Khi không khí mùa Xuân tràn về, Đại nội Huế lại rộn ràng với cảnh du khách nườm nượp đến tham quan. Nhiều người tỏ ra lạc lẫm, tò mò khi một đoàn người trong trang phục quan binh vác một cây tre dài và bày biện mâm cổ. Đó là chương trình tái hiện lễ thướng tiêu (dựng cây nêu ngày Tết) vào ngày 23 tháng chạp hàng năm diễn ra tại Thế Miếu, Đại nội Huế. Đây là nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn.
Chuẩn bị chu toàn
Theo các nhà nghiên cứu, thời triều Nguyễn lễ thướng tiêu diễn ra đúng vào ngày 30 Tết. Lúc đó, nhà vua đích thân ngự ra điện Thái Hòa làm lễ. Cây nêu là cây tre, còn nguyên một chùm lá ở phần ngọn. Nhà vua chỉ huy việc dựng nêu ở điện Thái Hòa, còn việc dựng nêu ở các miếu điện, đền thờ tại kinh đô do thân công, hoàng tử, đại thần đảm trách. Sau khi nhà vua làm lễ dựng nêu xong thì người dân mới được dựng nêu tại nhà mình.
|
Quang cảnh Tết cổ truyền tại hoàng cung triều Nguyễn năm 1923 (ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) |
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, trong chốn cung đình triều Nguyễn thì các lễ hội có những đặc trưng riêng, các lễ tiết chính đều được quy định chặt chẽ, thành điển lệ và chiếm phần chính, phần hội đôi khi khá mờ nhạt. Và hiện nay một số lễ hội đã được nghiên cứu, phục dựng để phát huy giá trị.
Không những thướng tiêu, vào dịp Tết cổ truyền, thời nhà Nguyễn còn có rất nhiều nghi lễ được tổ chức nhưng nay đã dần mai một. Trong đó có lễ ban sóc (ban lịch năm mới) vào ngày mùng 1 tháng chạp diễn ra ở Khâm Thiên Giám.
Lễ Tiến xuân tổ chức vào tiết Lập xuân. Hàng năm, sau ngày Đông chí, gặp ngày Thìn, hai cơ quan là Khâm Thiên giám và Võ khố sẽ lấy nước và đất ở phương thần Tuế đất rồi nặn hình 3 con trâu cùng 3 vị thần chăn trâu với hình tượng đứa bé.
Mỗi con trâu đất thân cao 4 thước, dài 8 thước tượng trưng cho 4 mùa và 8 tiết, đuôi dài 1 thước 2 tấc để tượng trưng 12 tháng. Mang thần cao 3 thước, 6 tấc, 5 phân để tượng trưng 365 ngày; cái roi làm bằng cành liễu, dài 2 thước 4 tấc để tượng trưng 24 khí trong năm.
Trước tiết Lập xuân, phủ Thừa Thiên sẽ cho đặt đàn tế. Binh dịch được cử đến ty Võ khố nhận lĩnh các án để trâu đất và Mang thần khiêng về phủ thự chuẩn bị. Sáng sớm ngày Lập xuân, các quan đại thần mặc triều phục rước trâu đất và Mang thần với đủ nghi trượng, tàn, lọng cùng nhã nhạc, đi vào Hoàng Thành đứng đợi. Đến giờ, Nội giám tiếp nhận tiến lên nhà vua. Xong việc, các quan đều lui ra. Quan phủ Thừa Thiên về phủ thự đưa trâu đất ra đánh 3 roi để tỏ ý khuyên việc cày cấy, khuyến khích nông nghiệp. Hàng năm làm lễ Tiến xuân xong, cứ bưng trâu đất và Mang thần lần trước ra giao Võ khố nhận lưu trữ.
Vào hạ tuần tháng Chạp, triều đình tổ chức lễ phất thức, tức là lễ quét dọn. Vào ngày này, các quan hàm nhất nhị phẩm trở lên cùng các nhân viên của Nội các, Cơ Mật viện mặc thường triều đến chầu tại điện Cần Chánh. Tại đây có 6 chiếc tủ gỗ tinh xảo chứa các ấn vàng, ấn ngọc của vương triều. Khi nhà vua ra ngự giá, các tủ chứa ấn đều mở cửa. Các quan lấy nước sông Hương cho vào một bình đầy hoa thơm sau đó lau ấn bằng khăn màu đỏ. Ấn rửa xong được vào tủ và khóa lại, niêm ngoài hai chữ "Hoàng phong". Sau lễ này, vua và các quan nghỉ việc không dùng ấn nữa. Cho đến đầu năm mới, sau lễ "khai ấn", các công việc mới tiếp tục trở lại.
Nhà vua làm gì trong 3 ngày Tết?
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, sự phát triển của xã hội nhưng hiện nay người dân xứ Huế vẫn giữ được phong vị ngày Tết. Họ vẫn có mâm cơm tất niên, mâm cỗ đêm giao thừa để cầu bình an, đâu đó vẫn còn tiếng trống vang lên từ các nhà thờ dòng họ để báo hiệu thời khắc bước sang năm mới. Rồi sáng mùng một Tết, sau khi thắp nén hương cho ông bà trong bàn thờ ở nhà, họ lại quây quần ở các nhà thờ để bái tổ tiên, người ở xa quê cũng tìm về cội nguồn ngay ngày đầu năm mới.
Còn đối với triều Nguyễn, theo các nhà nghiên cứu thì từ sáng mồng Một Tết, mọi người mặc lễ phục tập trung ở điện Thái Hòa để tham dự lễ mừng Tết, nghe đọc biểu mừng nhà vua của bách quan và các địa phương. Tại đây, các thân công đứng hai hàng bên trong điện, quan văn và quan võ từ tam phẩm trở lên đứng hai hàng trên tầng sân rồng thứ nhất theo phẩm sơn. Còn ở tầng sân dưới thì dành cho các bô lão, ngoài nữa là binh lính, voi ngựa. Sau lễ mừng Tết, nhà vua thường ban yến tiệc. Suốt cả buổi lễ, nhã nhạc liên tục tấu lên các bài như Lý bình, Túc bình, Khánh bình, Di bình và Hòa bình.
Ngoài lễ mừng Tết vua còn có lễ mừng Tết thái hậu, hoàng thái phi, hoàng thái tử. Trong đó, do các vua Nguyễn đều đề cao chữ hiếu nên nghi lễ mừng Tết thái hậu được thực hiện rất trang trọng tại cung Diên Thọ.
Qua ngày mùng 2 Tết, nhà vua cùng thân công vào bái lạy tại điện Phụng Tiên - nơi thờ tất cả các vua Nguyễn qua các đời. Ngày mồng 3 thì vua và bách quan đều đi thăm thầy dạy, sư trưởng của mình; ngày mồng 5 đi du xuân, thăm viếng lăng tẩm, chùa đền bên ngoài kinh thành; ngày mồng 7 làm lễ khai hạ (hạ nêu), ngày này các viên quan giữ ấn tín làm lễ khai ấn, mở hòm ấn tượng trưng năm làm việc mới bắt đầu.