Chuyện về kỹ sư SpaceX chui vào tên lửa sắp nổ để cứu công ty

Google News

Trước khi có được thành công như hiện tại, SpaceX đã nhiều lần đứng trên bờ vực phá sản.

Năm 2008, SpaceX đã ở gần tình trạng phá sản hơn bao giờ hết. Họ chưa thể phóng thành công một tên lửa nào kể từ khi thành lập công ty, và nguồn vốn của Elon Musk cũng sắp cạn khi phải đầu tư cho cả SpaceX và Tesla trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.

Lần phóng cuối cùng

Tiền của SpaceX lúc này chỉ còn đủ để phóng thử nghiệm tên lửa lần cuối cùng. Musk cho nhóm kỹ sư của mình thời hạn 6 tuần để thực hiện việc này. Thành bại của cả công ty cuối cùng lại phụ thuộc vào một kỹ sư duy nhất, người đã "cứu" tên lửa Falcon 1 của Elon Musk. Câu chuyện này được tiết lộ trong cuốn sách Liftoff của tác giả Eric Berge.

Chuyen ve ky su SpaceX chui vao ten lua sap no de cuu cong ty

Kỹ sư Zach Dunn chụp ảnh bên cạnh động cơ của tên lửa Falcon 1. Ảnh: SpaceX.

Vụ phóng thử nghiệm quyết định của SpaceX sử dụng tên lửa Falcon 1. Điểm phóng của SpaceX nằm ở hòn đảo tại Hawaii, và cả nhóm kỹ sư sẽ phải bay cùng máy bay chở tên lửa từ sân bay Los Angeles, California.

Chuyến bay diễn ra rất suôn sẻ cho tới khi nhóm tới gần hòn đảo. Khi máy bay bắt đầu giảm độ cao, các kỹ sư SpaceX bắt đầu nghe thấy những tiếng động lạ từ khoang hành lý, ở dọc thân tên lửa Falcon 1. Lúc này họ mới nhận ra rằng bình chứa nhiên liệu là oxy hóa lỏng của tên lửa đã không có đủ khe thoát khí để có thể cân bằng áp suất. Khi máy bay hạ cánh, áp suất xung quanh bình chứa đang tăng lên nhanh chóng.

Nếu áp suất xung quanh lên quá cao so với áp suất bên trong bình nhiên liệu, một vụ nổ có thể xảy ra.

"Ý nghĩ đầu tiên của tôi là tên lửa sẽ nổ, và tất cả chúng tôi đang ngồi quanh nó sẽ chết hết. Do đó tôi nhảy lên và nói với mọi người phải đi ra phía trước tên lửa", Anne Chinnery, người đứng đầu nhiệm vụ phóng tên lửa kể lại.

Đây là lúc mà Zach Dunn, kỹ sư thực tập tại SpaceX từ năm 2006 và lúc đó đang làm trong bộ phận tên lửa đẩy quyết định phải cứu Falcon 1.

Giải cứu tên lửa Falcon 1

Nhóm kỹ sư nhờ phi công cho máy bay lên cao để giảm áp suất. Tuy nhiên, nhiên liệu trong máy bay cũng chỉ đủ để nó bay thêm 1 vòng ở trên đảo trước khi bắt buộc phải hạ cánh. Đội ngũ SpaceX có 10 phút để giải cứu tên lửa Falcon 1.

Họ quyết định mở lớp vỏ của Falcon 1. Zack Dunn nhờ kỹ sư Mike Sheehan giữ chân anh và sẵn sàng kéo ra nếu tên lửa có dấu hiệu nổ. Dunn tiến vào phần liên tầng của tên lửa, là nơi ghép nối giữa tầng hệ thống đẩy và các thành phần bay vào không gian.

Chuyen ve ky su SpaceX chui vao ten lua sap no de cuu cong ty-Hinh-2

Sau khi được "giải cứu" ở lần phóng tưởng như cuối cùng, tên lửa Falcon 1 đã có thêm nhiều lần phóng thành công khác. Ảnh: SpaceX.

Trong phần bụng tên lửa Falcon 1 tối om, Dunn bò đến gần bình oxy lỏng, tìm van điều tiết áp suất của nó, và dùng dụng cụ mang theo để vặn van. Đến khi nghe tiếng xì báo hiệu khí đang vào được bình, Dunn mới ra hiệu cho Sheehan kéo ra.

Sheehan, vẫn nhớ rằng đây là một tín hiệu khẩn cấp, kéo Dunn ra nhanh nhất có thể. Dunn bị thương khi ra khỏi tên lửa quá nhanh, nhưng Falcon 1 thì đã được cứu. Bình nhiên liệu không còn nguy cơ phát nổ nữa.

Tuy đã được cứu, Falcon 1 vẫn bị hư hại và không thể phóng ngay được. Nhóm kỹ sư chỉ còn một tuần để khắc phục. Họ nhanh chóng tháo rời tên lửa, thay thế và sửa những phần hỏng, rồi lắp ráp nó lại.

Một tuần sau, tên lửa Falcon 1 phóng qua bầu trời đảo Omelek, và lần đầu tiên đi vào quỹ đạo.

"Lúc đó chúng tôi thực sự vui mừng, nhảy lung tung, ôm lấy nhau và hét", Zach Dunn kể lại.

Chuyen ve ky su SpaceX chui vao ten lua sap no de cuu cong ty-Hinh-3

CEO SpaceX Elon Musk ngồi xem quá trình phóng tên lửa Falcon 1. Ảnh: SpaceX.

Sau khi chứng tỏ được rằng tên lửa của mình có thể bay lên từ mặt đất và đi vào quỹ đạo, SpaceX đã thuyết phục được những khách hàng đầu tiên. Đây là bệ phóng cho thành công của công ty sau này, với nhiều khách hàng lớn như NASA.

Zach Dunn gắn bó với SpaceX thêm một thập kỷ, trở thành Phó chủ tịch phụ trách sản xuất và phóng tên lửa. Năm 2020, ông rời công ty này để gia nhập Relativity Space, một start up sản xuất tên lửa bằng in 3D.

Theo Hà My/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)