Về loài rắn hai đầu: Thực tế không có loài rắn nào có hai đầu, nhưng có tên loài rắn hai đầu (còn gọi là rắn trùn, rắn hai đầu đỏ); tên này các tác giả ghi theo tên thường dùng từ người dân địa phương. Loài rắn này cũng chỉ một đầu có đủ 2 lỗ mũi, 2 mắt, miệng; đầu đối diện (là đuôi) tù, hình dạng và mầu sắc giống với đầu, nhưng thiếu miệng, mắt, mũi. Rắn hai đầu phân bố từ Quảng Bình đến Cà Mau.
Rắn thần: Không có loài rắn nào linh thiêng có thể phù hộ cứu giúp cho con người, cần được tôn thờ. Trước đây từng có những đền, chùa, miếu thờ cúng rắn. Nhưng thực tế là tại những nơi đó thường có một số rắn cư trú, sinh sản, lui tới; vì tín ngưỡng nên không ai săn bắt chúng. Một số người còn cho rằng trên đầu rắn thần có hoa văn hình chữ vương (chữ Trung Quốc), điều này chưa thấy trong thực tế.
|
Rắn hổ chúa - một trong các loài rắn quý hiếm ở Việt Nam. (Ảnh do PGS.TS. Lê Nguyên Ngật cung cấp) |
Rắn giun cực độc: Nước ta có 3 loài đều ở sống chui luồn trong khe kẽ nơi đất ẩm, xốp; đêm mới lên kiếm ăn, vì vậy tuy chúng phân bố ở nhiều tỉnh từ Bắc vào Nam, nhưng ít khi gặp. Một loài nhỏ như chiếc đũa, dài khoảng 15 cm, một loài dài tới 30 - 40cm; cả hai loài đều có mầu xanh đen hay xám chì hơi óng ánh, đuôi rất ngắn. Rắn giun không có tuyến độc, nên giả sử có cắn người cũng không gây nguy hiểm.
Rắn trả thù: Rắn có hệ thần kinh giác quan chưa phát triển, không thể nhận biết hoặc phân biệt được người, tìm vào nhà để trả thù. Tuy vậy nhiều loài rắn có tuyến tiết ở lưng hoặc huyệt, chất tiết từ rắn cái trong mùa sinh sản đã dẫn lối cho rắn đực cùng loài tìm đến kết đôi giao phối mà ngẫu nhiên vào nhà. Gần đây ở một số nơi đưa tin rắn hổ chúa vào nhà trả thù, đến mức người dân hoang mang, định đi sơ tán, đó là sự hiểu nhầm đáng tiếc.
"Người già người chết, rắn già rắn lột” (tục ngữ): Thực tế không phải chỉ rắn già mới lột xác. Rắn con mới nở ra, ngay tháng đầu tiên đã lột xác lần đầu. Trung bình mỗi tháng rắn lột xác một lần, rắn non lột nhiều hơn rắn trưởng thành, mùa hoạt động lột nhiều hơn mùa ngủ đông. Rắn khỏe xác lột ra nguyên vẹn, rắn yếu xác lột ra từng mảng, còn đính nham nhở trên thân.
Rắn hổ mây rất độc, thân to bằng cái phích và dài hơn chục mét: Gần đây trên mạng đưa tin có người nói đã nhìn thấy ở U Minh Hạ, An Giang (Núi Cấm) , Phú Quốc có rắn hổ mây độc, rất to lớn và hung dữ. Giống rắn hổ mây (Pareas) ở Việt Nam có 5 loài: Hổ mây gờ, hổ mây ham tôn, hổ mây đốm, hổ mây ngọc và hổ mây núi. Cả 5 loài đều không độc và dài dưới 1 mét. Trong Phân bộ Rắn (Serpentes) chỉ có họ Trăn (Pythonidae) lớn hơn cả. Trăn có thể dài hơn chục mét, nặng hơn 1 tạ và không độc; ngoài ra không có loài rắn độc nào có thân to bằng cái phích đựng nước và dài hơn chục mét. Có người nói đã nhìn thấy rắn như vậy có thể là nhầm với trăn, hoặc chỉ do hoang tưởng mà thôi. Rắn độc to nhất ở Việt Nam là rắn hổ chúa, trong tự nhiên dài khoảng 4 - 5 mét, nặng khoảng 7- 9 kg; còn trong điều kiện nuôi có thể đạt 13 - 15 kg. Không loại trừ khả năng người được phỏng vấn đã kết hợp cả hai loài trăn (có nơi gọi là con nưa) với hổ chúa và có thêm một phần hư cấu.
