GS.TS Phạm Gia Khánh: Ca ghép gan "lịch sử" và quyết định dũng cảm

Google News

GS.TS Phạm Gia Khánh chia sẻ, cản trở lớn nhất của ghép tạng ở Việt Nam hiện nay là thiếu người hiến tạng do ảnh hưởng của tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng.

Kỳ tích ca ghép gan đầu tiên 

GS.TS Phạm Gia Khánh sinh năm 1943 tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Gần trọn cuộc đời gắn bó với ngành y, GS.TS Phạm Gia Khánh đã có những đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà, đặc biệt ở lĩnh vực ghép tạng. Và đây cũng là lĩnh vực mà ông luôn đau đáu, trăn trở.

GS.TS Pham Gia Khanh: Ca ghep gan
GS.TS Phạm Gia Khánh. Ảnh: Lan Anh.

GS.TS Phạm Gia Khánh cho biết, ghép tạng Việt Nam đi sau thế giới gần nửa thế kỷ, mãi đến năm 1992 chúng ta mới thực hiện được kỹ thuật này.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta đã thực hiện được nhiều kỹ thuật ghép tạng như lấy tạng từ người cho sống, người cho chết não, chết tim ngừng đập, ghép đa tạng, lấy thận bằng phẫu thuật nội soi, ghép trao đổi cặp ở người cho sống…

Đối với thận và gan, tim, chúng ta đạt trình độ tương đương các nước trên thế giới. Riêng ghép phổi và ghép tụy thì số lượng còn ít nên chưa có được nhiều kinh nghiệm.

Có được thành công như ngày hôm nay, ghép tạng Việt Nam đã từng trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn. Trong đó, ca ghép gan “lịch sử” là kỷ niệm GS. Khánh không bao giờ quên.

Năm 2004, GS.TS Phạm Gia Khánh đang giữ cương vị Giám đốc Học viện Quân y. Lúc đó, chúng ta chỉ mới thực hiện được việc ghép thận (năm 1992), còn ghép gan vẫn là điều mới mẻ và nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta chưa đủ điều kiện để thực hiện.

Bệnh nhân là một cháu bé 10 tuổi, quê Nam Định. Cháu bị teo đường mật bẩm sinh đã biến chứng, nếu không được ghép gan sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bố của cháu sẵn sàng hiến một phần lá gan cho con, tha thiết hy vọng con được cứu sống.

Đứng trước lằn ranh sinh tử của bệnh nhân nhỏ tuổi, ở vai trò người đứng đầu, BS. Khánh chỉ đạo quyết tâm thực hiện bằng được ca ghép gan trong sự e ngại của cả đồng nghiệp và người ngoài ngành.

Đã có rất nhiều thử thách trong hoàn cảnh thiếu thốn tưởng không vượt qua được. Trong đó, có việc phải lập một “đường dây chuyển máu” của bệnh nhân với hành trình gần 2.000km. Hành trình này bắt đầu từ Bệnh viện Quân y 103 đến Sân bay Nội Bài, từ Sân bay Nội Bài đến Sân bay Tân Sơn Nhất rồi chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.

Lý do là vì, để bảo đảm kết quả sau ghép cần phải xét nghiệm nồng độ thuốc ức chế miễn dịch trong máu bệnh nhân hai lần trong ngày trong hơn một tháng. Nhưng khi đó, xét nghiệm này chỉ thực hiện được ở TPHCM.

Nhận quyết định chuẩn y từ Bộ Y tế cho tiến hành phẫu thuật, BS Khánh cùng các đồng nghiệp chuẩn bị mọi thứ với quyết tâm cao nhất. Tuy nhiên, ông cũng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận những phản ứng tiêu cực của dư luận trong trường hợp không thành công. Tình hình lúc đó “căng” đến mức, lãnh đạo một bệnh viện có tiếng, dù ủng hộ việc ghép gan nhưng cũng phải thừa nhận: “Nhận nhiệm vụ này thật là dũng cảm!”.

Ca ghép gan cuối cùng đã thành công. BS. Khánh cho biết, thành công này không chỉ ở việc cứu sống cháu bé 10 tuổi (cô bé đã sống thêm được 17 năm - PV) mà đã rút ngắn khoảng cách của ghép gan và ghép tạng Việt Nam với thế giới.

