Chớ dại bắt máy đầu số lừa đảo này, coi chừng... “tiền mất tật mang”

Google News

Thời gian gần đây, các cuộc gọi lừa đảo từ những đầu số điện thoại đáng ngờ đang gia tăng, khiến không ít người rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 7 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 394.000 thuê bao bị chặn do nghi ngờ thực hiện các cuộc gọi rác hoặc lừa đảo.
Vạch trần chiêu thức lừa đảo tinh vi
Các đầu số điện thoại quốc tế như +224, +232, +252, +231 thường được sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Trong nước, các đầu số +1900, +024, +028 cũng nằm trong danh sách cảnh báo. Các số cụ thể như 19003439, 02439446395, 02899964439 đã nhiều lần xuất hiện trong các vụ lừa đảo được ghi nhận.
Đặc biệt, các cuộc gọi giả danh cơ quan nhà nước, công ty tài chính, hoặc thông báo nhận thưởng thường sử dụng các đầu số lừa đảo này để gây hoang mang và chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Cho dai bat may dau so lua dao nay, coi chung... “tien mat tat mang”
Người dân nên cảnh giác các cuộc gọi có đầu số lạ. Ảnh minh họa
Anh L (SN 2006; trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được cuộc gọi với số điện thoại lạ của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an thông báo anh có liên quan đến vụ án hình sự. Đối tượng yêu cầu anh chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra. Do không nắm được thủ đoạn giả danh Công an để lừa đảo, anh L đã chuyển 300 triệu đồng cho đối tượng. Sau đó, phát hiện mình bị lừa nên anh đã đến cơ quan Công an trình báo.
Trong một trường hợp khác, ca sĩ Lương Gia Huy cho biết đã mất gần nửa tỉ đồng liên quan đến mã OTP. Cụ thể, anh nhận được cuộc gọi của người tự xưng là nhân viên ngân hàng, phổ biến về thủ tục nâng hạn mức thẻ tín dụng.
Cho dai bat may dau so lua dao nay, coi chung... “tien mat tat mang”-Hinh-2
Ca sĩ Lương Gia Huy đã chia sẻ câu chuyện mất tiền của mình để làm bài học kinh nghiệm cho người khác. (Ảnh: Lao động)
  "Tôi đưa điện thoại cho người trợ lý xử lý giúp. Vì người trợ lý mất cảnh giác nên làm theo các yêu cầu của bọn lừa đảo để hoàn tất thủ tục như chụp ảnh căn cước công dân, thẻ visa… Sau đó, người trợ lý tiếp tục tin tưởng lời dặn là "tiền trừ xong sẽ được hoàn trả lại" nên cung cấp mã OTP cho "nhân viên ngân hàng tự xưng". Dù rằng trong tin nhắn của ngân hàng có cảnh báo quý khách không gửi mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Và sau nhiều lần tiền bị chuyển đi, tôi mới tá hỏa, lập tức khóa thẻ. Tôi mất tổng cộng 450 triệu đồng", ca sĩ Lương Gia Huy cho biết.
Tỉnh táo xác nhận, tránh "mất tiền oan" 
Trước vấn nạn này, Cục cảnh sát giao thông (CSGT) cảnh báo người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, đặc biệt khi người gọi tự nhận là nhân viên của các cơ quan Nhà nước. Theo CSGT, không có cơ quan chức năng nào yêu cầu người dân nộp phạt hay xử lý vi phạm qua cuộc gọi điện thoại. Các trường hợp nghi ngờ nên được báo ngay đến các trụ sở CSGT địa phương.
Công an TP. Hà Nội khuyến nghị người dân cẩn trọng với các cuộc gọi thông báo "phạt nguội", "nợ tiền", hoặc "đăng ký tài khoản định danh". Những cuộc gọi này thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý lo sợ của nạn nhân để trục lợi. Đại diện Công an TP. Hà Nội nhấn mạnh rằng mọi thông báo chính thức đều được gửi qua văn bản hoặc các kênh chính thức.
