Kính viễn vọng không gian Hubble của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) là một trong những "thợ săn hành tinh" thiện chiến nhất trên bầu trời. Hubble đã chụp cận cảnh một trong những vật thể sáng nhất trong chòm sao Xử Nữ.
Hình ảnh vừa được công bố nhân dịp kỷ niệm 25 năm sứ mệnh Hubble.
|
Cận cảnh thiên hà Messeier 100 chứa lỗ đen "quái vật" - ảnh: NASA/ESA |
Vật thể này to lớn đến mức có thể nhìn thấy dưới dạng một mảng xanh sáng chỉ bằng các kính thiên văn cỡ nhỏ, dù cách chúng ta tới 50 triệu năm ánh sáng. Đó là một thiên hà mang tên Messier 100, nằm trong cụm sao Coma Berenices, mà nhìn từ phía trái đất cụm sao này chính là vật thể lấp lánh trong bàn tay nàng Xử Nữ.
Cho dù được phát hiện từ năm 1781 bởi nhà thiên văn học người Pháp Pierre Méchain, nhưng đây là lần đầu tiên con người có thể chiêm ngưỡng cận cảnh, bao gồm phần xoáy dữ dội của nó.
Bởi lẽ, theo kết quả phân tích, phần trung tâm cực sáng của Messier 100 là một lỗ đen "quái vật", có kích cỡ siêu lớn và đang ngấu nghiến vật chất xung quanh với tốc độ cực kỳ tham lam. Chính quá trình ăn uống nhanh chóng của lỗ đen này tỏa ra ánh sáng rực rỡ mà chúng ta quan sát được.
Bản thân Messier 100 là một thiên hà cực lớn, đường kính lên đến 107.000 năm ánh sáng. Trong khi đó, thiên hà Milky Way nơi trái đất của chúng ta tồn tại tuy là một thiên hà lớn nhưng chỉ có đường kính 52.850 năm ánh sáng.
Hình ảnh mới này, được chụp bằng Máy ảnh trường rộng Hubble 3 (WFC3). Kính viễn vọng này đã gặp một số trục trặc đến mức phải tạm dừng hoạt động trong thời gian gần đây nhưng mới đây, nó đã được NASA sửa chữa và tiếp tục nhiệm vụ "săn" các vật thể không gian.