6 sự thật thú vị về động, thực vật khiến bạn phải bất ngờ

Google News

Thế giới tự nhiên luôn ẩn chứa vô vàn điều kì diệu. Những sự thật trong bài viết dưới đây về các loài động vật và thực vật có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên và trầm trồ.

1. Cây cối có thể giao tiếp với nhau
Chúng ta vẫn thường cho rằng cây cối không biết giao tiếp. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên Plos One đã chứng minh sự thật hoàn toàn ngược lại. Theo nghiên cứu này, thực vật sẽ dùng bộ rễ của mình để giao tiếp với nhau. Và trong một khu rừng có nhiều loại cây khác nhau, chúng sẽ tiết ra một loại hoá chất nhằm kích thích "láng giềng" của mình cùng phát triển.
Thú vị hơn cả, thực vật không chỉ giao tiếp với nhau mà chúng còn có thể nói chuyện với cả côn trùng và động vật. Cụ thể, những cây thuốc lào sẽ tỏa ra mùi như cỏ tươi mới cắt để thu hút động vật tới giúp chúng ăn các loại sâu bọ có hại. Hay loài cây có tên khoa học là Nepenthes hemsleyana có khả năng dùng cấu trúc lõm của mình để tạo hiệu ứng định vị bằng tiếng vang nhằm 'lôi kéo" những con dơi. Những con dơi bị thu hút bởi chúng sẽ tới quanh cây để kiếm ăn, sau đó thải ra chất thải và đây cũng là nguồn cung cấp dưỡng chất cho cây.
2. Bơ lạc có thể tạo thành kim cương
Trong quá trình nghiên cứu vật chất của trái đất, một nhóm nghiên cứu người Đức vô tình phát hiện ra cách chế tạo kim cương từ bơ lạc. Kim cương vốn là một loại đá quý hiếm và đắt đỏ. Kim cương được làm từ carbon. Và trên thực tế, bơ lạc là một loại thực phẩm vô cùng giàu carbon. Từ thông tin này, các nhà khoa học đã nảy ra ý tưởng có phần "điên rồ" này.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng bơ lạc và carbon dioxide (CO2) để làm thử nghiệm. Quả thực, bơ lạc dưới áp suất cơ học mạnh mẽ, cao hơn 1,3 triệu lần so với không khí xung quanh và sau đó đun bơ lạc tới mức cực nóng có thể tạo thành kim cương.
3. Bạch tuộc biết lên kế hoạch
Bạch tuộc có thể sử dụng dụng cụ tuy nhiên đó chưa phải là khả năng đáng chú ý nhất của chúng. Các nhà khoa học đã phát hiện rằng bạch tuộc còn có thể lập kế hoạch trước và thực hiện chúng. Vào năm 2016, cuộc đào tẩu của một chú bạch tuộc trong thủy cung tại New York đã khiến các nhà khoa học vô cùng bất ngờ. Con bạch tuộc này đã lợi dụng việc nhân viên quên không đóng nắp bể chứa, tự leo ra khỏi bể, đi qua một căn phòng tới miệng cống đang mở, rồi tự ép mình di chuyển trong một đường ống dài 50m để trở về với đại dương.
Các nhà khoa học đã lý giải rằng, trí thông minh của bạch tuộc có liên quan đến sự bùng nổ đột ngột của microRNA (miRNA) — những phân tử nhỏ, không mã hóa kiểm soát cách biểu hiện gien. Số lượng của những phân tử này tăng đột biến sẽ khiến cho não của bạch phát triển các loại tế bào thần kinh hoặc tế bào thần kinh mới, được liên kết với nhau thành mạng lưới thần kinh phức tạp hơn.
4. Bò thường nói về cảm xúc của chúng với nhau
Một nghiên cứu của Đại học Sydney (Australia) được đăng tải trên tạp chí Báo cáo Khoa học đã chứng minh rằng những con bò có thể "nói" với nhau bằng tiếng kêu. Các nhà khoa học đã phân tích "giọng nói"của 333 con bò và đưa kết luận như vậy.
Alexandra Green, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: "Mỗi con có giọng nói riêng biệt. Chúng thay đổi cao độ tùy theo cảm xúc của mình." Theo đó, khi những con bò "nói" về những thứ vui vẻ như thức ăn, âm thanh của chúng nghe sâu và vang hơn. Chúng sẽ hạ thấp giọng khi kêu ca về thời tiết. Phân tích cho thấy những con bò cảm thấy vui vẻ khi trời nóng và vào thời điểm sắp được cho ăn. Những con bò sẽ tỏ ra khó chịu khi bị nhịn đói hoặc bị cách ly với đàn.
5. Chuối thực chất là quả mọng
Bạn nghĩ sao nếu có người nào đó nói rằng chuối thực sự là quả mọng? Nghe có vẻ đáng ngạc nhiên nhưng về mặt thực vật học, chuối được coi là quả mọng. Các nhà thực vật học đã định nghĩa trái cây là một bộ phận của thực vật có hoa phát triển từ bầu nhụy. Quả là cơ quan sinh sản của cây, có chức năng chính là phân phối hạt giống đến những khu vực mới mà cây có thể phát triển. Trái cây được chia thành 2 loại chính: Quả thịt và quả khô. Trong đó, quả thịt được chia thành quả đơn, quả tụ và quả phức. Quả mọng là loại quả đơn.
Về mặt sinh học, quả mọng là một loại quả thịt được sản xuất từ một bầu nhụy duy nhất, có vị ngọt, bùi, bên trong có hạt. Các hạt mềm và có thể có một hoặc nhiều hạt. Quả chuối phát triển từ một bông hoa chứa một bầu noãn đơn lẻ, có vỏ mềm, lớp thịt ở giữa và nó cũng có nhiều hạt. Chuối đáp ứng được những yêu cầu nên nó được xem là quả mọng.
6. Cá vàng có thể nghe âm nhạc cổ điển
Theo giáo sư Shigeru Watanabe thuộc khoa Tâm lý học trường ĐH Keio ở Tokyo, Nhật Bản cho biết, cá vàng có trí nhớ tốt và có thể phân biệt được các tác phẩm âm nhạc cổ điển. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã hướng dẫn một nhóm cá sẽ đớp viên thức ăn khi nghe tác phẩm của nhạc sĩ Johann Sebastian Bach. Với nhóm thứ hai, họ cũng thực hiện tương tự nhưng với các tác phẩm của nhạc sĩ Igor Stravinsky. Và khi đổi ngược các bản nhạc, cả hai nhóm cá đều không đớp thức ăn nữa. Điều này đã cho thấy nhận thức rõ rệt của chúng giữa tác phẩm của hai nhạc sĩ khác nhau.
Qua các thí nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy, cá vàng đã phát triển những tính năng cụ thể giúp kích thích bộ phận thính cảm nhận những tín hiệu âm thanh ở tai trong của chúng. Cá vàng cũng có điểm tương tự với con người đó là chúng cũng có những sở thích cá nhân, thích nghe nhạc của tác giả này và tránh đi khi tác phẩm của người khác cất lên.
Theo Báo Tổ Quốc

>> xem thêm

Bình luận(0)