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An nhấn mạnh rằng các hành vi lừa đảo qua điện thoại ngày càng tinh vi, bao gồm cả việc giả mạo đầu số đáng tin cậy. Đại diện Cục cho biết: "Người dân cần xác minh thông tin thông qua các kênh chính thống trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào." Cục cũng khuyến nghị tăng cường sử dụng các phần mềm bảo mật và thường xuyên kiểm tra tài khoản ngân hàng để phát hiện sớm các giao dịch bất thường.
Hiệp hội an ninh mạng quốc gia khuyến khích sử dụng các phần mềm bảo mật như nTrust để phát hiện mã độc và ngăn chặn các nguy cơ lừa đảo. Ngoài ra, cần tuyệt đối không nhấp vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn hoặc email. Hiệp hội cũng cho biết họ đang phối hợp với các cơ quan chức năng để nâng cao nhận thức cộng đồng về các mối đe dọa an ninh mạng.
Cho dai bat may dau so lua dao nay, coi chung... “tien mat tat mang”-Hinh-3
Người dân có thể tải miễn phí phần mềm nTrust về điện thoại. (Ảnh: Báo Công an Nhân Dân). 
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban công nghệ Hiệp hội an ninh mạng quốc gia nhận định: "Tội phạm công nghệ cao đang khai thác các lỗ hổng trong nhận thức của người dân và doanh nghiệp. Chúng ta cần tăng cường giáo dục cộng đồng và áp dụng các công cụ phát hiện lừa đảo tiên tiến hơn." Ông cũng khuyến cáo việc nâng cao năng lực pháp lý và phối hợp quốc tế để đối phó với các tổ chức tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Thời gian qua, Bộ Thông Tin Và Truyền Thông (TT&TT) đã triển khai dịch vụ định danh cuộc gọi (Voice Brandname) cho 732 số điện thoại thuộc cơ quan nhà nước. Khi nhận cuộc gọi từ những số đã được định danh, người dân sẽ thấy tên cơ quan hiển thị trực tiếp, giúp giảm nguy cơ bị lừa đảo. Bộ cũng cảnh báo, nếu nhận cuộc gọi từ các đầu số như +03, +05, +07, +08, +09 nhưng không hiển thị tên định danh, người dân nên thận trọng và không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi này.
Cho dai bat may dau so lua dao nay, coi chung... “tien mat tat mang”-Hinh-4
Cuộc gọi Voice Brandname sẽ hiển thị tên thương hiệu hay nhãn hàng tại máy nhận cuộc gọi. Cuộc gọi đến máy khách hàng sẽ hiển thị tên nhãn hàng thay vì số điện thoại như thông thường, (Ảnh: Báo Công An Nhân Dân) 
Theo Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11), nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Do vậy, việc Công an triệu tập qua tin nhắn, qua việc gọi điện thoại hoặc thông qua người khác đều không có khả năng xảy ra.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối cảnh báo người dân cần lưu ý cơ quan Công an không xử lý các vụ việc bằng hình thức online, tất cả được giải quyết tại trụ sở. Vì vậy, nếu phát hiện ra trường hợp giả danh công an, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc chiếm đoạt tài sản. Do đó, khi người dân nhận được các cuộc gọi liên quan đến các nội dung về tài chính thì nên tỉnh táo xác nhận thêm.
Đối với các đối tượng sử dụng thủ đoạn trên để chiếm đoạt tài sản tùy từng tính tiết, mức độ hành vi có thể bị xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt cao nhất của tội danh này lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Cho dai bat may dau so lua dao nay, coi chung... “tien mat tat mang”-Hinh-5
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng 
Vấn nạn lừa đảo qua điện thoại đang đặt ra thách thức lớn cho cơ quan chức năng và người dân. Việc nâng cao nhận thức và cảnh giác là chìa khóa để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân. Đừng để sự thiếu cảnh giác biến bạn thành nạn nhân tiếp theo của những chiêu trò tinh vi này.
00:0000:0000:00
00:00

Mời quý độc giả xem video: Nhận diện các đầu số lừa đảo để tránh "mất trắng" tiền. Video do báo Tri thức & Cuộc sống thực hiện. 



Thiên Trang

>> xem thêm

Bình luận(0)