|
PGS.TS Đỗ Thị Thuý Phương nhà khoa học với những công trình nghiên cứu tiêu biểu. |
Nỗ lực vượt khó trên hành trình chinh phục tri thức
Sinh ra trong một gia đình là người dân tộc Tày gốc ở Tuyên Quang, có bố và mẹ làm công nhân Nhà máy Giấy Tuyên Quang, mẹ thường xuyên đau ốm, mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng vượt lên trên hoàn cảnh sau khi tốt nghiệp phổ thông, PGS.TS Đỗ Thị Thuý Phương (SN: 1974) đã thi đỗ vào trường Đại học Nông lâm thuộc Đại học Thái Nguyên.
Tháng 5 năm 1997, sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Kinh tế nông nghiệp, đạt loại Xuất sắc, chị Phương được giữ lại Trường và công tác tại Khoa Kinh tế Nông nghiệp, trường Đại học Nông Lâm.
Cuối năm 1997, chị Phương trúng tuyển cao học chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp, khóa 11 của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế vào tháng 4 năm 2000.
Năm 2004, sau khi thành lập trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh, chị Phương được điều chuyển về khoa Kế toán trường Đại học Kinh tế và QTKD. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng trong quá trình làm việc, học tập, nghiên cứu đến năm 2011 chị Phương nhận học vị Tiến sĩ và năm 2015 chị được phong học hàm Phó giáo sư và được công nhận là Giảng viên cao cấp.
|
Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, dù ở bất cứ cương vị công tác PGS.TS Đỗ Thị Thuý Phương cũng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. |
Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Đỗ Thị Thuý Phương cho biết: "Là một người dân tộc thiểu số từ Tuyên Quang xuống Thái Nguyên học phải xa nhà nên ngay từ lúc đi học đã có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó khi ra trường, ở lại trường công tác, thời gian đầu phải ở nhà tập thể, quá trình xây dựng gia đình, bố mẹ 2 bên gia đình đều có tuổi, sức khỏe yếu, 2 con lại còn nhỏ, là một người phụ nữ tôi vừa phải cáng đáng công việc gia đình vừa phải nỗ lực học tập, làm việc và nghiên cứu nên thời gian đó quả là không dễ dàng".
Chị Phương cho biết: Ngoài những khó khăn chung của đất nước trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, giai đoạn hội nhập kinh tế, thiên tai, dịch họa gây ra nhiều khó khăn trong công tác cũng như cuộc sống.
Khi trường Đại học Kinh tế và QTKD mới thành lập, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, lực lượng cán bộ giảng viên còn ít, sinh viên lại đông do đó giảng viên phải dậy tăng cường. Nhiều khi không có cả thời gian nghỉ ngơi khi vừa phải lo công việc của Trường, vừa chăm lo cho gia đình.
Bản thân giai đoạn đó lại tham gia công tác Trưởng Bộ môn và sau là Phó Trưởng khoa, chính vì vậy để có thể cân bằng giữa cuộc sống và thực hiện tốt công việc tôi phải xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng ngày để thực hiện. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ, quan tâm tạo điều kiện từ phía nhà trường, các thầy cô trong khoa.
Chia sẻ về quá trình công tác, chị Phương cho biết: Đối với một giảng viên, việc phối hợp giữa 2 nhiệm vụ là giảng dậy và nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng đòi hỏi bản thân phải thu xếp công việc hợp lý vì giảng dậy cả tại trường và ngoài trường (các lớp vừa làm vừa học thường đặt ở các tỉnh ngoài Thái Nguyên).
Công tác NCKH thì phải xuống địa phương và doanh nghiệp mới thực hiện được. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ như giáo dục và đào tạo cán bộ có trình độ cao cho đất nước, NCKH và chuyển giao công nghệ cho địa phương, doanh nghiệp, nhiệm vụ của một cán bộ quản lý từ cấp Trưởng Bộ môn đến Trưởng khoa, Bí thư Chi bộ Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và PTNT và tham gia các tổ chức chính trị của trường, chị Phương đã luôn phấn đấu, nỗ lực hàng ngày, hàng giờ để thực hiện tốt nhất chức trách, nhiệm vụ của mình.
Nhà khoa học với những công trình nghiên cứu tiêu biểu
Tính đến thời điểm hiện tại, PGS.TS Đỗ Thị Thuý Phương đã tham gia giảng dạy cho các lớp Đại học, Cao học và Nghiên cứu sinh. Hàng năm đều vượt mức giờ chuấn theo quy định. Ngoài ra, chị Phương cũng đã tham gia tổ chức một số lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường và các đơn vị ngoài trường.
Tham gia mở các lớp bồi dưỡng chứng chỉ Kế toán trưởng cho một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực. Hướng dẫn cho rất nhiều sinh viên thực tập tốt nghiệp và làm khóa luận tốt nghiệp, đã có 83 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Chủ trì 10 đề tài các cấp, bao gồm 1 đề tài cấp Bộ năm 2007, 4 đề tài cấp Tỉnh năm 2015, 2016, 2018, 2022, 2 đề tài cấp Đại học năm 2015, 2016 và 3 đề tài cấp Cơ sở năm 2008, 2009, 2010. Ngoài ra, chị Phương cũng tham gia 22 đề tài các cấp (2 đề tài Nhà nước, 2 đề tài cấp Bộ, còn lại là cấp Tỉnh, cấp Đại học Thái Nguyên và Cơ sở).
Chủ biên và đồng chủ biên 8 giáo trình, 2 sách chuyên khảo, 2 sách tham khảo, tham gia biên soạn 2 giáo trình. Đồng thời, chị Phương đã 62 bài báo đăng trên tạp chí khoa học, trong đó 48 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước,14 bài báo quốc tế…
|
Tập thể khoa Kế toán nơi PGS.TS Đỗ Thị Thuý Phương đang công tác. |
Trong suốt 27 năm qua, với những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, dù ở bất cứ cương vị công tác PGS.TS Đỗ Thị Thuý Phương cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ và được ghi nhận qua nhiều phần thưởng cao quý như Hàng năm đều liên tục đạt danh hiệu lao động tiên tiến và 14 năm là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2004-2008 ; 2012-2023), 2 năm là CSTĐ cấp Bộ (2016, 2019).
Được tặng thưởng 4 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014, 2018, 2021, 2021), 1 Bằng khen của Tổng Liên đoàn LĐVN (2019), 2 Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên (2009, 2020), 2 Bằng khen của Công đoàn GDVN (2016, 2018), Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp giáo dục (2016), 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2021), 1 Bằng khen của UBND tỉnh Tuyên Quang, một số Giấy khen của Đại học Thái Nguyên, nhiều giấy khen của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh và liên tục đạt danh hiệu “Giỏi việc Trường - Đảm việc nhà” của Công đoàn Trường và CĐ ĐHTN…
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, PGS.TS Đỗ Thị Thuý Phương khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác giảng dạy Đại học, Sau đại học và nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu sâu về lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Đây cũng là lĩnh vực chuyên môn giảng dạy mà chị Phương cần dành thời gian và sự tâm huyết để nghiên cứu.
Bên cạnh đó, nghiên cứu lĩnh vực kinh doanh và quản lý trong các loại hình doanh nghiệp, là hướng nghiên cứu phục vụ cho việc đề xuất các chính sách phát triển doanh nghiệp trong điều kiện Hội nhập kinh tế quốc tế và cho các học viên sau đại học thực hiện đề tài tốt nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu KHCN khu vực miền núi, hướng nghiên cứu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng núi phía Bắc và cho các học viên sau đại học thực hiện các đề tài tốt nghiệp.