Lưỡi rắn truyền nọc độc: Nhiều người thấy rắn thè lưỡi ra thì sợ hãi, cho rằng lưỡi là bộ phận truyền nọc độc. Thực ra lưỡi rắn là cơ quan vị giác dùng để cảm nhận những chất bay hơi, thăng hoa trong không khí; lưỡi rắn còn là cơ quan xúc giác để nhận biết thức ăn quen thuộc. Khi miệng rắn ngậm vẫn còn một khe hở để rắn thè chiếc lưỡi xẻ đôi ra ngoài, vì vậy ta luôn thấy lưỡi rắn kể cả khi chúng nằm yên hay đang di chuyển.
Rắn có chân: Không có loài rắn nào có chân thực thụ. Tuy nhiên nguồn gốc sâu xa của rắn lại có chân, sau đó do đời sống chui luồn mà chân tiêu giảm dần cho đến mất hẳn ở hầu hết các loài rắn hiện nay. Bằng chứng là một số loài rắn như Trăn vẫn còn di tích của chân nằm ở hai bên huyệt. Có người ở Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh thấy những con vật giống như rắn nhưng lại có 4 chân nhỏ vừa chạy vừa bơi được, đó là giống Thằn lằn chân ngắn (Lygosoma). Có hai nhóm là Rắn thủy tinh và Thằn lằn rắn đều thuộc phân bộ Thằn lằn (Lacertilia), nhưng lại không có chân, nhiều người nhầm cho rắn. Tuy vậy chúng không được xếp vào phân bộ Rắn vì có mắt cử động (nhắm, mở được), miệng không thể mở rộng như rắn. Mắt của rắn có hai mí dính liền, trong suốt nên không bao giờ nhắm.
Rắn có màu xanh đều là rắn độc: Có thể do đồng nghĩa giữa xanh và lục, và nhiều loài rắn ở trên cây có màu xanh nên nhiều người hiểu nhầm rắn có màu xanh thuộc họ Rắn lục (độc) chăng? Ví dụ: Rắn roi, rắn vòi, rắn đai lớn, rắn sọc má, rắn sọc xanh, rắn rào xanh cơ thể đều có màu xanh nhưng không độc.
Cứ rắn hổ là độc: Chữ "hổ" dễ gây ấn tượng hung dữ, nguy hiểm; hơn nữa rắn hổ mang, hổ chúa đều là rắn độc, nên nhiều người khái quát cứ rắn hổ là độc. Thực ra các loài rắn sau đây không độc: Hổ chuột, hổ đất, hổ hành, hổ lai, hổ mây, hổ mực, hổ núi, hổ thiếc, hổ trâu, hổ xiên.
Rắn giao phối với mèo: Từ lâu có người nói nhìn thấy rắn giao phối với mèo. Rắn thuộc lớp Bò sát, còn mèo thuộc lớp Thú, hai lớp động vật này khác nhau xa về phân loại học. Có thể ai đó nhìn thấy rắn quấn quanh thân mèo, sau đó thấy rắn bỏ đi tưởng là chúng giao phối. Có thể rắn tưởng mèo là con mồi, nên chủ động tấn công theo thói quen, nhưng bị mèo phản ứng nên rắn đành bỏ đi.
Rắn quăng mình đuổi theo người: Hiện tượng rắn cuộn lại rồi bật mạnh văng đi xa khoảng 1 mét là có thật. Một số loài rắn, trong đó có rắn bồng chỉ dài khoảng 50- 60 cm, sống phổ biến ở nhiều nơi; khi gặp nguy hiểm hoặc bị đuổi gấp có phản ứng như vậy, nhưng không phải để tấn công mà để thoát thân. Gặp trường hợp như thế không nên hoảng hốt, vì nếu người vội vàng chạy tránh rắn chẳng may đạp phải rắn có thể bị rắn cắn theo phản xạ tự nhiên.