Mới đây. Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên đúng quy định.
Theo đó, căn cứ khoản 1 Điều 62 Luật Giáo dục 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019, trường chuyên được thành lập ở cấp THPT, vì vậy không có cấp THCS trong trường chuyên. Chiếu theo quy định này, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam có thể sẽ phải dừng tuyển sinh hệ THCS từ năm học tới.
Điều này đã khiến nổ ra cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều. Không ít phụ huynh đã đầu tư cho con học từ lớp 1 với mục tiêu vào được hệ THCS chuyên Amsterdam đã cảm thấy hẫng hụt, thậm chí bức xúc. Họ đặt câu hỏi vì sao lại phải dừng dừng tuyển sinh hệ THCS khi mô hình này đang rất tốt, để những học sinh có năng khiếu có môi trường phát triển. Và nếu dừng tuyển sinh hệ THCS, cũng cần có lộ trình.
Không luyện thi không vào được trường chuyên
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, ý tưởng tìm kiếm những học sinh tài năng từ bậc THCS là tốt, và ông nhất trí rằng, mọi quyết định, chính sách phải trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên mong muốn này phải đúng.
|
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Trần Hải. |
Chẳng hạn, có một số bố mẹ mong muốn con được vào trường này trường kia chủ yếu để giải quyết khâu “oai”, “oách” . Giống như cứ học trường Havard ra bất kể ngành gì đều thấy tự hào. Đặt câu hỏi, những phụ huynh đã luyện thi chuẩn bị cho con vào trường chuyên có bao nhiêu % vì bố mẹ và bao nhiêu % cho con?
Cùng với đó, thực tế một số năm qua cho thấy, những học sinh thông minh tự nhiên thường không sẽ không được tuyển vào trường chuyên (vì sẽ không đáp ứng theo các tiêu chí của bài đánh giá). Thay vào đó, chỉ những đứa trẻ thông minh được luyện thi theo một cách thức nào đó, thậm chí từ lớp 1 mới đỗ được.
“Như vậy, khác gì một môi trường nào đó phải luyện cật lực mới vào được. Và khi vào rồi lại tiếp tục lại phải luyện tiếp cho những bậc học trên. Nếu bản chất là như vậy, thì chúng ta cần giải thích cho phụ huynh hiểu, rằng mong muốn của phụ huynh không tốt cho con em mình. Những đứa trẻ không khác gì bị buộc phải đi nhón chân trong thời gian dài”, PGS.TS Trần Thành Nam phân tích.
Ngoài ra, theo PGS.TS Trần Thành Nam, mặc dù hệ thường ở một số trường chuyên tuyển đang tốt nhưng nếu sử dụng nguồn lực cơ sở vật chất cho học sinh tài năng và nguồn nhân lực giáo viên chuyên dạy học sinh bình thường có thể gây lãng phí, vừa không đúng đối tượng vừa mất chỗ học của các em học sinh tài năng khác.
Nên thành lập Trung tâm phát hiện và bồi dưỡng tài năng cấp quốc gia
Để phát hiện học sinh tài năng, PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra ý tưởng, có thể thành lập một Trung tâm phát hiện và bồi dưỡng tài năng cấp quốc gia. Trung tâm này có nhiệm vụ xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho giáo dục đào tạo tài năng, các loại hình dịch vụ hỗ trợ, các trang thiết bị phục vụ giáo dục tài năng.
Trung tâm cũng sẽ xây dựng bộ công cụ chuẩn hóa đánh giá các chỉ báo (IQ, CQ, AQ, SQ, PQ, EQ, động cơ đạt thành tích cao...) trên học sinh tài năng và các công cụ đánh giá các dạng năng khiếu chuyên biệt.
Ngoài ra, xây dựng bộ tiêu chuẩn tuyển chọn học sinh tài năng (từ các chỉ báo trắc nghiệm, thành tích học tập và hoạt động, các cuộc thi, chương trình đã tham gia, đề cử từ các bên liên quan...). Xây dựng quy trình hướng dẫn giáo viên và phụ huynh về tiêu chuẩn năng khiếu, quy trình báo cáo phát hiện năng khiếu/tài năng, chu trình phát triển của các dạng tài năng, nhận diện những khó khăn tâm lý, khiếm khuyết của học sinh tài năng.
Cùng với đó, xây dựng nội dung chương trình đào tạo Bồi dưỡng giáo viên dạy năng khiếu và tài năng cho các lĩnh vực. Họ sẽ thực hiện nhiệm vụ tư vấn và hỗ trợ cho học sinh tài năng.
Kết nối mạng lưới các cơ sở giáo dục để thu thập và quản lý danh sách học sinh năng khiếu và tài năng quốc gia từ các cuộc điều tra khảo sát toàn trường hàng năm tại các cơ sở giáo dục, với mục đích có thể theo dõi và giám sát sự tiến bộ của học sinh.
Trung tâm cũng sẽ thành lập mạng lưới các chuyên gia trong nước và khu vực thúc đẩy các hoạt động đào tạo năng khiếu và tài năng. Huy động các nguồn tài trợ xã hội hóa, hỗ trợ thành lập các trung tâm phát triển bồi dưỡng tài năng tại các địa phương.
Có thể tuyển chọn học sinh năng khiếu, tài năng từ bậc THCS. Xây dựng các chương trình giáo dục cá nhân hóa phù hợp với tiềm năng của những học sinh này theo hướng linh hoạt, module hóa và cơ chế tăng tốc, học nhảy vượt cấp.
Trung tâm phát triển các dịch vụ hỗ trợ giáo dục tài năng ở cả 2 khía cạnh: Thúc đẩy sự phát triển tiềm năng của cá nhân giúp họ đạt được mục tiêu lớn nhất, đồng thời, giúp họ giảm nhẹ những khiếm khuyết chức năng (với những tài năng có những khó khăn về kỹ năng sống hay khiếm khuyết khác về đời sống, học tập).
Trung tâm cũng có vai trò hướng nghiệp, định hướng học sinh tài năng vào các ngành học đại học, vị trí công việc mà họ có năng lực cao mang lại đóng góp hữu ích cho xã hội. Là đầu mối tư vấn các chính sách về giáo dục đào tạo tài năng. Ví dụ, kết nối với các cơ sở giáo dục cho phép học sinh tài năng được học trước các học phần đại học, được tham gia chương trình đào tạo đại học từ 14 tuổi, cho phép học rút ngắn và lấy nhiều bằng dựa trên số tín chỉ tích lũy, yêu cầu các sáng kiến quốc gia cần kết hợp sử dụng tài năng)...
TS Trần Thành Nam chỉ ra thực trạng, trẻ học trường năng khiếu, thành tích thi cử tốt nhưng không hạnh phúc, thậm chí có nhiều học sinh giỏi trở nên suy nghĩ lệch lạc và thù hằn xã hội.
Ngoài ra, một học sinh giỏi ở một lớp bình thường có nhiều học sinh có năng lực khác nhau có thể thấy rõ mình có điểm mạnh và lợi thế học tập nên sẽ nỗ lực phát huy mặt mạnh đó. Nhưng khi đặt vào môi trường chuyên, toàn học sinh giỏi thì mất đi ý thức mình là một người có năng khiếu, cảm thấy mình không đạt chuẩn và trở nên chán nản, mất động lực.
Mời quý độc giả xem video: Chàng trai “vàng” Toán học Ngô Quý Đăng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về niềm đam mê với Toán học. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.