Người dân Kaganda, một ngôi làng nhỏ cách thủ đô Nairobi của Kenya 80 km về phía bắc, từ lâu đã kêu gọi chính quyền địa phương xây đường để rút ngắn thời gian di chuyển hàng ngày của họ từ nơi sinh sống tới một khu chợ mua sắm gần đó. Dù chính quyền đã khoanh vùng khu vực bụi rậm để chuẩn bị xây đường nhưng dự án bị trì hoãn. Sau khi lối đi tắt mà người dân làng Kaganda thường đi qua để tới chợ bị rào lại vì nó cắt ngang khu đất của một người địa phương nên họ không còn lựa chọn nào khác ngoài đi bộ 4 km mỗi ngày.
|
Nicholas Manyami một mình đào con đường đất trong làng. |
Trước hoàn cảnh này, anh Nicholas Manyami, 45 tuổi, đã tình nguyện tự tay đào đoạn đường dài 2 km chỉ bằng nông cụ thô sơ. Anh đã làm việc không mệt mỏi từ 7h sáng tới 5h chiều trong suốt 6 ngày liên tiếp.
Manyami đã dọn sạch 1,5 km khu vực bụi rậm để tạo một con đường đất rộng cỡ đủ một ô tô đi qua. Dù còn nửa km đường chưa hoàn thành, nỗ lực của người đàn ông này đã được dân địa phương và báo chí biết đến và khen ngợi.
“Tôi đã kêu gọi lãnh đạo địa phương xây con đường nhưng tất cả đều vô ích”, anh nói. “Sau đó tôi quyết định dùng nông cụ của mình để đào đường vì thuận tiện cho việc đi lại của phụ nữ và trẻ em cũng như tiết kiệm thời gian”.
Manyami đã ngưng đào đường và trở lại công việc hàng ngày của mình nhưng dự định sẽ dọn dẹp hết phần còn lại và sau đó san phẳng con đường. Dù chưa hoàn thiện, con đường mới do người đàn ông này đào đã có thể phục vụ các em học sinh của trường tiểu học và trung học địa phương.
“Chúng tôi nợ anh ấy nhiều“, Josephine Wairimu, 68 tuổi, nói về Manyami. “Tôi sẽ kêu gọi người dân địa phương hỗ trợ anh ấy thức ăn khi anh làm nốt phần đường còn lại. Tôi cũng rất vui vì giờ đây có thể tiếp tục đi đến nhà thờ, điều trước đây phải tạm ngưng do đường sá gồ ghề trong khi cơ thể tôi không tốt”.
Tuy nhiên, một điều lạ lùng khác là khi Manyami khai phá bụi rậm và đào đường suốt 6 ngày, chẳng ai ở ngôi làng Kaganda đề nghị giúp đỡ anh một tay, bởi họ không muốn làm việc không công.
Chia sẻ với BBC, Manyami nói nhiều người hỏi anh liệu có ai trả tiền để anh làm việc này không.
Câu chuyện của Nicholas Manyami sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội lập tức “gây sốt”. Họ ví anh là “người hùng” đồng thời lên án chính quyền địa phương vì đã không làm tốt việc lẽ ra là nhiệm vụ của họ.