Năm 1978, lực lượng không quân Trung Quốc đóng ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc xây dựng một công trình nhà máy sửa chữa ra-đa quốc phòng. Dự án được thực hiện trên một khu đất lớn vùng núi huyện Tùy. Vì khu vực này có nhiều đá, để lấy đất làm công trình, các binh sĩ đã dùng thuốc nổ để giải phóng, san phẳng mặt bằng.
Sau khi mìn nổ, mọi người đều ngạc nhiên vì dưới chiếc hố lớn vừa hình thành có một con đường kỳ lạ. Dưới đó là cả một lăng mộ cổ khổng lồ. Ngay lập tức, các chuyên gia khảo cổ đã được điều động đến.
Khi các nhà nghiên cứu khảo cổ thuộc Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc đến khảo sát, họ nhận định vụ nổ mìn đã ảnh hưởng tương đối đến toàn bộ lăng mộ cổ. Đây được coi là một trong những sự kiện khảo cổ lớn nhất Trung Quốc trong cả thế kỷ. Các máy bay trực thăng quân sự được huy động đến hiện trường để chụp ảnh toàn cảnh lăng mộ. Báo chí và đài truyền hình cũng cất công leo núi lên hiện trường để đưa tin về tiến độ khai quật.
Khi tìm xuống được cửa mộ, các chuyên gia lại gặp thử thách tiếp theo vì cánh cửa là một khối đá vô cùng kiên cố, được dựng để ngăn cản những kẻ trộm mộ. Sau nhiều lần thử phá cửa thất bại, lực lượng quân đội đã được huy động đến giúp sức mới có thể khai phá mộ cổ thành công.
Trong giây phút cánh cửa lăng mộ được mở ra, tất cả mọi người có mặt đều sốc nặng, thót tim trước những gì mình thấy: Những chiếc quan tài bên trong đang chuyển động và trôi dạt vào phía họ.
Sau khi bình tĩnh lại và vào kiểm tra, quan sát, các chuyên gia xác định được rằng những chiếc quan tài bên trong có thể chuyển động vì chúng nổi trên mặt nước, tạo ra khung cảnh một "thủy mộ" có một không hai. Khi cửa hang được mở ra, dòng nước cũng thoát ra, nên điều đầu tiên mọi người nhìn thấy chính là những chiếc quan tài động đậy, di chuyển.
Tuy nhiên, việc quan tài nổi trên nước không phải do thiết kế ban đầu của lăng mộ mà nhiều khả năng ở nơi đây từng trải qua một trận động đất hoặc lũ lụt. Thiên tai này đã khiến mạch nước ngầm bị vỡ tung, làm các quan tài, cổ vật bị chìm sâu dưới nước.
Sau khi các máy bơm được huy động làm việc hết công suất để tháo nước và hút bùn ra khỏi vùng trũng, các chuyên gia mới thấy được toàn cảnh lăng mộ cổ. Ước tính lăng mộ này có tổng diện tích lên tới 220m2 và sâu 13 mét. Lăng được chia thành bốn gian hình chữ nhật. Chỉ tính riêng các gian đặt quan tài đã rộng 190m2 nên nó được xếp vào hạng một trong những mộ cổ lớn nhất từng được khai quật.
Đội nghiên cứu sau đó đã trục vớt được tổng cộng 20 quan tài từ đống nước và bùn lầy. Nhưng khác với dự đoán ban đầu, toàn bộ các hài cốt bên trong đều thuộc về các cô gái trẻ. Dựa trên trang phục họ mặc cùng các loại nhạc cụ được chôn cùng, đội khảo cổ suy luận đây có thể là các vũ công được tuẫn táng chôn cùng để múa hát cho chủ nhân ngôi mộ này ở thế giới bên kia.
Với độ bề thế của lăng mộ và số người tuẫn táng lớn như vậy, chủ nhân của lăng mộ này chắc chắn phải có địa vị không hề tầm thường. Chiếc quan tài thứ 21, cũng là quan tài của chủ nhân được tìm thấy sau cùng vì nó nằm ở khuất sâu bên trong. Áo quan có kích cỡ cũng khổng lồ: dài 3,2m, rộng 2,1m, cao 2,19m và nặng 3,29 tấn. Toàn bộ bên ngoài nó được bao bọc bằng đồng, chạm khắc hoa văn nổi vô cùng tinh xảo. Thậm chí trên quan tài còn có một thiết kế lỗ hổng như "cánh cửa". Nhiều chuyên gia suy đoán đó có thể là thiết kế để linh hồn được tự do đi lại, theo niềm tin của người xưa.
Thi hài bên trong quan tài là một người đàn ông cao khoảng 1m63. Qua nghiên cứu bia mộ và các cổ vật, danh tính chủ mộ đã được xác định chính xác, đó là Tăng Hầu Ất (475 TCN - 433 TCN). Ông là vua nước Tăng - một nước chư hầu thời kỳ Chiến Quốc.
Việc khai quật lăng mộ của Tăng Hầu Ất đã đem lại cho giới khảo cổ học Trung Quốc vô cùng nhiều đóng góp quý giá. Bên trong lăng mộ tổng cộng có tới hơn 15.000 cổ vật bao gồm nhạc cụ, đồ gỗ sơn mài, vàng ngọc, vũ khí, xe ngựa, tre, nứa. Rất nhiều cổ vật trong đó mang giá trị vật chất lẫn lịch sử khổng lồ.
Trong đó, đáng chú ý nhất là một bộ chuông đồng 65 chiếc có tổng trọng lượng 2.567 kg. Đây được xem là bộ chuông lớn và hoàn chỉnh nhất từng được khai quật tại Trung Quốc. Đến tận bây giờ, sau vài ngàn năm, nó vẫn có thể tạo được âm thanh tinh khiết. Bộ chuông được coi là đỉnh cao nhạc cụ đồng thời Chiến Quốc và được xếp hạng là "báu vật quốc gia".