu tư cho khoa học và công nghệ từ 1 – 2% GDP thì có khả năng đóng góp cho phát triển kinh tế tới 30%. Cấm sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường và thúc đẩy nhanh phát triển thị trường công nghệ.
Thành tựu khoa học thì không có biên giới nhưng thành tựu công nghệ là có biên giới. Đã đến lúc cần thúc đẩy năng lực nội sinh, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học – công nghệ - doanh nghiệp để có những phát minh công nghệ nội địa, tạo nên các sản phẩm có sức mạnh cạnh tranh.
Ngoài ra, theo GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng cần thu hẹp hướng ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ hơn nữa. “Tiềm lực của nước ta có hạn, nên không thể dàn trải theo nhiều hướng như hiện nay”, ông Tăng nói.
Cần có chính sách đãi ngộ với trí thức hơn nữa
GS Nguyễn Hữu Tăng tâm sự, cuộc đời làm khoa học của ông đã trải qua nhiều chặng đường vô cùng khó khăn. Những năm 1955, 1956, điều kiện đào tạo, cơ sở vật chất của trường đại học rất sơ sài, các kiến thức được truyền thụ cũng mới ở mức bắt đầu. Khi mới sang Liên Xô (cũ) học tập, ông thấy choáng ngợp, lo lắng, không biết liệu có theo được hay không. Nhất là giai đoạn làm tiến sĩ khoa học, yêu cầu đặt ra rất cao, đó là phải mở ra được một hướng mới.
Thế nhưng, với một trách nhiệm của nhà khoa học, ông đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, đó là bảo vệ thành công luận án, trở về đất nước góp đẩy mạnh sự phát triển của khoa học công nghệ. Qua nhiều giai đoạn trưởng thành.
“Tôi vẫn nhớ, hội đồng bảo vệ tiến sĩ khoa học khi đó rất đông, 21 người, có mặt tới 16 người, nhưng tôi đã vượt qua được. Và một trong những điều hạnh phúc nhất trong chặng đường làm khoa học của tôi là được giao nhiệm vụ gì thì đều hoàn thành, và có khi vượt mức yêu cầu”, GS Nguyễn Hữu Tăng chia sẻ.
Từ năm 1993, khi còn làm ở Ban Khoa giáo Trung ương, ông đã kiêm nhiệm, giữ chức Phó Chủ tịch VUSTA. Sau khi nghỉ hưu, ông chuyên tâm, đảm nhiệm chức vụ này, đến năm 2010 ông xin nghỉ do sức khỏe.
Hiểu được giá trị của trí thức, nhà khoa học, GS Nguyễn Hữu Tăng đã luôn chú trọng, làm tốt việc tập hợp, đoàn kết, phát huy chất xám của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước
Giờ tuổi đã cao, nhưng ông vẫn luôn đau đáu, trăn trở với sự phát triển của khoa học nước nhà. Từ khi Nghị quyết số 27 tới nay, chính sách đối với trí thức đã có bước tiến, tuy nhiên theo ông, cần có chính sách đãi ngộ đối với trí thức hơn nữa. Trong đó, có chính sách đãi ngộ với trí thức lớn tuổi có công lao đóng góp đáng kể cho đất nước; chính sách đối với trí thức tài năng, nhất là đối với trí thức trẻ; chính sách đối với trí thức người dân tộc ít người.
“Những chính sách này không chỉ có tác dụng đối với các đối tượng trên mà là nguồn cổ vũ đối với đội ngũ trí thức nói chung”, GS Nguyễn Hữu Tăng chia sẻ.
Với những đóng góp của mình, GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất của nước CHND Lào; Nhiều bằng khen, huy chương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các Ban Đảng Trung ương, các bộ, ngành, Đảng ủy Khối; 6 năm là Chiến sĩ thi đua của TP. Hà Nội trước khi đi thực tập sinh cao cấp tại Liên Xô năm 1979.