Thời gian vừa qua, nhiều bộ, ngành, tỉnh thành triển khai nhiều ứng dụng phòng chống dịch COVID-19 hay khai báo y tế khác nhau khiến người dùng rối bời, lúng túng, gặp không ít khó khăn trong việc nhận diện, thậm chí phải khai báo nhiều lần...
Loạn app phòng, chống dịch COVID-19
Hiện Việt Nam đang sử nhiều app phòng, chống dịch COVID-19 khác nhau của các bộ như: Bluezone, NCOVI, Vietnam Health, Sổ sức khoẻ điện tử, Quản lý cách ly... Một số địa phương trên cả nước cũng có app riêng như: HCDC App, Y tế HCM, mới nhất là VNEID (do TP.HCM và Bộ Công an phối hợp xây dựng)...
Trong số này, ngày 8/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã triển khai xây dựng ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID. Theo đó, VNEID được dùng để phục vụ công dân rút ngắn thời gian khai báo y tế trong quá trình tham gia giao thông. Ứng dụng VNEID có khả năng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tính chính xác của thông tin công dân, phục vụ công tác truy vết F0, F1, F2 phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, có khả năng mở rộng triển khai ở các địa điểm khác khi có yêu cầu như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thuốc...
Trong số các ứng dụng nói trên, có 3 nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 bắt buộc dùng chung trên toàn quốc là: Nền tảng khai báo y tế và quản lý ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR Code; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm và Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.
Thêm nữa, một số trang web được đưa vào sử dụng cho công tác phòng, chống dịch cũng như truy vết như tokhaiyte.vn; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn...
Do có nhiều ứng dụng và nền tảng phòng, chống dịch COVID-19 nên không ít người dân tỏ ra lúng túng không biết cần sử dụng những ứng dụng nào. Việc "loạn ứng dụng" khiến nhiều người đặt ra câu hỏi làm thế nào để người dân thuận tiện theo dõi và khai báo tình hình sức khỏe nhất trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp.
|
Ảnh: suckhoedoisong. |
Thống nhất một mã QR dùng chung cho các ứng dụng
Liên quan đến sự việc này, vào ngày 11/9, thực hiện Nghị quyết 78 ngày 20/7/2021 của Chính phủ, Bộ TT&TT và Bộ Y tế đã thống nhất triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm bằng mã QR. Trong đó, mỗi người dân được cấp một mã QR cá nhân thống nhất trên tất cả các ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ TT&TT cũng ra quyết định ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 (Phiên bản 1.1).
Tài liệu của Bộ TT&TT quy định về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân, hướng dẫn về việc cấp và sử dụng mã QR cá nhân trong các nền tảng, ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Theo hướng dẫn, mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 được cấp một mã QR cá nhân. Mã QR cá nhân có thể được sử dụng để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đọc và truy vấn dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch, bệnh COVID-19.
Các nền tảng, ứng dụng khi triển khai phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 cần đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong tài liệu hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 (Phiên bản 1.1).
Các nền tảng phục vụ việc cung cấp, quản lý mã QR cá nhân cũng cần tuân thủ Quy chế 733 ngày 13/5/2020 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 về quản lý dữ liệu y tế của người khai báo y tế từ các phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, người dân khi ra đường, đến công sở, nơi làm việc, các điểm công cộng, nơi tập trung đông người... cần quét mã QR. Các công sở, doanh nghiệp, cửa hàng, các nơi cung cấp dịch vụ... khi mở cửa phải đảm bảo việc giám sát người ra vào bằng mã QR.
Việc Bộ TT&TT có hướng dẫn để hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng sẽ tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đánh giá của giới chuyên gia công nghệ, thời gian tới, khi các tỉnh, thành nới lỏng giãn cách và một số hoạt động nhất định được hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, giải pháp quét mã QR được xem là mang tính cốt lõi để trạng thái bình thường mới được duy trì ổn định và an toàn.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 cũng nhận định: "“Nền tảng quản lý và cấp mã QR cá nhân thống nhất cho người dùng trên các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 hiện đã sẵn sàng. Sẽ cần khoảng 1 tuần cho các ứng dụng kết nối, đồng bộ dữ liệu”.
Thời gian tới, Bộ TT&TT và Bộ Y tế sẽ đánh giá đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đối với các nền tảng, ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trước khi triển khai. Những ứng dụng, nền tảng đáp ứng yêu cầu được công bố tại website https://covid19.tech.gov.vn. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia chính là đầu mối tổ chức việc tiếp nhận và đánh giá.
Mời độc giả xem video: Sở Y tế TP.HCM đề xuất giãn cách xã hội gắn liền “Thẻ xanh Covid-19”. Nguồn: THDT.