Là một trong những tỷ phú giàu có và quyền lực nhất thế giới với khối tài sản hàng chục tỷ USD, cuộc đời và sự nghiệp của "vua" phần mềm Ấn Độ Azim Premji đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ đam mê khởi nghiệp.
Bỏ học giữa chừng, tiếp quản việc kinh doanh gia đình
Sinh ở Bombay, Ấn Độ ngày 24/7/1945,
Azim Premji là con trai của Azim Premji - người thành lập công ty rau quả Tây Ấn. Vào năm 1966, khi đang theo học khoa CNTT tại ĐH Tổng hợp Stanford (California, Mỹ), ông Premji buộc phải bỏ học lúc chuẩn bị tốt nghiệp để trở về quê nhà tiếp quản công ty của gia đình. Nguyên do là vì cha ông đột ngột qua đời sau một cơn đột quỵ. Phải đến hơn 30 năm sau, ông mới tốt nghiệp bằng kỹ sư tin học qua một khoá học đào tạo từ xa.
Do vậy, năm 21 tuổi, ông Premji bắt đầu công việc kinh doanh của gia đình. Ông đã chèo lái công ty mặc dù không có nhiều kinh nghiệm. Sau một thời gian tiếp quản công ty, ông đưa ra quyết định táo bạo là đa dạng hoá sản phẩm.
Với quyết định này, từ chỗ chỉ chuyên sản xuất dầu thực vật, công ty chuyển sang gia công thuê cho các tập đoàn nước ngoài tất cả các loại sản phẩm mà Premji ký được hợp đồng như: xà phòng, thiết bị chiếu sáng, đồ dùng toilet, dầu gội đầu…
Đến năm 1977, ông đổi tên công ty thành Wipro Technologies. Vào năm 1979, nhân cơ hội chính phủ Ấn Độ ra sắc lệnh buộc tập đoàn khổng lồ IBM rời khỏi thị trường nước này, ông Premji đã chuyển hướng kinh doanh của công ty sang lĩnh vực công nghệ thông tin. Do vậy, ông đã thành lập ngay một bộ phận trong công ty chuyên về công nghệ thông tin (CNTT).
Đến những năm 1980, Wipro đã hợp tác với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm, CNTT nổi tiếng có tầm cỡ thế giới như Sony Ericsson, Microsoft, Boeing, Nokia, Cisco, NEC, Nortel...
Tinh thần không khuất phục thất bại
Với những quyết định táo bạo và thông minh, Wipro dưới sự dẫn dắt của
tỷ phú Azim Premji đã gặt hái được nhiều thành công và trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới. Để đạt được thành công như vậy, ông Premji đã có những bí quyết kinh doanh. Một trong số đó là không khuất phục thất bại.
Giống như nhiều doanh nhân, ông Premji cũng từng vấp phải một số thất bại. Tuy nhiên, ông không để những thất bại đó làm ngã quỵ mà biết học hỏi, đứng lên ngay sau đó. “Tôi không hối tiếc vì thất bại này, phải biết học hỏi từ chúng”, ông Premji nói.
Để chạm tay đến thành công, tỷ phú Azim Premji đam mê hết mình và khát khao chinh phục, thực hiện ước mơ. Là một nhà lãnh đạo, vị tỷ phú Ấn Độ này rất biết dùng người khi tuyển dụng nhiều nhân tài, chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực. Ông thúc đẩy nhân viên làm việc nhiệt tình, chăm chỉ cũng như có sự đoàn kết, tinh thần làm việc nhóm.
Làm việc chăm chỉ là một bí quyết thành công của ông Premji. Vị doanh nhân này nổi tiếng với phương châm làm việc: “Làm việc, làm việc và tiếp tục làm việc”. Ông cho rằng làm việc chăm chỉ và nhiệt huyết không chỉ đối với nhân viên mà đúng với cả các nhà lãnh đạo. Do vậy, một ngày làm việc của ông thường bắt đầu vào 7h30 và kết thúc sau 22h.
Sống giản dị, gần gũi với mọi người
Mặc dù là một tỷ phú giàu có, lãnh đạo cấp cao của Wipro nhưng ông Premji là một người vô cùng thân thiện, gần gũi với nhân viên cũng như với khách hàng. Ông đối xử bình đẳng với tất cả mọi người từ những người có vị trí thấp nhất đến những lãnh đạo cao cấp. Đặc biệt, ông luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân viên có thể cống hiến hết mình cho công ty. Đổi lại, công ty có những chế độ tiền lương, thưởng xứng đáng cho nhân viên làm tốt công việc được giao.
Là một người đàn ông giàu có, thành đạt, tỷ phú Wipro giữ nếp sống giản dị. Ông thường di chuyển bằng ô tô Ford Escort cũ, ăn sáng ở quán nhỏ ven đường...
Giống như nhiều tỷ phú, ông Wipro quyên góp những khoản tiền lớn cho các hoạt động từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Vào năm 2001, ông thành lập Tổ chức phi lợi nhuận Azim Premji với mục đích giáo dục cho trẻ em nghèo khắp đất nước.
Nhờ tổ chức này mà hàng triệu trẻ em Ấn Độ đã được tiếp cận nền giáo dục. Với đóng góp to lớn cho cộng đồng, năm 2005, Chính phủ Ấn Độ đã trao tặng tỷ phú Azim Premji giải thưởng cao quý “Padmabhushana”.