Khó khăn lớn nhất là thiếu người hiến tạng

GS.BS Phạm Gia Khánh chia sẻ, khó khăn lớn nhất của ghép tạng ở Việt Nam hiện nay là thiếu người hiến tạng. Thế giới cũng gặp phải việc này. Tuy nhiên, chúng ta còn khó hơn nhiều lần. Lý do là vì sự hiểu biết về ghép tạng của người dân còn hạn chế so với các nước tiên tiến nhiều năm, và chịu ảnh hưởng lớn của tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng.

GS.TS Pham Gia Khanh: Ca ghep gan
Học viện Quân y thực hiện thành công ca ghép ruột đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Lê Đình Tùng.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10 người chết não hiến tạng. Với người cho sống chỉ thực hiện được với ghép thận và gan. Trong khi đó, số người được chờ ghép tạng rất nhiều.

Việc vận động hiến tạng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Bởi quan niệm “chết toàn thây” đã ăn sâu trong suy nghĩ, tín ngưỡng của người dân.

Để khắc phục việc khan hiếm tạng, một trong những giải pháp quan trọng là chúng ta cần khai thác triệt để các nguồn hiến tạng. Nên mở rộng chỉ định lấy tạng từ người cho chết tim ngừng đập chứ không chỉ từ người cho chết não và người cho sống.

Đối với người cho chết não cố gắng lấy triệt để các tạng để ghép. “Nếu làm tốt điều này, một người chết não hiến tạng có thể cứu sống 8 bệnh nhân ”, GS.TS Phạm Gia Khánh cho biết..

BS. Khánh cho biết, trong những năm gần đây, vấn đề buôn bán tạng được tranh luận rất nhiều. Nhiều tổ chức và cá nhân đã ủng hộ hợp pháp hóa việc buôn bán tạng.

Ở Việt Nam, phần lớn các trường hợp hiến tạng từ người cho sống và người cho chết não đều mang tính thương mại với các hình thức khác nhau trừ trường hợp có quan hệ huyết thuống.

Nguồn cầu rất lớn, nguồn cung không đủ, trong khi bán tạng bị cấm dưới mọi hình thức dẫn đến việc hình thành các “chợ đen”, có thể dẫn tới mất an toàn sức khỏe.

Để giải quyết được vấn đề “chợ đen” và sự khan hiếm tạng, cần hiểu, đáp ứng nhu cầu bồi thường vật chất và tinh thần của người hiến tạng. Cụ thể, nên có chế độ hỗ trợ tài chính cho họ.

Tuy nhiên, cần tránh bồi thường trực tiếp giữa người nhận và người cho hoặc qua người trung gian để tránh việc này bị thương mại hóa. Thay vào đó, sẽ do một cơ quan của Nhà nước như bảo hiểm y tế hoặc Trung tâm điều phối Quốc gia ghép bộ phận cơ thể người thực hiện.

Ngoài ra, cũng cần phải làm tốt công tác truyền thông, đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ. “Việc này cần làm lâu dài, không phải một vài năm mà là vài thế hệ”, GS Khánh nói.

GS.BS Phạm Gia Khánh hiện là Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam. Từ khi nghỉ hưu (2008), ông tiếp tục tham gia các công việc: Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước và chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành y (từ 2009-2018), Chủ nhiệm chương trình KHCN trọng điểm cấp quốc gia về Y-dược học (2008 đến nay), Trưởng ban biên soạn Bách khoa toàn thư VN chuyên ngành Y-dược (2017 đến nay). Ở cương vị công tác nào, ông cũng đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
GS Phạm Gia Khánh đã đạt nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ chí Minh về KH&CN năm 2006. GS Phạm Gia Khánh là 1 trong 106 trí thức được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vinh danh vào hôm nay (21/5).

* Bài viết nằm trong tuyến bài tuyên truyền về Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022 (diễn ra ngày 21/05/2022) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

 

 

Mời quý độc giả xem video: Xem video "GS TS Trần Quang Hải trình diễn kỹ thuật đồng song thanh". Nguồn Vietnamnet. 


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)